Chủ tịch Tây Ninh phân tích vì sao tỉnh chọn tăng trưởng 8% vào năm 2025
Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Tây Ninh sáng 6/12, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đã báo cáo, giải trình một số vấn đề; đặc biệt là cơ sở để Tây Ninh đề ra chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 là 8%.
- 05-12-2024Tiến độ dự án cảng hàng không 5.800 tỷ của Liên danh T&T và CIENCO4
- 05-12-2024Quy mô GRDP gấp 1,7 lần sau 4 năm, tỉnh miền Trung phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới, cùng Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành "tứ giác phát triển"
- 29-11-2024Nghệ An sắp đón dự án FDI 14.700 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15.000 lao động
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, việc Tây Ninh đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 tăng trên 8% không phải mang tính cơ học mà dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá sát, đúng tình hình thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức năm 2025.
Đặc biệt là trên cơ sở rà soát cụ thể các nguồn lực, các yếu tố động lực hiện có, cũng như xác định các nguồn lực gia tăng năm 2025 có khả năng huy động, đóng góp vào tăng trưởng trên các lĩnh vực; đồng thời thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị.
Cụ thể, để chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 tăng trên 8% (khoảng 69.700 tỷ đồng) thì: Chỉ số sản xuất công nghiệp - xây dựng trong GRDP phải tăng 11,7%; Chỉ số sản xuất thương mại dịch vụ trong GRDP tăng 6,7%; Chỉ số sản xuất nông lâm thủy sản trong GRDP tăng 3,5% và nguồn lực đầu tư toàn xã hội phải chiếm tỷ trọng 36% trong GRDP (tương đương 49.700 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành xác định rõ, từng yếu tố động lực, dự án cụ thể tạo ra giá trị tăng trưởng. Trong đó, từ năm 2023 -2024 trên địa bàn tỉnh còn 56 dự án đầu tư tư, trong đó có 26 dự án trong khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 48.000 tỷ đồng chưa triển khai, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2025 – 2026.
"Đây cũng là nguồn lực rất lớn. Như vậy nếu năm 2025 chúng ta tập trung hỗ trợ các dự án này triển khai khoản từ 30 - 40% vốn đầu tư thì sẽ có thêm khoảng 10.000 - 15.000 tỷ đóng góp vào chỉ số tăng trưởng. Và như vậy chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 đề ra mức tăng trên 8% là có cơ sở và có tính khả thi", ông Nguyễn Thanh Ngọc phân tích.
Về giải pháp thực hiện, người đứng đầu chính quyền tỉnh Tây Ninh cho biết, các cấp các ngành của tỉnh sẽ phấn đấu đạt ở mức cao nhất, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện các đột phá chiến lược đã đề ra. Cụ thể hóa và triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch Vùng, quy hoạch tỉnh và các chương trình hợp tác phát triển với các địa phương, các tập đoàn kinh tế đã ký kết.
Huy động và khai thác tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn lực từ đất đai, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm tạo ra động lực phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển hình thành các yếu tố động lực để tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025-2030…
Quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ các dự án đầu tư tư đã có chủ trương đầu tư, nhất là hỗ trợ thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng để dự án triển khai đúng tiến độ, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, gắn với phát triển nguồn nhân lực, cải cách về thể chế và tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ…
Được biết, năm 2024, Tây Ninh có 19/21 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt Nghị quyết; kinh tế tăng trưởng khá cao, GRDP tăng 7,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức bình quân chung cả nước, xếp thứ 3 vùng Đông Nam bộ và thứ 19/63 tỉnh thành phố. Lần đầu tiên tỉnh thu ngân sách vượt ngưỡng trên 12.000 tỷ đồng, vượt dự toán 105,6%, tăng 6,2% so với năm trước.
VOV