Chủ tịch MK Group và hành trình kỳ diệu của 60 triệu căn cước công dân mang ‘trái tim Việt Nam’
Ảnh: Việt Hùng
Gần 60 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử đã được Bộ Công an in và trả cho công an địa phương trong năm 2021. Đây là tốc độ được coi là rất khó tin với thế giới, bởi tính phức tạp và khó khăn của dự án trong đại dịch Covid-19. Đây là chưa kể đến việc chip của căn cước mang “trái tim Việt Nam” ở bên trong, điều mà nhiều quốc gia có trình độ phát triển hơn chưa làm được.
- 27-03-2022CTO MoMo: Chúng tôi muốn dùng AI để khách hàng chỉ cần 1 chạm đúng nghĩa khi sử dụng dịch vụ!
Trước Việt Nam, Philippines đã tiến hành dự án thay đổi căn cước công dân (CCCD) nhưng vẫn dùng mã vạch không sử dụng chip. Thái Lan, Indonesia thay đổi thẻ căn cước gắn chip trước đó nhưng không theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, ngay từ khi được nghiên cứu triển khai dự án, Việt Nam đã xác định tạo ra chiếc thẻ căn cước công dân gắn chip theo chuẩn quốc tế. Điều khiến các đối tác bất ngờ đó là chỉ trong thời gian 1 năm, khoảng 60 triệu thẻ căn cước công dân đã được cấp mới – điều mà cả các nước phát triển phải mất nhiều năm.
Ông Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch HĐQT MK Group – đơn vị sản xuất hàng chục triệu CCCD mang "trái tim Việt Nam", mới đây đã chia sẻ với Trí Thức Trẻ về quá trình thực dự án đặc biệt này. Theo ông, chiếc thẻ căn cước công dân là minh chứng cho sự đồng lòng của người dân cả nước, tư duy đổi mới của Bộ Công an và sự phát triển của công nghệ tại Việt Nam.
Theo những gì ông chia sẻ, Bộ Công an muốn thực hiện dự án chuyển đổi căn cước công dân gắn chip này rất sớm, từ những năm 1995 nhưng không làm được. Sau đó đến năm 2021, tức là sau 26 năm, dự án mới được triển khai. Lúc tham gia làm dự án, ông hình dung nó như thế nào?
Thực ra, đến khi thực sự làm tôi mới thấy nó rất phức tạp chứ không dễ. Về mặt công nghệ, tích hợp đầu tư phải tổng thể, cơ sở dữ liệu dân cư và dữ liệu căn cước công dân phải đồng bộ với nhau. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về sinh trắc học cần được thiết kế tương ứng với gần 100 triệu dân.
Để có thể lấy dấu vân tay của tất cả người dân là một bài toán khó, phức tạp. Theo tính toán, trung bình với một dự án khoảng 50-60 triệu dân thì ít nhất sẽ mất 3-4 năm. Ví dụ Nhật Bản, tuy dân số của họ lớn hơn 50-60 triệu nhưng họ là nước phát triển, trước đó cũng có thời gian để chuẩn bị nhưng cũng phải mất hơn 5 năm.
Vậy mà, chỉ trong thời gian ngắn, 53 triệu dữ liệu cá nhân đã được thu thập và cấp thành thẻ cho người dân. Các đối tác từ Đức, Nhật và Mỹ trong dự án đều bất ngờ, không thể tưởng tượng được tại sao Việt Nam có thể tiến hành nhanh như thế. Đến ngày hôm nay chắc chắn con số đã lớn hơn rất nhiều.
Thách thức lớn nhất ông gặp phải khi thực hiện dự án này là gì?
Với tôi, thách thức lớn nhất là hoàn thành công việc trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng nổ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Khi đặt hàng với các nhà thầu nước ngoài, thông thường thời gian đặt hàng sẽ dài và có kế hoạch xa hơn bình thường.
Để có thể đáp ứng nguồn cung lớn hơn 50 triệu chip như hiện nay, chúng tôi đã phải xoay sở, tìm đủ mọi cách. Ví dụ, khi kênh đào Suez gặp vấn đề chúng tôi phải đưa 30 tấn nhựa theo đường hàng không từ Đức về Việt Nam. Chi phí đắt hơn rất nhiều, bình thường có thể đi được bằng đường biển nhưng như vậy thì phải 2-3 tháng mới đến nơi.
Các doanh nghiệp nước ngoài khi thấy giá chip tăng, lợi nhuận giảm, họ thậm chí có thể không làm nữa mặc dù trước đó đã ký hợp đồng và chấp nhận chịu phạt. Cá nhân tôi thì không thể làm như vậy được vì đây là đất nước của tôi, là nơi tôi sống.
Làm việc trong thời điểm dịch bệnh bùng phát cũng khiến tôi lo cho các cán bộ nhân viên của mình. Rất may mắn, thông qua Bộ Công an, các anh em đã được tiêm phòng sớm để có thể đẩy nhanh tiến độ làm việc.
Trong quá trình sản xuất thẻ chip từ tháng 1/2021 đến bây giờ, có lúc nào ông gặp vấn đề về dữ liệu không?
Có chứ, thông thường dữ liệu được Bộ Công an lấy về sẽ chưa được dùng luôn bởi vì họ phải đem đi so sánh, kiểm định. Rất nhiều dữ liệu phải xử lý như vậy trong một khoảng thời gian ngắn.
Hãy tưởng tượng bạn phải làm việc này cho gần 100 triệu dân, thuật toán phải nhân lên rất khủng khiếp. Cùng 1 lúc, lực lượng công an cùng các bên tham gia phải giải quyết nhiều thứ. Các chiến sỹ công an hay dùng từ "vừa chạy vừa xếp hàng" là vì thế.
Thủ tướng trước đó cũng khen thưởng Bộ Công an vì phải thực hiên song song dự án về căn cước công dân và dự án về cơ sở dữ liệu dân cư. Trước đây, hai dự án này chạy khác nhau nay được thực hiện cùng lúc đã giúp tiết kiệm được khoảng 1.300 tỷ đồng.
Bên cạnh những khó khăn, trong quá trình thực hiện dự án, có điều gì thú vị ông muốn chia sẻ không?
Điều khiến tôi bất ngờ chính là Bộ Công an có thể huy động một lực lượng lớn trong thời gian rất ngắn, "làm đêm làm hôm" để có thể hoàn thành mục tiêu. Quyết tâm được thể hiện từ các cấp lãnh đạo đến các chiến sĩ công an và được sự ủng hộ của người dân. Nếu bạn làm một việc gì đó hợp lòng dân thì người dân sẽ háo hức đi làm.
Khi có dịp lên Hà Giang đi thực địa, vì địa hình khó khăn, tôi chứng kiến các chiến sĩ công an phải dùng xe máy thay vì ô tô đi lên những bản làng sâu trong núi đến hàng chục cây số để đưa người dân ra làm căn cước công dân.
Người dân ở nơi này rất hồ hởi, các chiến sĩ công an còn đem cả bánh mỳ, nước, sữa… để bà ăn uống trong lúc đợi làm. Hình ảnh này đối với tôi đặc biệt xúc động.
Tôi cảm thấy vui vì tinh thần Việt Nam được lan toả ngay trong nội bộ ngành công an cho đến các nhà thầu tham gia dự án. Cá nhân tôi cũng vào cuộc cùng mọi người, làm việc và "chiến đấu" đến rụng cả tóc.
Với dự án lần này, câu chuyện lấy người dân làm trung tâm được đặt lên hàng đầu. Trước đây, liên quan đến barcode thì chỉ có cơ quan nhà nước biết được thế nhưng khi chuyển sang thế này thì người dân cũng nắm được, theo ông, tại sao lại có sự thay đổi này?
Có thể thấy dự án chuyển đổi căn cước công dân là dự án nhu cầu quản lý cấp thiết. Bộ Công an cần kiểm soát việc đi lại của người dân, cập nhật dữ liệu thường xuyên, quản lý dữ liệu luôn đúng, đủ, sống.
Tôi cho rằng đây chính là điểm mới trong tư duy của các cơ quan nhà nước. Thông thường, mọi người sẽ nghĩ việc chuyển đổi này nhằm phục vụ công tác hồ sơ của Bộ Công an nhưng dự án này còn giúp hoạch định tương lai giải quyết tất cả bài toán của người dân và Chính phủ.
Chiếc thẻ căn cước công dân là minh chứng cho thấy Bộ Công an quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách làm phục vụ người dân. Khi nói lấy người dân làm trung tâm, người dân được xem như một thực thể được Nhà nước phục vụ. Sau khi được định danh, các thủ tục hành chính sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn.
Chính vì vậy, thay vì làm mã barcode chỉ có cơ quan nhà nước biết được hiện nay người dân chính là chủ thể có thể tiếp cận được thông tin của mình. Ngoài ra, dự án có thể giải quyết bài toán phức tạp của sổ hộ khẩu, một sản phẩm của 50-70 năm trước hiện tại đã lỗi thời.
Chính phủ ấp ủ ý định hình thành Chính phủ số, công dân số từ lâu nhưng những điều kiện trước đây chưa cho phép điều đó.
Làm thế nào ông có thể thuyết phục được các lãnh đạo để thực hiện dự án chuyển đổi thẻ căn cước công dân gắn chip?
Tôi cho rằng đó là sự may mắn của bản thân khi được các lãnh đạo quan tâm, được gặp mặt và trao đổi trực tiếp. Bản thân đã phải chuẩn bị rất nhiều báo cáo, cả báo cáo nước ngoài để có thể trình bày, so sánh.
Tôi giúp mọi người hiểu khi người dân được định danh, mọi hoạt động đều trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Về kinh tế số, nhiều giao dịch bao gồm cả các giao dịch cần xác thực cũng có thể hoàn thành nhanh chóng.
