Tô Lan Hương: Tôi chỉ vừa mới biết anh là một trong 7 doanh nhân Việt đầu tiên cam kết tài trợ trọn đời cho FUV với một mức đóng góp vô cùng hào phóng. Những người giàu Việt Nam thường đóng góp vào tiền của để xây chùa, giúp đỡ người nghèo, ủng hộ giáo dục vùng cao. Làm từ thiện giáo dục đại học, hình như anh là người đầu tiên...?
Trần Trọng Kiên: Trong suốt hơn 20 năm qua, tôi có may mắn được đi nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi chứng kiến không ít những cộng đồng thành công như Đan Mạch, như Bỉ, như Na Uy, người Do Thái ở Israel. Và dĩ nhiên, tôi đã gặp không ít những cộng đồng thất bại.
Vì sao những cộng đồng, những dân tộc ít người này có thể thành công, vì sao những cộng đồng khác có thể thất bại? Tôi dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về việc đó…
Cuối cùng, tôi nghĩ rằng, để một cộng đồng thành công trong việc cùng nhau chung sống và cùng nhau kiến tạo, thì đều phải dựa trên nhiều nền tảng văn minh mà họ cùng nhau xây dựng. Và nền tảng quan trọng nhất là dân trí. Mà để tạo dựng nó, thì phải dựa vào hệ thống giáo dục của cả cộng đồng đó.
Vì giáo dục sẽ tạo ra những người bác sĩ chữa bệnh cho cả cộng đồng đó; Giáo dục sẽ đào tạo những người giáo viên để dạy cho người dân của cả cộng đồng đó; Giáo dục tạo ra những kỹ sư làm việc trong những nhà máy, sản xuất ra hàng hoá cho cả cộng đồng đó; Giáo dục sẽ tạo ra những nhà kinh tế dẫn dắt nền kinh tế cuả cả cộng đồng đó. Những nhà chính trị, những người lãnh đạo cộng đồng cũng do nền giáo dục đó tạo thành.
Thế thì tương lai của một cộng đồng là đó chứ là đâu?
Là người Việt, tôi sợ lắm nếu chúng ta có một cộng đồng thất bại! Vì ước mơ của tôi là một ngày nào đó, Việt Nam trở thành nhà lãnh đạo của khu vực, vì tôi tin chúng ta đủ tiềm năng, tôi tin chúng ta có thể.
Cách đây 6-7 năm gì đó, chị Đàm Bích Thủy (khi ấy vẫn là Tổng giám đốc ngân hàng ANZ Việt Nam) và Thomas Vallely (nhà sáng lập chương trình Việt Nam tại Harvard) đến gặp tôi, chia sẻ với tôi về việc chẳng bao lâu nữa, khi thời cơ chín muồi, Đại học Fulbirght Việt Nam sẽ ra đời với hai nền tảng là triết lý giáo dục khai phóng và phi lợi nhuận. Họ đề nghị tôi khi thời điểm ấy đến sẽ có một khoản đóng góp cho Fulbright.
Thật ra lúc đó dù rất hứng thú, tôi không chắc mình sẽ đóng góp được nhiều. Vì 6 năm trước, tôi thực sự chưa có quá nhiều tiền, chưa có quá nhiều hiểu biết về giáo dục, và cũng chưa kịp suy nghĩ một cách nghiêm túc về những việc gì mà tôi có thể làm cho đất nước này.
Nhưng vài năm sau này, khi tôi tích luỹ được thặng dư lớn hơn từ việc lao động chăm chỉ và sáng tạo, tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghe và nói chuyện về FUV.
Cho đến thời điểm FUV được thành lập, với sự ủng hộ rất cao của hai Chính phủ, triển vọng thành công tương đối cao, tôi đã tham gia với vai trò là thành viên hội đồng tín thác đầu tiên và quyết định rằng mình sẽ dành một phần tài sản tôi tích luỹ được để đóng góp cho việc duy trì hoạt động của trường.
Tô Lan Hương: Nhưng có rất nhiều trường đại học ở Việt Nam… Vậy tại sao anh lại chọn FUV? Và tại sao lại là lúc này?
Trần Trọng Kiên: Sự thực là trước đây, kể cả có muốn thì tôi cũng không thể tìm được một trường đại học nào ở Việt Nam để tài trợ. Vì ở Việt Nam bây giờ chỉ có hai cơ chế: một là những trường đại học hoạt động với nguồn vốn Nhà nước; hai là những trường đại học tư có lợi nhuận.
Tôi không muốn trở thành một người kinh doanh, kiếm lợi nhuận từ giáo dục nên đương nhiên không chọn những trường tư hoạt động với mục đích lợi nhuận. Nhưng với những trường đại học công do Nhà nước đầu tư, thì vấn đề là chưa có các quy định về việc đóng góp và có nhiều câu hỏi về tính hiệu quả của việc sử dụng vốn.
Thế nên khi FUV ra đời, trở thành trường đại học tư phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam, tôi đã đồng ý tài trợ cho trường với một cam kết lớn và lâu dài.
FUV cam kết rằng tất cả nguồn thu và lợi nhuận nếu có sẽ được tái đầu tư cho trường, tạo ra nguồn học bổng để hỗ trợ sinh viên với những xuất thân khác nhau, nguồn gốc khác nhau có thể được hưởng thụ nền giáo dục của FUV.
Sứ mệnh mà FUV đặt ra cho mình là: không kể nguồn gốc, không kể xuất thân của bạn, không kể bảng điểm của bạn ở trường cấp phổ thông… miễn là bạn thuyết phục được chúng tôi rằng bạn là người có năng lực và có tố chất trở thành người lãnh đạo, người tạo ra sự thay đổi cho cộng đồng, thì chúng tôi sẽ đào tạo bạn….
Thế nghĩa là tất cả mọi người trên đất nước này đều có cơ hội bình đẳng như nhau trong việc học và tiếp nhận những kiến thức tinh hoa. Đó cũng là điều tôi luôn mong mỏi…
Sau nhiều năm, các chỉ số giáo dục phổ thông của Việt Nam đã tốt dần lên. Nhưng giáo dục đại học thì chưa. Ngày xưa nhóm sinh viên xuất sắc nhất sẽ tập trung ở những trường như Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học - Tự nhiên.
Nhưng bây giờ, nhóm xuất sắc nhất sẽ đi ra nước ngoài học, và chưa chắc đã quay lại Việt Nam. Họ gần như mất kết nối với Việt Nam trong một thời gian dài, có những người 3-5 năm, nhiều thì 7-9 năm. Nhiều người không trở về. Vì đơn giản là Việt Nam không có những trường đại học có thể cạnh tranh với thế giới.
Mà tôi luôn coi trọng sự kết nối đó: đó đôi khi đơn giản chỉ là một buổi sáng, chúng ta ra đường ăn một bát phở, uống một cốc cà phê, mua một món quà vặt của chị hàng rong ven đường, nói tiếng Việt mỗi ngày… từ đó mà để hiểu hơn đất nước mình sinh ra, yêu thêm đất nước ấy và cùng trăn trở việc làm nó tốt lên.
Tôi luôn mong rằng dù bây giờ chưa có nhưng rồi chúng ta phải có những trường hàng đầu có thể cạnh tranh với khu vực và thế giới như NUS của Singapore, Thanh Hoa của Trung Quốc, Đại học Hong Kong, Đại học Tokyo… để con cháu mình có thể có những lựa chọn giáo dục tốt trên chính nước này! Đó là lý do cho những cam kết của tôi với FUV.
Sau khi quyết định rồi thì tôi trở về nhà, chia sẻ về ý định đó với gia đình mình…
Tô Lan Hương: Và vợ anh đã phản ứng…?
Trần Trọng Kiên: Không chỉ là ý kiến của vợ tôi, mà còn cả các con tôi nữa chứ! Vợ tôi xuất thân trong một gia đình giáo viên, bố vợ tôi cũng là một giáo sư có tiếng trong lĩnh vực của ông. Mọi người trong gia đình tôi đều có mong mỏi giáo dục Việt Nam sẽ phát triển. Dù là tôi, vợ tôi hay các con tôi, thì chúng tôi đều hình thành thói quen biết đóng góp cho cộng đồng theo cách của mình, theo năng lực của mình. Nhưng đóng góp như thế nào thì dĩ nhiên chúng tôi sẽ cùng nhau tranh luận để đưa ra lựa chọn tốt nhất.
Và thật hạnh phúc là gia đình tôi thống nhất ở một điều: Chúng tôi không có nhu cầu tiêu hết số tiền chúng tôi kiếm ra. Nên việc đóng góp cho xã hội là điều tất yếu. Và đóng góp cho giáo dục là mong muốn chung của cả gia đình và là việc chúng tôi muốn cùng nhau chung sức. Trong phần đóng góp đó, chúng tôi sẽ dành sự đóng góp chủ yếu cho FUV…
Nhưng tôi không phải là người duy nhất. Có những người khác tham gia, cam kết đóng góp lâu dài cho FUV, mà vì lý do này hay vì lý do khác không tiện ra mặt, kể cả trong nước và ngoài nước.
Tô Lan Hương: Từ bao giờ anh nghĩ đến việc mình phải cống hiến gì đó cho cộng đồng? Khi anh đã là đại gia, hay từ lúc anh vẫn là chàng trai nghèo nuôi mộng làm giàu?
Trần trọng Kiên: Bây giờ tôi đã có tiền và tóc cũng bạc đi nhiều, nhưng tôi hy vọng mình vẫn được gọi là "chàng trai" (cười)!
Thật ra tôi nghĩ rằng mỗi giai đoạn trong đời, chúng ta sẽ có nhu cầu và mục tiêu khác nhau, chứ không phải lúc nào cũng có thể sống lý tưởng được. Thú thật khi tôi nghèo, giấc mơ và ưu tiên số 1 của tôi là đủ ăn, đủ mặc, là kiếm đủ tiền để con cái tôi sau này không phải khổ như mình.
Tôi bắt đầu làm kinh doanh từ năm 21 tuổi! Vì nhà rất nghèo, tôi học trường Y 6 năm nhưng ra trường lại chọn kinh doanh. Tôi nghĩ mình là một trong những người may mắn, vì dù xuất phát điểm thấp, nhưng khi tôi bắt đầu làm kinh doanh, thì ngành du lịch mà tôi tham gia tăng trưởng rất nhanh. Chỉ trong vòng vài năm, khi ngoài 20 tuổi, tôi đã thành triệu phú. 30 tuổi tôi đã có cả chục triệu USD tài sản.
Nhưng khi tôi có nhiều tiền hơn một chút, cuối cùng tôi nhận ra rằng, lúc đầu ta có thể kiếm tiền vì nhu cầu tiêu dùng của mình; nhưng khi kiếm tiền đến một mức nào đó, thì dù có kiếm thế hay nhiều hơn nữa cũng không thể thay đổi mức sống của mình thêm được nữa.
Tô Lan Hương: Giống như đôi giày da cao cổ của thổ dân Úc mà anh đang đi hôm nay đúng không? Tôi nghe nói rằng dù là đại gia, anh chỉ đi duy nhất đôi giày này?
Trần Trọng Kiên: Nên chị thấy đấy, tiền kiếm được cũng chỉ cần để mua đến 2-3 căn nhà là đủ, mua quần áo để mặc, lo cho con cái học hành. Còn giày thì 10 năm đi không đổi.
Nên những năm trở lại đây, tôi không quan tâm giá trị tuyệt đối của số tiền tôi kiếm được. Tôi quan tâm đến việc mình sẽ dùng nó để tăng trưởng và đóng góp như nào để cho cộng đồng mà tôi đang sống sẽ tốt dần lên.
Lẽ dĩ nhiên, tôi biết mình không thể nào so sánh về sự giàu có so với những người Việt Nam giàu nhất bây giờ. Nhưng tôi cũng hiểu mình có một số tiền tích luỹ nhiều hơn phần lớn những người Việt khác. Mà tôi luôn có hứng thú với những vấn đề về y tế và giáo dục. Nói chung, tất cả những thứ có thể tạo ra sự thay đổi và phát triển cộng đồng, giúp cộng đồng ấy phồn thịnh, ủng hộ bảo tồn những giá trị, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống… đều khiến tôi quan tâm. Và tôi chọn giáo dục làm ưu tiên.
Tô Lan Hương: Dù Chủ tịch FUV Đàm Bích Thuỷ không tiết lộ con số mà anh đã, đang và sẽ đóng góp cho FUV theo cam kết. Nhưng có khiếm nhã không nếu tôi hỏi anh con về con số đó?
Trần Trọng Kiên: Mức tài trợ mà tôi cam kết đóng góp cho FUV, có thể là một con số lớn nếu tính theo giá trị tuyệt đối. Nhưng để một ngôi trường mang trong mình nhiều sứ mệnh và giấc mơ như FUV thì sự cam kết của một mình tôi hay một nhóm nhỏ vài người chẳng là gì cả. Tuy nhiên nếu 10 nghìn người, 100 nghìn người, 1 triệu người cùng cam kết, thì sự thành công của trường FUV sẽ sáng sủa và triển vọng hơn nhiều. Và tôi tin sự minh bạch và tầm nhìn của FUV sẽ thuyết phục, lôi kéo được những nhóm người lớn như thế.
Trong kỳ vọng của tôi, thì FUV sẽ không phải là ngôi trường duy nhất để chúng ta ấp ủ, nuôi dưỡng những giấc mơ mới cho giáo dục Việt Nam. Điều tôi mong mỏi hơn cả là nếu FUV thành công, thì sẽ có những trường đại học khác, những mô hình giáo dục đại học khác ra đời…
Khi đó hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều. Chúng ta có thể - một ngày nào đó mơ giấc mơ lớn hơn cho đất nước này.
Tô Lan Hương: Slogan của Thiên Minh Group là Inspiring people - những người truyền cảm hứng. Khi anh dành một phần tài sản của mình đóng góp cho FUV, anh hình như đang có ý định trở thành một - người truyền cảm hứng cho việc thiện nguyện với giáo dục đại học?
Trần Trọng Kiên: Những trường đại học tư nhân, phi lợi nhuận hàng đầu của Mỹ và Châu Âu như Harvard, Stanford, Cambridge… sở dĩ có thể duy trì hoạt động và tạo ra những giá trị bền vững thì ngoài việc có một triết lý giáo dục đúng đắn, họ cũng phải duy trì hoạt động của mình từ những nguồn đóng góp: một là của những người thành đạt, những nhà hảo tâm; hai là từ những sinh viên cũ của chính mình.
Và bao giờ, việc tìm kiếm những người đầu tiên làm việc đó cũng khó hơn cả.
Nên tôi nghĩ tôi thể làm cái việc "là người đầu tiên" để hy vọng từ hành động đó sẽ tạo thói quen cho những người khác nữa. Cũng như việc tôi nhận lời trả lời chị trong bài phỏng vấn này. Nếu để đánh bóng cho cá nhân tôi thì không. Nhưng tôi hy vọng, biết đâu có thể có ai đó đọc bài này sẽ sẵn sàng đóng góp dù chỉ 20$, 50$ cho dự án lớn. Thì cuộc trò chuyện của chúng ta hôm nay sẽ không là vô nghĩa.
Tô Lan Hương: Ở Mỹ, năm 2012, Đại học Stanford huy động được 6,2 tỷ usd tiền tài trợ; năm2018, Đại học Harvard huy động được 9,5 tỷ usd từ sự quyên góp của 153.000 gia đình. Anh nghĩ liệu người Việt Nam có thể làm được những việc tương tự như thế?
Trần Trọng Kiên: Tôi không nghĩ rằng người Việt sẽ sợ đóng góp. Cái mà họ muốn nhất là những nơi mà họ đóng góp thực sự sử dụng những đồng tiền họ đóng góp hiệu quả nhất. Mà đó là điều ở Việt Nam người ta lo ngại nhất. Và nếu có nhiều trường đại học phi lợi nhuân, với triển vọng thay đổi xã hội tốt hơn, thì tôi tin rằng những thói quen tốt đẹp đó sẽ được phát triển và duy trì.
Mà người Việt mình yêu giáo dục. Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời ba tôi - vào năm tôi 16 tuổi, khi tôi thông báo với ông tôi đã đỗ Đại học Y. Một ông bố bà mẹ ở Việt Nam sẵn sàng tiết kiệm từng đồng và chi tới 60% thu nhập của mình cho việc học hành của con cái.
Tôi tự hào về văn hoá đó và tin rằng đó sẽ là động lực thôi thúc giáo dục phát triển.
Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng thói quen của người Việt sẽ thay đổi: việc chúng ta học cách đóng góp một phần những gì chúng ta kiếm được cho những hoạt động có giá trị cộng đồng sẽ càng ngày càng lan toả.
Thật ra thói quen thiện nguyện giáo dục đã có từ rất lâu rồi ở các nước phát triển: một em bé có thể trích một phần nhỏ trong khoản tiền tiết kiệm của mình với những khoản đóng góp nhỏ; một cậu sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học xong sẽ trích 10-20$ trong tháng lương đầu tiên của mình cho quỹ học bổng của trường.
10$ của cậu sinh viên hay 1$ của em bé có thể không nhiều. Nhưng 100.000 cậu sinh viên, hay 100.000 em bé như thế sẽ làm nên điều kỳ diệu. Đó là một thói quen tốt lành, khi người ta được dạy rằng người ta phải biết chia sẻ những gì người ta kiếm được và đóng góp nó cho sự tốt lên của cộng đồng.
Trẻ con Việt Nam chắc chắn sẽ hào phóng 10-20 nghìn đồng không kém gì trẻ con Mỹ. Những ông bố bà mẹ đã sẵn sàng chi 60% thu nhập cho con cái cũng không ngại ngần đóng góp. Miễn là đó là một khoản đóng góp họ cảm thấy xứng đáng…
Tô Lan Hương: Thế anh thì sao? Tôi biết, khi anh đã là chủ doanh nghiệp và có trong tay cả triệu USD, mỗi cuối tuần anh vẫn lái xe chở khách hàng của công ty anh ra sân bay. Đó là cách anh biết công ty anh đang hoạt động thế nào qua chính ý kiến của khách hàng. Vậy thì, khi anh cam kết dành một con số lớn trong tài sản của mình cho Fulbright Việt Nam, anh làm thế nào để biết rằng những đồng tiền của anh sẽ được sử dụng đúng cách?
Trần Trọng Kiên: Trước khi tôi cam kết đầu tư lâu dài vào FUV , thì tôi đã được FUV mời vào Hội đồng tín thác. Cũng có những người Việt khác trong hội đồng tín thác. Chúng tôi không nhận lương cho công việc này, nhưng nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng tín thác là đảm bảo tính hiệu quả, tính minh bạch của FUV, đưa ra những quyết định về mặt chiến lược và tuyển lựa những người chủ chốt điều hành. Đó là một vinh dự rất lớn.
Nhưng không phải vì lý do đó mà tôi tài trợ cho FUV. Tôi cam kết tài trợ cho trường vì tôi tin vào những người xây dựng lên FUV, tin vào cái tâm và cái tầm của họ. Với những người như chị Đàm Bích Thuỷ, cả cuộc đời làm lãnh đạo ở những tập đoàn hàng đầu trên thế giới, thì những chuẩn mực về quản trị nhân lực, chuẩn mực về đạo đức và khả năng lãnh đạo, gắn kết với thế giới, khả năng giải trình và chịu trách nhiệm cá nhân là cực kỳ cao.
Cho đến thời điểm hiện tại, thú thật tôi chưa gặp nhiều người khiến tôi cảm thấy tin tưởng như thế. Nên tôi không băn khoăn nghi ngờ gì về việc những đồng tiền của tôi sẽ được sử dụng như thế nào.
Tô Lan Hương: Cam kết hào phóng như vậy cho một trường đại học, cái anh mong đợi sẽ là gì: tạo ra một di sản lớn để cái tên của mình được nhớ đến?
Trần Trọng Kiên: Mong muốn lớn nhất chỉ là một đất nước Việt Nam thịnh vượng thực sự, là một đất nước đủ mạnh để nước lớn không thể bắt nạt, là một đất nước đủ giàu có để người dân được sống và hưởng thụ công bằng. Và người Việt Nam như tôi với chị có thể tự hào về đất nước của mình khi ra nước ngoài.
Tôi luôn suy nghĩ về tình yêu nước của mỗi người Việt Nam là gì? Chúng ta chắc đều có tình yêu nước. Nhưng tình yêu nước của mỗi người là khác nhau. Cách thể hiện tình yêu nước cũng khác nhau trong lựa chọn của mỗi người.
Có những người thể hiện tình yêu bằng cách phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Có những người thể hiện tình yêu bằng cách bảo vệ môi trường, đấu tranh cho bình đẳng giới, cho công bằng xã hội. Bạn viết một bài báo tốt, tử tế, lan toả những điều tốt đẹp cũng là cách thể hiện tình yêu. Tôi thể hiện tình yêu nước bằng cách đầu tư cho giáo dục.
Đất nước mình cần một lực đẩy, và tôi hy vọng giáo dục sẽ làm được việc đó. Hôm nay chỉ có một FUV, nhưng ngày mai có thể có thêm nhiều mô hình giáo dục khác đem lại cơ hội thay đổi cho chúng ta. Đó là lý do cho cam kết trọn đời của tôi với FUV, chứ không vì động cơ nào khác.
Tô Lan Hương: Dù anh nói là không muốn được vinh danh, nhưng Chủ tịch FUV nói với tôi rằng, một ngày nào đó, FUV sẽ vinh danh những người đóng góp cho mình, giống như Harvard đã làm với những nhà hảo tâm của họ…
Trần Trọng Kiên: Tôi không biết họ sẽ làm gì sau khi tôi chết, vì tôi không thể kiểm soát được việc đó. Nhưng đó chắc chắn không phải là mục tiêu của những người như chúng tôi, kể cả cá nhân tôi, gia đình tôi và những người khác khi đóng góp cho một trường đại học.
Tô Lan Hương: Anh gọi FUV là một start-up nhỏ. Nhưng đó là thương vụ đầu tư mà tôi chắc chắn rằng anh không nhận lại được một đồng tiền lãi nào…
Trần Trọng Kiên: Đúng thế!
Tô Lan Hương: Vậy "lợi nhuận" của anh trong thương vụ này sẽ là gì?
Trần Trọng Kiên: …l à một cộng đồng tốt hơn!
Tô Lan Hương: Nhưng đó vẫn không phải "lợi nhuận" mà cá nhân anh được hưởng…
Trần Trọng Kiên: Thế chị quên tôi cũng là một phần trong cộng đồng đó rồi à? Cái đó quan trọng hơn nhiều. Những giá trị mà tôi nhận được sẽ là gì, tôi nghĩ rằng chúng ta không thể ngồi đây mà tính toán được việc đó đâu!
Tô Lan Hương: Giờ mà tôi nói rằng anh là một người hào phóng và sống lý tưởng, tôi tin chắc sẽ có nhiều người đồng ý. Nhưng nếu tôi bảo anh là người mơ mộng viển vông, chắc cũng không thiếu kẻ gật đầu. Anh nghĩ sao…
Trần Trọng Kiên: Tôi không nghĩ thế đâu! Tôi chắc rằng mình là người thực tế nhất trong những người đầu tư. Là một người kinh doanh, tôi chọn thứ có xác suất thành công cao nhất để đầu tư, kể cả đó là việc thiện nguyện. Tôi chọn FUV để tài trợ, cam kết cho đi một phần tài sản của mình dành cho việc hỗ trợ ngôi trường này phát triển, là bởi tôi thấy nó có cơ hội thành công cao. Vì FUV là một mô hình đã thành công ở một nước có trình độ phát triển cao như Mỹ, lại có cơ chế quản trị tốt và sự ủng hộ của hai Chính phủ. Tôi tin vào sự thành công của nó.
Tôi chính xác là kiểu người có những toan tính cụ thể: ví dụ như nếu FUV thành công, thì mỗi năm đất nước này sẽ có 1.000- 1.500 người cực kì xuất sắc. Đó sẽ là điều có ích cho cộng đồng mà chúng ta đang sống. Quan trọng hơn rằng, nếu FUV thành công, có thể sẽ có những mô hình giáo dục khác, những ngôi trường khác ra đời, tạo nên lực đẩy mới cho giáo dục. Lúc đó sẽ không chỉ là con số 1.500 người xuất sắc mỗi năm nữa…
Tôi hay nói với nhân viên của tôi "hãy lấy sự tử tế làm tiêu chí quan trọng nhất để sống và làm việc". Tôi đủ trải nghiệm để hiểu rằng, không phải ai cũng sẽ đồng tình và thấu hiểu những việc mình làm. Nhưng tôi vẫn tin khi mình làm những việc tốt, thì mỗi ngày sẽ có thêm một vài người hiểu và giúp mình lan toả những điều tử tế.
Tô Lan Hương: Chỉ vài tháng trước, tôi đọc được tin anh vừa thành lập Công ty Cổ phần hàng không Thiên Minh. Có bài báo viết anh phải bán đi bất động sản, rồi vay thêm tiền ngân hàng để bước chân vào lĩnh vực hàng không dân dụng. Tôi băn khoăn, anh sẽ thực hiện những cam kết của mình với FUV thế nào khi anh đang phải tập trung nguồn lực vào quá nhiều việc lớn đến thế?
Trần Trọng Kiên: Thiên Minh Group đang bước vào một giai đoạn mới mà tôi gọi là giai đoạn TMG 2.0. Có rất nhiều việc phải làm trong giai đoạn chuyển đổi này. Nên đó cũng là lý do vì sao thời gian qua, tôi rút lui khỏi vị trí thành viên HĐQT của một số ngân hàng và tập đoàn kinh tế khác để tập trung cho công ty trong giai đoạn vô cùng quan trọng này. Nhưng chỉ có vị trí thành viên Hội đồng tín thác FUV là tôi vẫn duy trì, vì FUV là nơi tôi cam kết cả đời.
Ở công ty, để đầu tư vào các dự án mới, mà hiện tại chúng tôi đang có 5-7 dự án một lúc, chúng tôi đương nhiên phải vay ngân hàng. Nhưng cam kết về tài chính của tôi với FUV là cam kết từ tài chính cá nhân. Nên nó sẽ không có gì thay đổi, kể cả trong giai đoạn này.
Tô Lan Hương: Đương nhiên anh không thiếu tiền cho con mình đi học nước ngoài, nhưng anh có hy vọng một ngày con cái anh sẽ vào học ngay tại Việt Nam, tại những trường đại học như FUV chứ không phải đi bất cứ đâu khác?
Trần Trọng Kiên: Hai con lớn nhà tôi đã học đại học. Nhưng con gái út của tôi năm nay mới 7 tuổi. Tôi hy vọng rằng 10 năm nữa, khi con tôi bắt đầu phải chọn trường đại học, con bé sẽ phải cảm thấy rất khó khăn để lựa chọn giữa Harvard, giữa Cambridge và FUV. Thế nghĩa là chúng tôi đã có những bước đầu thành công. Và tôi mong chờ ngày đó!
Tô Lan Hương: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Trí thức trẻ