MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Trung Nam Group chia sẻ giữa bão tin đồn: Quý 1/2023 chốt bán vốn cho NĐT ngoại, định giá mảng năng lượng lên đến 3,5 tỷ USD

27-10-2022 - 11:07 AM | Doanh nghiệp

Chủ tịch Trung Nam Group chia sẻ giữa bão tin đồn: Quý 1/2023 chốt bán vốn cho NĐT ngoại, định giá mảng năng lượng lên đến 3,5 tỷ USD

“Thương vụ phát hành trái phiếu của CTCP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk với quy mô 10.250 tỷ, có hơn 8.600 tỷ được đầu tư bởi các ngân hàng thương mại lớn”, ông Thịnh cho biết.

Xuất hiện tại hội thảo của VNDirect chiều qua, ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đã chia sẻ với nhà đầu tư một số thông tin đáng chú ý xoay quanh tin đồn hiện nay trên thị trường.

Cụ thể, ông Thịnh chia sẻ Trung Nam Group đã và đang triển khai hàng chục dự án năng lượng, điện gió, điện mặt trời, với tổng vốn đầu tư khoảng 55.000 tỷ đồng.

Trong đó, Tập đoàn tự lo được nửa nhu cầu vốn, nửa còn lại tương đương 27.000 tỷ đồng thì Công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư về việc riêng tiền lãi trái phiếu hàng năm lên tới 2.800 tỷ đồng có “quá sức” với Trungnam Group, ông Thịnh cho biết, với dòng tiền bán điện thu về đều đặn 8.000 tỷ đồng/năm, chưa kể Tập đoàn còn có các nguồn thu khác, Trungnam Group hoàn toàn đảm bảo các nghĩa vụ nợ.

Theo thống kê, các thành viên thuộc Trungnam Group đã huy động khoảng 26.100 tỷ đồng từ kênh trái phiếu từ tháng 5/2021-10/2022. Trong đó, 10.250 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk thuộc Trungnam Group là thương vụ tư vấn phát hành trái phiếu lớn nhất năm 2021 của CTCK VNDirect.

“Thương vụ phát hành trái phiếu của CTCP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk với quy mô 10.250 tỷ, có hơn 8.600 tỷ được đầu tư bởi các ngân hàng thương mại lớn”, ông Thịnh cho biết thêm.

Vị này cũng khẳng định, tình hình tài chính của Trung Nam Group hoàn toàn khỏe mạnh. Sắp tới, Tập đoàn còn đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn quốc tế. Công ty dự kiến huy động gần 1 tỷ USD để tiếp tục phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Đáng chú ý, Tập đoàn theo ông đang đàm phán bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài theo phương thức dựng sổ. Việc chốt nhà đầu tư sẽ diễn ra quý 1/2023.

Đến nay, Trung Nam đã ký hợp đồng với các nhà tư vấn hàng đầu thế giới. Việc định giá các nhà máy năng lượng của Tập đoàn cũng đã được tiến hành xong, ước tính vào khoảng 3,5 tỷ USD.

Còn với sự kiện EVN từ chối mua điện, được biết Trung Nam hiện sở hữu 14 nhà máy điện, tổng sản lượng phát điện lên lưới đạt 4,3 tỷ kWh/năm. Trong đó, điện gió chiếm 700 MW, thủy điện chiếm 120 MW, còn lại là điện mặt trời.

Thời gian qua, trên thị trường ồn ào việc Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam vận hành nhà máy 450 MW bị cắt khai thác 40% sản lượng từ 1/9/2022 do chưa có giá điện với EVN. Đây là phần công suất ngoài 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận (được hưởng giá FIT theo Quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời. Trước đó, EVN vẫn huy động và ghi nhận sản lượng điện của 172 MW này, chờ đến khi có giá điện được phê duyệt. Trung Nam đã kiến nghị cơ quan quản lý cho phép tiếp tục huy động phần công suất trên.

Ông Thịnh kỳ vọng, Thông tư 15 Quy định phương pháp xây dựng Khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp do Bộ Công thương ban hành có hiệu lực từ ngày 25/11/2022 sẽ là cơ sở để các bên đàm phán giá thành điện cho 172 MW trên.

Theo Tri Túc

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên