Chủ tịch Quốc hội: Tránh tình trạng 'vỏ' là phường, 'ruột' vẫn là xã
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã phải tránh tình trạng "vỏ" là phường nhưng "ruột" vẫn là xã.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã phải tránh tình trạng "vỏ" là phường nhưng "ruột" vẫn là xã.
- 12-09-2022Địa phương được liên danh của VinaCapital đầu tư 13 tỷ USD phát triển điện gió có tiềm năng gì?
- 12-09-2022Top 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm cao nhất cả nước
- 12-09-2022Những người nằm trong nhóm 0,001% dân số giàu nhất Việt Nam có tài sản ròng bao nhiêu?
Sau khi nghe báo cáo kết quả tóm tắt “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự băn khoăn về sắp xếp đô thị.
Nêu dẫn chứng về việc sáp nhập huyện Hoành Bồ với diện tích 824 km2 vào TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Chủ tịch Quốc hội nói, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, sau khi sắp xếp, nhiều nơi chưa đạt 50% tiêu chí đô thị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã phải tránh tình trạng "vỏ" là phường nhưng "ruột" vẫn là xã.
“Việc này đánh giá thế nào và giai đoạn sau làm việc này thế nào? Phải tránh tình trạng vỏ là phường nhưng ruột vẫn là xã”, ông Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ tiêu chí để sắp xếp những đơn vị hành chính như TP Thủ Đức.
"TP.HCM đang đề nghị cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức vì cái áo chật quá. Hà Nội cũng đang chuẩn bị thành lập thành phố trong thành phố. Vậy căn cứ vào tiêu chuẩn, tiêu chí nào? Khi thành lập TP Thủ Đức, chúng ta nói tên là thành phố nhưng chỉ là đơn vị hành chính cấp quận, huyện. Trước đó là 3 quận, giờ 3 quận nhập làm một. Vậy nó là loại gì?", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Ông Vương Đình Huệ cũng đề nghị Đoàn giám sát làm rõ hơn kết quả đạt được, nổi bật có những vấn đề gì, so với mục tiêu có đạt được không cả về định tính và định lượng.
"Tinh gọn bộ máy thì tinh gọn như thế nào? Tinh giảm biên chế thì bao nhiêu biên chế đã giảm? Vì sao đến nay vẫn còn tồn đọng nhiều như thế? Theo số liệu của Đoàn giám sát, đến 2021 còn hơn 3.000 cán bộ cấp xã, mấy trăm biên chế cấp huyện chưa giải quyết xong. Mới chỉ đạt hơn 40% tổng số cần phải sắp xếp", Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông Huệ cũng đề nghị làm rõ sau 3 năm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã (2019-2021), ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được bao nhiêu.
"Sắp xếp không đơn thuần là sắp xếp lại, mà mục tiêu cuối cùng nhằm nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước. Sau khi sắp xếp, chỉ tiêu đo lường đánh giá như thế nào, phục vụ nhân dân làm sao?”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Lấy dẫn chứng tỉnh có sắp xếp nhiều như Cao Bằng hay nơi có diện tích lớn như huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi, các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế phục vụ người dân sau sắp xếp có đáp ứng được không hay phải mở thêm điểm trường, điểm y tế xã?
“Trong khi bao nhiêu trụ sở, tài sản đang bỏ, không sử dụng được (do sắp xếp) thì phải bỏ thêm tiền làm mới là bao nhiêu? Bài học gì rút ra cho giai đoạn sau? Có chỗ nào bảo thủ trì trệ không chịu làm không? Có chỗ nào nóng vội? Đó là ý quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
VTC News