Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán: Tỷ trọng tiền mặt khối ngoại vẫn ở mức cao
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN thông tin, NĐTNN rút ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng có xu hướng mua trái phiếu và giữ lại tiền mặt đề chờ đầu tư tiếp. Ngoài ra, tỷ trọng tiền mặt trong tổng giá trị danh mục của NĐTNN vẫn tương đối ổn định ở mức cao từ đầu năm đến nay.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2021, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 30.196 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,3 tỷ USD) trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, NĐTNN đã bán ròng 40.309 tỷ đồng cổ phiếu (khoảng 1,7 tỷ USD) và mua ròng 10.113 tỷ đồng trái phiếu (khoảng 0,4 tỷ USD).
Xét về giá trị bán ròng của NĐTNN trên thị trường quốc tế, thì TTCK Việt Nam cũng theo xu hướng chung nhưng thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Trao đổi với báo giới, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhìn nhận, NĐTNN bán ròng là do một số yếu tố như tác động của đại dịch COVID-19 và đặc biệt là hiện thực hóa khoản lợi nhuận trong danh mục đầu tư đã thực hiện giải ngân vào năm 2019 và 2020, sau khi thị giá cổ phiếu đã tăng cao để chờ đợi các cơ hội đầu tư mới.
Dù vậy, ông cũng thông tin cho biết, NĐTNN rút ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng có xu hướng mua trái phiếu và giữ lại tiền mặt đề chờ đầu tư tiếp. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ trọng tiền mặt trong tổng giá trị danh mục của NĐTNN vẫn tương đối ổn định, ở mức cao từ đầu năm đến nay.
Ở góc độ khác, dù NĐTNN có rút vốn ra khỏi Việt Nam, nhưng giá trị rút vốn lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay chỉ chiếm 0,8% tổng giá trị danh mục của NĐTNN và thấp hơn giá trị bán ròng của NĐTNN trên TTCK. Điều này cho thấy hoạt động bán ròng của NĐTNN phần nào để tái cơ cấu danh mục, không phải hoàn toàn để rút vốn.
Ông Trần Văn Dũng nhìn nhận, Việt Nam đang nắm trong tay nhiều lợi thế để có thể thu hút dòng vốn ngoại trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể được kiểm soát tốt trong thời gian tới.
Cụ thể, đó là môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh đã và đang được cải thiện đáng kể. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ năm 2021 đã giúp môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và hoàn thiện hơn. Trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều quy định mới liên quan đến nâng chuẩn hàng hoá trên TTCK, tăng cường công bố thông tin, nâng cao điều kiện về phát hành, niêm yết chứng khoán, quản trị công ty, … giúp thị trường phát triển bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp.
Giải pháp hút dòng vốn ngoại
Một trong các vấn đề được giới đầu tư quan tâm là câu chuyện nâng hạng của TTCK. Rõ ràng, đây là yếu tố tác động tích cực đến dòng vốn ngoại chảy vào thị trường.
Ông Trần Văn Dũng đánh giá do TTCK Việt Nam còn là thị trường cận biên nên nhiều quỹ đầu tư lớn có uy tín trên thế giới chưa quan tâm hoặc đầu tư ở mức rất hạn chế. Nếu được nâng hạng, nguồn vốn từ các quỹ này sẽ vào nhiều hơn, và lúc đó dòng tiền đầu tư từ nước ngoài mới tăng về số lượng và chất lượng.
"Để TTCK Việt Nam nâng hạng, theo chúng tôi, cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là từ Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan để ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng kịch bản tăng trưởng sau khi đại dịch và phối hợp chính sách để cải thiện môi trường đầu tư. Cơ quan quản lý ngành chứng khoán cần xây dựng, phát triển TTCK với các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ tương ứng với các thông lệ ở thị trường chứng khoán mới nổi, tạo ra sự công bằng cho nhà đầu tư nước ngoài khi gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Dũng nói.
Ông Trần Văn Dũng cũng cho biết, UBCKNN trong ngắn hạn sẽ tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT tham gia và đầu tư. Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường như đưa thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trên một số chỉ số cổ phiếu, đưa thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp vào hoạt động trên Sở GDCK Hà Nội vào năm 2022. UBCKNN cũng sẽ tăng cường hoạt động giám sát, thanh tra trong điều kiện mới, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm tăng cường kỷ luật kỷ cương, củng cố niềm tin của NĐTNN đối với TTCK Việt Nam.
Về giải pháp trung hạn, UBCKNN chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường thông qua quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, từng bước áp dụng chế độ kế toán theo chuẩn mức quốc tế (IFRS) của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế.
Còn về dài hạn, UBCKNN đang xây dựng Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, nhằm tổ chức thực hiện Chiến lược tài chính giai đoạn 2021 - 2030 đang được Bộ Tài chính dự thảo.
Nhà Đầu Tư