Chủ tịch Hà Nội: Nghiên cứu trả tiền để tái định cư khi giãn dân phố cổ
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thành phố đang nghiên cứu phương án trả tiền để người dân tái định cư trong đề án giãn dân phố cổ.
Sáng 17/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau Kỳ họp 15 HĐND thành phố.
Liên quan đến các ý kiến cử tri về công tác phòng chống dịch COVID-19, ông Chung cho biết, tính đến nay, đã gần 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Có được thành công này là có sự chỉ đạo cụ thể, sáng suốt, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân. Qua kết quả này cũng khẳng định được sự ưu việt của chế độ.
Hiện nay, theo ông Chung, thành phố đang tập trung giải quyết vấn đề an sinh, hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; cùng với đó, kịp thời ban hành chủ trương, chính sách phù hợp để thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Trước kiến nghị của cử tri về đề án giãn dân phố cổ, ông Chung cho biết, cử tri đã nêu nhiều. Vấn đề xây dựng nhà tái định cư phục vụ đề án được đặt ra từ những năm 2007 – 2008, thành phố đã bố trí quỹ đất ở Long Biên. Tuy nhiên, đến 2012 – 2013, thành phố mới phê duyệt, giao cho quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư. Đã có đất sạch, nhưng cơ chế đầu tư có thay đổi, lúc thì dự định đầu tư công, lúc thì dự định xã hội hóa nên chưa hoàn thành được. “Hiện nay vẫn đang triển khai. Sắp tới sẽ quyết liệt thực hiện quy hoạch 1/500, sớm hoàn thiện dự án”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, thành phố cũng đang nghĩ đến phương án áp dụng cơ chế tái định cư bằng tiền. Tuy nhiên, theo quy định của luật thì phải có địa chỉ nhà để xác định giá, lúc đó mới tái định cư được. Nguyên tắc tái định cư là phải bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ. “Cần có cơ chế đặc thù, đó là tái định cư bằng tiền, người dân có thể đi mua nhà tái định cư ở trong các tòa nhà thương mại với diện tích phù hợp”, ông Chung nói.
Về ý kiến cử tri liên quan tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, ông Chung cho biết, từ giai đoạn những năm 1998 – 1999 đã đặt ra kế hoạch chống lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, đặc thù của người dân Việt Nam và Hà Nội là chủ yếu sống bám mặt đường, nhà hướng ra đường phố, tầng 1 dùng để kinh doanh, dịch vụ nên hay để xe, hàng hóa.
“Đây là vấn đề bức xúc, thành phố vẫn kiên trì không để tái chiếm vỉa hè, lòng đường vì ảnh hưởng đến người đi bộ, ảnh hưởng đến giao thông. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của cử tri về công tác chống lấn chiếm vỉa hè lòng đường có lúc có nơi còn chưa quyết liệt, thường xuyên. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo làm quyết liệt hơn nữa”, ông Chung thông tin.
Liên quan đến dự án cải tạo, chỉnh trang, lát lại vỉa hè hồ Hoàn Kiếm, người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự án này được đặt ra từ năm 2009, giao cho quận Hoàn Kiếm triển khai, hoàn thiện vào kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Do hồ Gươm là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nên trình tự, thủ tục kéo dài.
“Vừa qua đã nạo vét hồ Gươm, bước thứ hai là cải tạo. Quận cũng đã tính toán kỹ lưỡng về mặt kỹ, mỹ thuật, kết cấu. Đá lát ở đây phải đảm bảo chất lượng, có thể không phải vĩnh cửu nghìn năm nhưng phải đảm bảo tốt nhất. Dự án cũng ứng dụng kỹ thuật mới, bê tông cốt sợi, hạn chế cắt đá tại đây để gây bụi. Chúng tôi cũng mời người dân tham gia giám sát, đóng góp ý kiến cho lực lượng thi công, cho Ban quản lý, cho quận… để đạt mục tiêu hoàn thành vào dịp 2/9, chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long Hà Nội và ĐH Đảng bộ thành phố lần thứ XVII”, ông Chung nói thêm.
Tiền phong