Chủ tịch TP HCM: "Tôi không có tư cách giữ trọng trách này nếu không quan tâm đến vấn đề của người dân"
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ tiếp tục gặp gỡ người dân Thủ Thiêm để lắng nghe ý kiến, tìm ra hướng giải quyết lợi ích chính đáng cho bà con.
Ngày 7/11, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã cuộc gặp gỡ tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của các hộ dân thuộc 2 phường Bình An và Bình Khánh (quận 2). Sau những thắc mắc của người dân Thủ Thiêm, ông Phong cho rằng bản thân và các lãnh đạo TP rất thật tâm giải quyết những vấn đề sai phạm tại Thủ Thiêm.
"Nếu không thật tâm, tôi không dành nhiều thời gian tổ chức các buổi tiếp dân, lắng nghe kỹ các ý kiến của bà con. Việc giải quyết được vấn đề Thủ Thiêm sẽ giải quyết được vấn đề của người dân và sự phát triển của địa phương. Lãnh đạo TP rất cầu thị lắng nghe", ông Phong nói.
Ông Phong cho rằng lãnh đạo TP rất quan tâm lắng nghe ý kiến của người dân về các chính sách giải quyết vấn đề liên quan tới khu đô thị mới Thủ Thiêm trước khi có những báo cáo Thường trực Thành ủy và Thủ tướng. Ông cho biết sẽ tiếp tục tiếp dân 3 phường Thủ Thiêm, An Khánh và An Lợi Đông vào tuần tới để lắng nghe ý kiến của bà con.
Ông Nguyễn Thành Phong sẽ tiếp tục gặp gỡ người dân Thủ Thiêm để lắng nghe ý kiến.
Trả lời các ý kiến của người dân về việc các khu phố thuộc các phường Bình Khánh, An Khánh và Bình An được cho là nằm ngoài ranh quy hoạch, ông Phong cho biết đã lắng nghe và ghi nhận. Ông bày tỏ mong muốn người dân chia sẻ và đồng thuận với TP để sớm giải quyết được vấn đề. Qua đó, người dân ổn định được cuộc sống, phát triển Thủ Thiêm nói riêng và TP nói chung.
"Tôi làm Chủ tịch TP, tôi không xuất phát từ lợi ích của người dân thì vì cái gì? Không quan tâm đến vấn đề của người dân mong muốn thì có vấn đề gì quan trọng hơn? Không quan tâm đến vấn đề của người dân thì tôi sẽ không có tư cách giữ trọng trách này. Chính quyền này sẽ làm hết sức mình để giải quyết các thiệt thòi của người dân Thủ Thiêm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà con", ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
Về việc có người dân ý kiến rằng kết luận thanh tra 1483 là đơn đặt hàng của lợi ích nhóm, ông Phong cho rằng đây là ý kiến quy chụp và thiếu tôn trọng. Bởi kết luận kiểm tra này đã được Thủ tướng chỉ đạo TP thực hiện.
Với những sai phạm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Phong cho biết sẽ cùng các cơ quan ban ngành khắc phục hậu quả. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, TP sẽ báo cáo, kiến nghị lên trung ương để có chính sách tốt nhất.
Người dân Thủ Thiêm theo dõi buổi làm việc bên ngoài phòng họp.
Đối với 160 ha tái định cư, ông Phong cho biết TP đang phối hợp cùng cơ quan của Chính phủ rà soát để cái nào sau thì sửa. Theo đó, cá nhân và tập thể nào sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
"Tôi xin cam kết như thế. Chính quyền cam kết làm hết sức mình vì lợi ích chính đáng hợp pháp, có những chính sách đền bù cho những thiệt thòi của người dân Thủ Thiêm", Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố hồi tháng 9 vừa qua, sai phạm tại Thủ Thiêm chủ yếu về điều chỉnh ranh quy hoạch và bố trí đất tái định cư, xảy ra trong giai đoạn đầu thực hiện. Đây chính là nguyên nhân của việc khiếu nại, tố cáo kéo dài hàng chục năm qua.
Về điều chỉnh ranh quy hoạch, kết luận chỉ rõ Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16.9.1998 về quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Thủ Thiêm đã điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp thuộc Kiến trúc sư trưởng TP, các sở, ngành liên quan và UBND TP HCM.
Khu vực 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An, quận 2) được Thanh tra Chính phủ xác định nằm ngoài ranh dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thanh tra Chính phủ đã khẳng định khiếu nại của người dân có nhà, đất ở khu vực này là có cơ sở.
Đối với sai phạm tại Thủ Thiêm, UBND TP HCM đã nhận trách nhiệm trước Chính phủ, trước Thủ tướng vì đã thực hiện không đúng quy hoạch được duyệt. Lãnh đạo UBND thành phố cũng đã chân thành xin lỗi người dân thành phố, nhất là các hộ dân Thủ Thiêm bị ảnh hưởng đã chịu nhiều thiệt thòi, tổn thất, vất vả trong cuộc sống nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND Quận 2, Tổ trưởng tổ công tác của UBND TP trình bày 10 nội dung liên quan đến chính sách bồi thường tái định cư cho người dân Thủ Thiêm. 10 nội dung này được trình bày để lấy ý kiến của người dân và sau đó tổng hợp, báo cáo TP quyết định.
1. Điều chỉnh thời điểm để tính bồi thường thiệt hại, tái định cư cho dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trước đây có chỉ thị 34 thực hiện cho khu đo thị mới Thủ Thiêm nhưng hiện nay đã bỏ.
2. Bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp đất có nguồn gốc do người dân tự khai phá, sở hữu tư nhân vào thời điểm chuyển mục đích sử dụng thành đất ở từ 16/9/1998 đến 10/5/2002. Trong phần điều chỉnh này có hai phần về mức hỗ trợ chi phí bồi thường và tái định cư. Điều này được xác định tính về thời điểm quyết định 1997 không tính thời điểm quy hoạch ngày 16/9/1998 do quy hoạch 13585.
3. Hỗ trợ chi phí bồi thường đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch, chuyển mục đích đất ở từ 15/10/1993 đến trước 16/9/1998.
4. Hỗ trợ đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm, đất công, sông rạch. Thời điểm chuyển mục đích sử dụng thành đất ở từ sau 16/9/1998 đến 10/5/2002. Vấn đề này có hai phần là mức hỗ trợ nhà đất và tái định cư.
5. Hỗ trợ với các trường hợp thuê đất do nhà nước trực tiếp quản lý với mục đích kinh doanh nhưng dùng để ở và kinh doanh. Thời điểm chuyển mục đích sử dụng thành đất ở trước 15/10/1993. Vấn đề này có phần 2 gồm phần hỗ trợ về kiến trúc.
6. Hỗ trợ với các trường hợp thuê đất do nhà nước trực tiếp quản lý với mục đích kinh doanh nhưng dùng để ở và kinh doanh. Thời điểm chuyển mục đích sử dụng thành đất ở từ sau 15/10/1993 đến 10/5/2002. Nhóm này sẽ được bồi thường hỗ trợ về đất ở và tái định cư.
7. Hỗ trợ các trường hợp nhà ở đất ở bị giải tỏa một phần.
8. Đối với các trường hợp đã chuyển mục đích thành đất ở, xây dựng nhà ở nhưng không trực tiếp ở ở mà cho thuê, cho ở nhờ (trừ xây dựng nhà kho, chuồng trại không phải là nhà với mục đích để ở) thì đề nghị UBND TP xem xét.
9. Hoàn chỉnh đơn giá đất nông nghiệp xen kẻ trong khuôn viên đất ở.
10. Hỗ trợ các trường hợp tự chuyển mục đích đất nông nghiệp thành đất ở sau ngày 10/5/2002.
Trí Thức trẻ