MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch TTC Sugar Phạm Hồng Dương: Tái cơ cấu nhà máy là thức thời, dài hạn sẽ phát triển "chuỗi sản phẩm" bao gồm phân hữu cơ

31-05-2019 - 08:52 AM | Doanh nghiệp

Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, SBT) vừa quyết định tái cơ cấu hoạt động nhà máy Đường Nước Trong để chuyển sang sản xuất đường organic thay cho đường tinh luyện. Động thái này được giới chuyên môn đánh giá là "thức thời" trong giai đoạn ngành mía đường hiện tại.

Đã năm thứ 3 liên tiếp ngành mía đường Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chính do ảnh hưởng của thặng dư sản lượng đường thế giới (hơn 16 triệu tấn đường từ vụ 2017 – 2018) làm giá đường giảm mạnh. Bên cạnh đó, với đặc điểm vùng nguyên liệu manh mún, phân mảnh, việc áp dụng cơ giới hóa toàn diện từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch để nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng và tiết giảm giá mía vẫn gặp nhiều thách thức trong quá trình triển khai. Đồng thời, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tiếp tục gây nhiều khó khăn cho người nông dân trong công tác trồng và chăm sóc mía.

Trong bối cảnh trên, Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, SBT) vừa quyết định tái cơ cấu hoạt động nhà máy Đường Nước Trong để chuyển sang sản xuất đường organic thay cho đường tinh luyện. Động thái này được giới chuyên môn đánh giá là "thức thời" trong giai đoạn ngành mía đường hiện tại.

Mùa vụ 2019 - 2020 sẽ ghi nhận 100 tỷ doanh thu từ phân hữu cơ?

Chia sẻ chi tiết hơn, ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch HĐQT TTC Sugar cho biết hành động này nằm trong định hướng Công ty - dài hạn phát triển "chuỗi sản phẩm" bao gồm phân hữu cơ. Kế hoạch hành động xuyên suốt trong niên vụ 2019 - 2020 hướng đến ba mục tiêu chính:

Thứ nhất, tăng thị phần, hiện Công ty chiếm 50% thị phần của kênh công nghiệp lớn và đang duy trì tỷ lệ tăng trưởng 8%/năm - phù hợp với tốc độ tăng trưởng của các ngành hàng sử dụng đường là nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, kênh tiêu dùng và kênh công nghiệp nhỏ mới giữ vai trò dẫn dắt đà tăng trưởng của Công ty với tỷ lệ lên đến 20%/năm. Ngoài ra, kênh xuất khẩu cũng được TTC Sugar xem là một kênh tiềm năng với nhiều cơ hội trong thị trường thế giới rộng lớn, đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng vào khoảng 15%/năm.

Trong tương lai, khi tiêu chuẩn sống ngày càng được nâng cao, TTC Sugar hướng đến khách hàng cao cấp và sẽ tiếp tục tập trung sản xuất, phát triển các sản phẩm organic vì sức khỏe người tiêu dùng, có giá trị gia tăng cao.

Thứ hai, giảm giá thành, thông qua áp dụng các kỹ thuật canh tác mới như cày ngầm, cơ giới hóa, áp dụng các biện pháp sinh học như thiên địch... từ đó thúc đẩy tăng sản lượng, giảm chi phí đầu vào và giảm giá thành mía sản xuất.

Chia sẻ thêm, vị Chủ tịch cho biết với lợi thế vùng nguyên liệu lớn (Việt Nam, Lào và Campuchia), Công ty dự kiến sản xuất giống mía mang thương hiệu TTC vào năm 2020.

Thứ ba, tối đa hóa chuỗi giá trị cây mía thông qua phát triển "chuỗi sản phẩm", Việt Nam có diện tích đất canh tác lên đến 55 triệu ha, nhưng thổ nhưỡng đất canh tác hiện còn thiếu nhiều hàm lượng các chất hữu cơ. Vì vậy, việc bổ sung chất hữu cơ cho đất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng là cần thiết.

Trên thị trường, các sản phẩm phân bón hữu cơ uy tín, có thương hiệu không nhiều, do đó ông Dương đánh giá cao tiềm năng phát triển của sản phẩm phân hữu cơ vi sinh. Với nguồn nguyên liệu dồi dào từ quá trình sản xuất mía là bã bùn, sản xuất phân vi sinh góp phần tối ưu hóa chuỗi giá trị của ngành, đầu năm 2019 TTC Sugar đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh theo chuẩn organic với công suất 50.000 tấn/năm tại Tây Ninh. Dự kiến cuối năm 2019, Công ty sẽ cung cấp sản phẩm phân hữu cơ mang thương hiệu TTC.

Chủ tịch TTC Sugar Phạm Hồng Dương: Tái cơ cấu nhà máy là thức thời, dài hạn sẽ phát triển chuỗi sản phẩm bao gồm phân hữu cơ - Ảnh 1.

TTC Sugar đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh theo chuẩn organic với công suất 50.000 tấn/năm.

Tại sao thiếu đường mà các nhà máy đường không mở rộng, thậm chí còn có xu hướng thu hẹp?

Quay lại bài toán của ngành mía đường, ông Dương chia sẻ: "Đường là sản phẩm thiết yếu. Đường cung cấp năng lượng cho cơ thể, đặc biệt là với lứa tuổi thanh thiếu niên. Hiện nay mức tiêu thụ đường của người Việt Nam bình quân chỉ khoảng 17kg/người, còn rất thấp so với các nước đang phát triển ở khu vực lân cận (Thái Lan vào khoảng 37kg/người, Indonesia là khoảng 35kg/người, hay tại các nước phát triển như Mỹ cũng 42kg/người,…). Đồng thời, dân số Việt Nam là dân số trẻ và đang tiếp tục tăng trưởng, vì vậy nhu cầu đường của người Việt Nam trong tương lai còn rất lớn".

Thực tế, nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam tiếp tục tăng, đạt 1,7 triệu tấn/năm. Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu tiêu thụ đường sẽ đạt mức 2,1 - 2,2 triệu tấn/năm. Cầu tăng, song cung vẫn chưa đủ đáp ứng khi mà ngành đường Việt Nam hiện nay chỉ còn khoảng 35 nhà máy đang hoạt động trên tổng số 39 đơn vị. Với vụ 2018 - 2019, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các tác động của thị trường, tổng sản lượng đường sản xuất của vụ ước chỉ đạt khoảng 1,1 triệu tấn, so với nhu cầu tiêu thụ thì vẫn còn thiếu hụt đáng kể.

"Câu hỏi đặt ra, tại sao thiếu đường mà các nhà máy đường của mình lại không mở rộng, thậm chí còn có xu hướng thu hẹp?", ông Dương nêu vấn đề, nếu thực hiện đúng theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), kể từ ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, thuế suất áp dụng ở mức 5%. Khi đó, giá đường trong nước sẽ tiệm cận với giá đường thế giới, các nhà máy đường phải chuẩn bị cho một mặt bằng giá thấp hơn thì mới có thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu.

Sau ATIGA, những vùng nguyên liệu không cạnh tranh được sẽ sụt giảm, tuy nhiên, ngược lại các vùng nguyên liệu có tính cạnh tranh cao sẽ được tiếp tục quy hoạch và tập trung phát triển mạnh, sản lượng mía nguyên liệu cũng dần "gom" lại nhưng vẫn đảm bảo duy trì ở mức tối ưu khoảng 10 triệu tấn mía, tương đương 1 triệu tấn đường.

Lúc đó bàn tay vô hình của thị trường tất yếu sẽ dẫn đến việc xác lập lại cơ cấu của thị trường. Hiểu đơn giản là các nhà máy, doanh nghiệp sẽ tự động gói gọn lại thành từng "group" lớn, dự kiến sẽ hình thành khoảng 6 - 7 "group" như vậy. Những "group" này tồn tại và phát triển để nâng cao năng lực bán hàng, sản xuất, tối ưu chi phí logistic, tối ưu hóa chuỗi giá trị cây mía… để có được sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Riêng với TTC Sugar, trước thềm ATIGA, một số nhà máy đường sẽ được đầu tư dây chuyền luyện đường từ đường thô, nhờ đó lượng đường còn thiếu sẽ được bù đắp bằng lượng đường luyện từ đường thô nhập khẩu. TTC Sugar hiện mua đường thô theo phương thức chốt giá trên thị trường kỳ hạn để có được giá tốt nhất. Song song, Công ty cũng áp dụng giải pháp từ khuyến nông như "dồn điền đổi thửa" để khai thác cánh đồng lớn, hỗ trợ hình thành hợp tác xã cơ giới.

"Từ năm 2017, TTC Sugar đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược và trở thành đại lý của hãng John Deere - Tập đoàn sản xuất thiết bị cơ giới của Mỹ. Đến nay, Công ty đã thành lập 4 trung tâm tại Tây Ninh, Ninh Hòa, Gia Lai và An Giang nhằm cung cấp thiết bị, máy móc cơ giới cho bà con nông dân, nâng cao năng suất cũng như giảm chi phí giá thành mía", ông Dương nói thêm.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên