MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Uniqlo 'tuyên chiến' ở Đông Nam Á: Trong 10 năm sẽ mở 800 cửa hàng, Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm

29-10-2019 - 11:25 AM | Tài chính quốc tế

Trong vòng 10 năm tới Uniqlo dự định sẽ mở 800 cửa hàng ở Đông Nam Á, tháng 12 này sẽ khai trương store đầu tiên ở Việt Nam.

Công ty mẹ thương hiệu thời trang Uniqlo là Fast Retailing đang nhắm tới mục tiêu tăng gấp 4 lần số cửa hàng tại khu vực Đông Nam Á trong vòng 10 năm tới, tức là tương đương với số lượng cửa hàng mà hãng đang có ở Trung Quốc đại lục.

Tadashi Yanai - Chủ tịch Fast Retailing nói trong bài phỏng vấn với tờ Nikkei rằng phải mất 17 năm để tập đoàn này xây dựng được mạng lưới cửa hàng như hiện tại ở thị trường Trung Quốc đại lục – khoảng 800 cửa hàng. Tuy nhiên, công ty hy vọng rằng tiến trình mở rộng sang Đông Nam Á sẽ được thực hiện nhanh hơn.

"Châu Á, từ Trung Quốc đến Ấn Độ có 4 tỷ người – là khu vực duy nhất trên thế giới cho thấy tốc độ tăng trưởng ổn định", Yanai nhấn mạnh.

Trên toàn thế giới, Uniqlo có khoảng 2.200 cửa hàng và lợi nhuận hoạt động từ mảng kinh doanh ở nước ngoài đã vượt thị trường Nhật Bản lần đầu tiên trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8 vừa qua. Tháng 12 tới, tập đoàn này lên kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng tại Đông Nam Á sẽ "nhanh hơn tại Trung Quốc" bởi "chúng tôi phải xây dựng cơ sở hạ tầng gần như từ con số 0 tại Trung Quốc".

Dâu vậy, Fast Retailing vẫn thận trọng trong việc lựa chọn những thị trường mục tiêu tại Đông Nam Á. Yanai nói rằng một vài thị trường sẽ vẫn không có bất kỳ cửa hàng Uniqlo nào như Campuchia, Lào và Myanmar không phải là ưu tiên hàng đầu. "Có nhiều quốc gia khác để mở cửa hàng".

Trong bài phỏng vấn, Yanai nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại tầm quan trọng của sự bền vững trong kỷ nguyên khi mà người tiêu dùng trên khắp thế giới đang ngày càng có nhận thức cao về những vấn đề môi trường và xã hội. Fast Retailing đã thực hiện nhiều dự án, bao gồm cả việc tái chế những chiếc áo jacket và demi.

Trong khi đó, những đối thủ như Gap, Zara và H&M năm nay cũng gia nhập nhóm mang tên Kering nhằm giải quyết các vấn đề môi trường. Nhóm này cũng chia sẻ một công thức để tính toán ảnh hưởng của các doanh nghiệp tới môi trường.

Tháng 9, Fast Retailing đã tuyên bố hợp tác với International Labor Organization để cải thiện điều kiện của công nhân tại châu Á. Tại Indonesia, công ty đã đối mặt với chỉ trích từ những nhân viên cũ tại nhà máy gia công cho họ.

"Trách nhiệm thuộc về nhà máy, không phải là những người đặt hàng như chúng tôi", Yanai khẳng định. Ông cũng nói rằng "nếu điều kiện làm việc thực sự tồi tệ thì cần phải cải thiện. Đó không phải là vấn đề của riêng nhà máy, nó còn là vấn đề giáo dục của công nhân nhà máy, đào tạo và điều kiện sống. Tất cả đều cần thay đổi".

Khi Fast Retailing mở rộng ra nước ngoài, Yanai đề cập trong bài phát biểu của mình rằng ông muốn bổ nhiệm nữ giới và những nhân tài không phải người Nhật vào cấp quản lý. Ông nói rằng ông lên kế hoạch sẽ nuôi dưỡng những nhà quản lý tương lai bên ngoài Nhật Bản, bằng việc nhắm đến những nhân viên giỏi tại cửa hàng, tuyển được nguồn nhân lực trình độ cao và cung cấp những khóa đào tạo tốt.


Theo Vân Đàm

Trí thức trẻ

Trở lên trên