Theo một báo cáo của Estonia, sau khi triển khai công nghệ định danh, GDP của nước này đã tăng trưởng 2%. Việt Nam nếu tăng trưởng 1% nhờ công nghệ này thì GDP sẽ thêm 4 tỷ USD.
Chúng tôi đã phải làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề bảo mật. Đây là chuyện thông thường vì khi làm việc ở nước ngoài chúng tôi cũng cần làm những chứng nhận về an toàn bảo mật để có thể hoạt động. Chi phí ở nước ngoài có thể lên đến 500.000-700.000 Euro. Ngoài ra, dự án phải được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông qua.
Còn khi làm việc với Bộ Công an, cơ quan trực tiếp tiến hành dự án, việc thuyết phục có dễ dàng hơn không?
Tôi tin rằng khi mình đưa ra một dự án có lợi cho người dân thì sẽ có một lực lượng đông đảo ủng hộ. Đương nhiên, trong một nhóm thì vẫn sẽ luôn có ý kiến khác nhau nhưng nếu chứng minh được việc chuyển đổi có lợi, mang ý nghĩa tốt đẹp thì đại đa số sẽ đồng ý. Tôi cảm ơn Bộ Công an đã tin tưởng và cho phép chúng tôi thực hiện dự án.
Thông qua dự án, chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học. Nếu làm đúng, đầu tư hiệu quả thì có thể thay đổi căn bản nhiều bài toán liên quan tới người dân, góp phần xây dụng hiệu quả nền kinh tế số (thương mại điện tự, giao dịch điện tử). Nhà nước cần lấy hình mẫu của dự án này để lan toả. Quan trọng là phải đúng, chiến lược và hiệu quả.
Có điểm gì khác giữa chiếc thẻ căn cước công dân Việt Nam và những nước khác?
Các nước trong khu vực như Philippines vừa rồi cũng mới triển khai căn cước công dân, nhưng họ vẫn dùng mã vạch chứ không gắn chip. Thái Lan, Indonesia cũng làm chip từ rất lâu, nhưng lại không theo tiêu chuẩn quốc tế.
Còn với Việt Nam, thẻ căn cước công dân sẽ được gắn chip và tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế. Nói về tư vật liệu để sản xuất ra phôi thẻ, đầu vào của dự án yêu cầu độ bền cao, vật liệu đặc biệt. Chúng tôi phải mua vật liệu của Anh, Đức cho phần vỏ nhựa (độ bền vật liệu hơn 10 năm), phần chip cũng được nhập từ một hãng cung cấp lớn ở Đức.
Thẻ căn cước công dân giờ có thể dùng cho thẻ bảo hiểm y tế tránh được việc giả mạo, gian lận. Thêm nữa, 12 số duy nhất trên thẻ còn có thể làm mã số thuế cá nhân. Trong thời gian tới, thẻ căn cước sẽ được dùng rộng rãi để xác thực tại các quầy giao dịch, cây ATM tại ngân hàng, tiến tới định danh và xác thực thanh toán từ xa.
Giao dịch giữa công dân điện tử và chính phủ điện tử không chỉ tăng hiệu quả các giao dịch mà còn giúp giảm giao tiếp trực tiếp giữa cán bộ hành chính và người dân. Ngoài ra, thông qua dự án, Chính phủ cũng có thêm dữ liệu để phân tích, xây dựng chiến lược văn hoá, xã hội và kinh tế phục vụ người dân hiệu quả.
Nếu Việt Nam đàm phán được với các nước trong ASEAN và Trung Quốc, người dân hoàn toàn có thể dùng thẻ căn cước điện tử để đi lại như một hộ chiếu điện tử, rất an toàn và thuận tiện.
Về mặt công nghệ, Việt Nam đóng góp ở khía cạnh nào hay chỉ đơn thuần nhận chip có sẵn về để lắp ráp?
Để giải thích về vấn đề này, tôi sẽ so sánh chip giống như một cái máy tính, cũng có phần cứng (hardware), có ROM... và để điểu khiển được thì phải có hệ điều hành và ứng dụng nằm trên hệ điều hành đấy.
Các kỹ sư Việt Nam chính là "trái tim" của con chip. Chúng tôi tạo ra hệ điều hành rồi đưa các thuật toán, các công cụ mã hoá an ninh bảo mật vào bên trong. Con chip này sẽ là của người Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, các công ty quốc tế lớn trên thế giới làm được chuyện này hiện nay chỉ tính được trên đầu ngón tay.
Ví dụ Nhật Bản, chi phí để sản xuất ra một tấm thẻ khá đắt, gần 4 USD. Chúng tôi có thể làm ra tấm thẻ khác với chất lượng tương đương chỉ bằng nửa giá. Khi ai đó hỏi tôi MK Group là gì, tôi hay đùa rằng chúng biểu tượng cho chất lượng Nhật Bản nhưng giá cả Việt Nam.