MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch May Sông Hồng: Sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ cứu cánh lợi nhuận nhưng chỉ là tạm thời

28-06-2020 - 08:31 AM | Doanh nghiệp

Chủ tịch công ty cho biết đây không phải hướng đi lâu dài. HĐQT trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 250 tỷ đồng, giảm 54%.

Sáng ngày 27/6, Công ty May Sông Hồng ( HoSE: MSH ) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Tại phiên thảo luận, Chủ tịch HĐQT Bùi Đức Thịnh cho biết, đứng trước khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, doanh nghiệp chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang, bảo hộ y tế và dự kiến sẽ xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ. 

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng nhấn mạnh hoạt động này là cứu cánh cho lợi nhuận nhưng cũng chỉ là tạm thời. Bởi ngay khi thấy việc sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ phát triển ở Việt Nam, Trung Quốc đã ngưng cung cấp hoặc tăng giá nguyên liệu, thiết bị. Vị Chủ tịch đánh giá đây là lỗi không đồng bộ trong ngành dệt may. 

Chủ tịch May Sông Hồng cũng chỉ ra nguyên phụ liệu đang là vấn đề khó khăn khi các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhằm hạn chế rủi ro phụ thuộc nước ngoài, May Sông Hồng dự kiến đầu tư mới hoặc tìm liên doanh liên kết phục vụ cho việc cung ứng nguyên liệu. Việc này cũng giúp công ty hưởng lợi khi tham gia các hiệp định quốc tế. Ví dụ như EVFTA quy định hàng may mặc phải làm từ vải trong nước thì mới được hưởng ưu đãi về thuế.

HĐQT trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu thuần 3.200 tỷ đồng, giảm 27% so với mức thực hiện năm 2019. Lợi nhuận trước thuế là 250 tỷ đồng, giảm 54%.

Vị Chủ tịch cho biết kế hoạch trên được Ban Tài chính xây dựng khá lạc quan trong bối cảnh doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19 như sản lượng, doanh thu hàng FOB giảm, nguồn cung cấp nguyên liệu tại Trung Quốc bị gián đoạn, thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ ngưng trệ. Phải đến năm 2021, tình hình sản xuất kinh doanh mới có thể trở lại bình thường.

Ông Thịnh chia sẻ toàn bộ nhân sự đều phải giảm lương từ 7-20%, riêng Chủ tịch HĐQT giảm 30%. Tuy nhiên, chưa có nhân sự nào bị sa thải do dịch Covid-19 dù sắp tới thời gian lao động có thể giảm xuống.

Lần đầu tiên, công ty phải thành lập Ban giám sát thu hồi công nợ để điều chuyển việc lưu chuyển dòng tiền. May Sông Hồng cũng lập quỹ dự trữ khoảng 200 tỷ đồng để chi trả mức tối thiểu cho nhân viên cho các tháng tiếp theo.

Về việc đầu tư nhà máy may Sông Hồng Nghĩa Hưng, dù công ty đã hoàn thiện đất đai nhưng phải tạm dừng các khâu tiếp theo do tình hình không thuận lợi. Dự án này dự kiến thúc đẩy doanh thu lên 5.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sẽ tính toán để nhà máy triển khai tiếp vào cuối năm 2020 hoặc đầu 2021.

Năm 2019, công ty ghi nhận mức lợi nhuận 450 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018. Theo ông Thịnh, yếu tố thuận lợi đến từ việc thay đổi cơ cấu hàng hóa. Trước đây, công ty chủ yếu gia công và sau đó chuyển qua FOB (chủ động từ khâu mua nguyên liệu đến ra sản phẩm). Thành công còn đến từ mảng chăn ga gối đệm nội địa và may mặc xuất khẩu khi chỉ đứng sau công ty May Việt Tiến đứng thứ 6 nếu tính cả các công ty FDI.

Dựa trên kết quả kinh doanh như vậy, công ty dự kiến chia cổ tức năm 2019 là 45% bằng tiền mặt. Năm 2020 dự kiến chia tỷ lệ 25%-35%.

Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.

Châu Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên