MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: Cần có “sổ đỏ” cho Condotel

16-03-2018 - 10:50 AM | Bất động sản

Theo ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thực tế hầu hết nhà đầu tư condotel đều gắp khó khăn về cấp sổ đỏ vì pháp luật chưa có cơ chế rõ ràng, trong khi đây là cũng nhu cầu chính đáng của người dân.

Condotel (căn hộ du lịch), vila resort (biệt thự du lịch) là loại hình BĐS mới xuất hiện tại Việt Nam vài năm gần đây. Sự xuất hiện của mô hình này đang tạo nên một xu hướng đầu tư mới. Thực tế thời gian qua đã chứng kiến điều đó: năm 2017 thị trường BĐS nghỉ dưỡng chỉ riêng tại một số thị trường chủ đạo Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận, Quảng Ninh… đã có tới hơn 22.800 căn hộ du lịch được chào bán, với số giao dịch thành công là hơn 12.500.

Ông Nguyễn Trần Nam cho biết, loại hình bất động sản này đã được thừa nhận và điều tiết tại Luật Du lịch 2017. Tuy nhiên, do đây là loại hình bất động sản mới, chưa được điều chỉnh tại các pháp luật có liên quan, vì vậy gây nhiều khó khăn trong việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân cũng như doanh nghiệp.

Vấn đề pháp lý cho condotel đang trở thành một đề tài nóng trong cộng đồng doanh nghiệp BĐS và giới đầu tư địa ốc thời gian gần đây. Ông Nguyễn Trần Nam đã có một số kiến nghị về vấn đề này.

Theo ông Nam, về nguyên tắc, bên mua nhà, công trình xây dựng, các căn hộ, phần diện tích trong nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Khoản 3 Điều 19 Luật Kinh doanh BĐS).

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết người mua condotel đều gặp khó khăn trong việc xin cấp Giấy chứng nhận vì pháp luật chưa có cơ chế rõ ràng cho vấn đề này.

Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người có tài sản, giúp chủ sở hữu căn hộ tiếp cận được dễ dàng hơn với các nguồn tín dụng khi đầu tư căn hộ trong Dự án cũng như làm tăng tính thanh khoản của sản phẩm vì chỉ khi có Giấy chứng nhận chủ sở hữu căn hộ mới có thể thế chấp chính căn hộ tài sản hợp pháp của mình, để vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Vì thế, Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các Bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn cụ thể về việc cấp Giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho loại hình BĐS này theo hướng cá nhân, tổ chức có thể mua căn hộ condotel (không phải dưới dạng chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án) và được cấp Giấy chứng nhận, dù Dự án Condotel đó được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ hay đất ở không hình thành đơn vị ở.

Ngoài ra, Hiệp hội này cũng kiến nghị sửa đổi Luật đất đai, nhằm gỡ vướng cho vấn đề thời hạn sở hữu, theo hướng:

Đối với các loại bất động sản du lịch được đầu tư xây dựng trên đất ở: thì chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người nhận quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lâu dài.

Đối với các loại bất động sản du lịch được đầu tư xây dựng trên đất thương mại dịch vụ: Thời hạn sử dụng đất của dự án là 50-70 năm theo quy định; chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong thời hạn dự án. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung thêm nội dung theo hướng khi hết thời hạn sử dụng đất của dự án, nếu có nhu cầu thì được xem xét, gia hạn.

Ông Nam cũng lưu ý đến vấn đề chuyển nhượng condotel, hiện nay luật chưa có quy định chi tiết vấn đề này, nên cần có quy định chi tiết nhằm tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và khách hàng khi có nhu cầu. Ngoài ra cũng cần phải quy định các chế tài cụ thể trong việc thực hiện các quy định của Hợp đồng này, ví dụ như việc hiện nay rất nhiều Chủ đầu tư cam kết lợi nhuận cho các nhà đầu tư là 10-15%/năm sẽ đặt ra vấn đề nếu Chủ đầu tư không thực hiện được cam kết này, thì chế tài xử lý là thế nào?

Một vấn đề khác phát sinh về vấn đề pháp lý của condotel, đó là việc sở hữu của các cá nhân nước ngoài. Theo luật hiện hành quy định các cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng trường hợp đối với loại hình BĐS Condotel vừa là căn hộ, vừa là khách sạn, việc áp dụng các quy định của pháp luật về BĐS cho loại hình này đối với cá nhân là người nước ngoài không rõ.

Vì thế, Hiệp hội này kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp các cơ quan liên quan trình cấp thẩm quyền sửa đổi quy định này theo hướng cho phép cá nhân nước ngoài được mua Condotel để đầu tư kinh doanh và, vì mục đích quản lý, có thể quy định các hạn chế đối với cá nhân nước ngoài khi sở hữu Condotel tương tự như đối với nhà ở như: hạn chế số căn được sở hữu trong một khu vực, hạn chế về thời hạn sở hữu nhằm mở ra cơ hội thu hút dòng tiền đầu tư rất tiềm năng về cho đất nước

Bình An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên