MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch hiệp hội dinh dưỡng Nhật Bản tiết lộ bí quyết giúp trẻ em phát triển chiều cao vượt trội

14-12-2018 - 16:06 PM | Sống

GS. Nakamura Teiji cho biết: "Chế độ ăn uống thiếu hụt và nghèo nàn là nguyên nhân cho tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, thể lực và sức đề kháng kém, tuổi thọ trung bình cũng rất thấp".

Chiều 13/12 tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và tập đoàn TH tổ chức Hội thảo quốc tế về Dinh dưỡng người Việt. Ông Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng quốc gia Nhật Bản - đã có những chia sẻ về bí quyết giúp người dân Nhật Bản tăng chiều cao vượt trội. Theo vị Chủ tịch, ngày nay con người ăn nhiều chất hơn nhưng chiều cao không thay đổi là do không biết cân đối dinh dưỡng.

Dinh dưỡng hợp lý, đủ là cái gốc để phát triển tầm vóc. Trong lịch sử người Nhật cũng từng có thời kỳ con người thấp, lùn, suy dinh dưỡng do chế độ ăn không hợp lý. Tuy nhiên, sau chiến tranh thứ hai trở đi chiều cao của người Nhật đã có thay đổi. Chiều cao trung bình của người Nhật hiện nay là 171,2m thuộc vào Top cao ở Châu Á, chỉ đứng sau Hàn Quốc.

Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi từ năm 1945, ngoài lương thực viện trợ, chương trình sữa đã được đưa vào học đường. 

Năm 1951, bữa ăn học đường hoàn chỉnh bắt đầu được triển khai. Trong đó, sữa tươi là một phần không thể thiếu trong bữa ăn học đường.

Năm 1954, Nhật ban hành Luật Bữa ăn học đường. Theo đó, tất cả các trường phải đăng ký về cách thức thực hiện chương trình bữa ăn học đường và số lần thực hiện mỗi tuần, trong đó các loại bữa ăn học đường đó là:

Bữa ăn hoàn thiện: Cơm hoặc bánh mì, sữa tươi và các đồ ăn nhẹ khác.

Bữa ăn phụ: Sữa tươi và các đồ ăn nhẹ.

Sữa học đường: Chỉ cung cấp sữa tươi.

Chủ tịch hiệp hội dinh dưỡng Nhật Bản tiết lộ bí quyết giúp trẻ em phát triển chiều cao vượt trội  - Ảnh 1.

Chủ tịch hiệp hội dinh dưỡng Nhật Bản chia sẻ trong buổi Hội thảo.

Những tư vấn của GS. Nakamura Teiji cho thấy, sữa là một phần không thể thiếu trong bữa ăn của trẻ Nhật Bản. Nhưng tại Việt Nam, bữa ăn của người Việt ăn nhiều chất hơn, trong đó nhiều chất béo, đạm, bột đường, ít rau xanh, nhiều muối. Sữa thiếu vắng hoàn toàn trong bữa ăn của mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ tới người trưởng thành, người già.

3 vai trò chính của dinh dưỡng mà nhiều người bỏ qua 

Cũng tại hội thảo này, đề án dinh dưỡng người Việt với 6 tiểu đề án hướng đến các nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng đặc thù đã được các chuyên gia chia sẻ.

Các chuyên gia đều nhấn mạnh, dinh dưỡng có 3 vai trò chính: Tạo điều kiện thuận lợi để có thể có sức khoẻ tốt; Phòng ngừa các bệnh liên quan đến ăn uống; Khôi phục sức khoẻ sau thời kỳ bệnh tật, thương tích

Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng, kiểm soát sức khoẻ, bệnh tật trong các giai đoạn của vòng đời. Đầu tư cho dinh dưỡng xuyên suốt vòng đời không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn mang ý nghĩa xã hội thiết thực. Nhận thức đúng đắn và đầy đủ, để đầu tư hợp lý cả về nhận thức, lẫn hành vi tiêu dùng cho vấn đề dinh dưỡng đang là vấn đề cấp bách của xã hội phát triển.

Các cuộc điều tra dân số, khảo sát về tình trạng sức khoẻ nhân dân cho thấy, Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, như cải thiện chiều cao, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, sức khoẻ bà mẹ trẻ em được đầu tư đích đáng hơn, tuổi thọ được nâng lên và đã có nhiều giải pháp hiệu quả đối với các dịch bệnh. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội thì các nguy cơ mới về sức khoẻ đến từ thói quen ăn uống như ăn uống mất cân bằng, khẩu phần ăn quá nhiều đạm động vật, sử dụng đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, dùng nhiều đường tinh luyện dẫn tới bùng phát các bệnh mãn tính không lây (đái tháo đường, béo phì, tim mạch, ung thư, loãng xương…).

Cùng với đó, các vấn đề về dinh dưỡng của lao động trong các khu công nghiệp, trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời; trẻ em lứa tuổi vàng từ mẫu giáo tới tiểu học cũng chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 164,4cm và của nữ thanh niên là 153,4cm, thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, lần lượt là 13.1cm và 10,7cm. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều quốc gia trong khu vực. 

Các chuyên gia chia sẻ, Đề án Dinh dưỡng người Việt kéo dài 10 năm (từ 2018 đến 2028) mang lại giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng bằng cách xây dựng thực đơn với năng lượng hợp lý, cân bằng vi chất, đồng thời cung cấp các sản phẩm thích hợp cho mọi đối tượng. Từ đó tạo tiền đề cho sự tăng trưởng tối ưu cho trẻ khi trưởng thành, tăng cường sức khoẻ về thể chất của người lao động, người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính không lây, người tập thể dục thể thao, làm giảm nguy cơ bệnh tật, nâng cao hiệu quả luyện tập, làm chậm quá trình lão hoá, kéo dài tuổi thọ…

Việt Hà

Thời Đại

Trở lên trên