MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VCCI: “Chúng ta là doanh nhân chứ không phải là trọc phú”

11-10-2016 - 09:48 AM | Doanh nghiệp

Chủ tịch VCCI cho rằng, đã qua rồi thời của các doanh nhân làm việc bằng quan hệ, không cần học hành và kinh doanh dựa trên khai thác tài nguyên.

Khi tạo nên Microsoft, ngoài đam mê công nghệ, thì Bill Gates không nhằm mục đích kiếm tiền. Ông chỉ muốn mọi người đều có thể sử dụng phần mềm này. Mark Zuckerberg khi tạo nên Facebook cũng không nhằm mục đích kiếm tiền. Mục đích ban đầu của Facebook chỉ để kết nối mọi người với nhau.

Đến nay, Microsoft là phần mềm không thể thiếu với bất kỳ người dùng máy tính nào. Facebook là mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Bill Gates và Mark Zuckerberg đều trở thành tỷ phú thế giới.

Những con người này, những doanh nghiệp nói lên điều gì?

“Mục tiêu kinh doanh phải là phụng sự, khi đó doanh nghiệp mới vững bền.” – ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kết luận như vậy trong bài phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016 diễn ra vào ngày 11/10.

Như thế nào là kinh doanh phụng sự? Đó là hoạt động kinh doanh hướng đến con người, khởi nghiệp từ mục tiêu phục vụ lợi ích cho con người. Nếu nói một cách văn hoa, đó là kinh doanh bằng trái tim. Nhưng “Trái tim” có phải là điều xa xỉ ở cuộc đời này?

“Chúng ta là doanh nhân chứ không phải là trọc phú.” – ông Vũ Tiến Lộc nói.

Khẳng định “trái tim không phải điều xa xỉ”, Chủ tịch VCCI cho rằng, đã qua rồi thời của các doanh nhân làm việc bằng quan hệ, không cần học hành và kinh doanh dựa trên khai thác tài nguyên. Các doanh nhân thời đại mới không thể không học và phải học tập không ngừng các chiến lược kinh doanh, chiến lược quản trị. Đặc biệt, công nghệ chính là chìa khóa của sự bứt phá.

Nếu đã có một mục tiêu kinh doanh “vì con người”, lại kết hợp với việc sử dụng công nghệ, áp dụng chiến lược kinh doanh sáng tạo và chiến lược quản trị chuẩn mực, không có lý do gì để doanh nghiệp Việt Nam không vươn ra được tầm thế giới.

“Các đại gia của chúng ta hiện nay chủ yếu đến từ lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản. Các DN sản xuất của Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, còn rất xa mới vươn đến tầm thế giới. Trong khi cuộc cách mạng thứ 4 về công nghệ đang ập đến. Các lợi thế về lao động rẻ, tài nguyên thiên nhiên và thậm chí là vị trí địa lý cũng sẽ không còn là lợi thế nữa.” – ông Lộc nói.

Theo Chủ tịch VCCI, cuộc cách mạng trước đây đã đưa dầu lửa thành nguồn nguyên liệu cơ bản của kinh tế, còn cuộc cách mạng thứ 4 mang tên tài nguyên số sẽ là tài nguyên cốt lõi. Chỉ những ai biết nắm lấy cơ hội từ công nghệ sáng tạo, công nghệ số mới trỗi dậy mạnh mẽ.

Doanh nghiệp Việt đã chứng tỏ sức chịu đựng và thích nghi rất linh hoạt sau một thời gian dài chịu sự bó buộc trong môi trường kinh doanh dựa trên cơ chế “quan hệ” và “xin – cho”. Vì thế, với những chính sách mới của Bộ máy Chính phủ mới, các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ bứt phá.

“Chính phủ đã quyết nâng bậc Việt Nam trong khối ASEAN về môi trường kinh doanh, còn doanh nghiệp phải nâng tầm. Không cơ chế xin cho, Doanh nhân không phải quan hệ nữa và trí tuệ phải là cốt lõi.” – ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên