MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp lớn phải có trách nhiệm liên kết kết, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Vai trò của Chính phủ là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Để doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn mạnh hơn nữa ra thị trường quốc tế, rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tiếp cận các chuẩn mực toàn cầu với sự hỗ trợ của doanh nghiệp lớn.

Doanh nghiệp lớn phải hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ hơn

Đội ngũ doanh nghiệp đã có những trưởng thành trong 30 năm đổi mới. Cải cách, mở cửa hội nhập đã buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên thị trường trong nước. Tuy nhiên, để có thể mạnh mẽ vươn ra thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt còn cần nỗ lực rất nhiều.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng có 2 xu hướng đang là động lực của sự phát triển. Đó là xu hướng toàn cầu hóa và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Môi trường kinh tế mới với công nghệ số, Internet, thương mại điện tử sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khi muốn trực tiếp cung cấp sản phẩm ra thị trường thế giới, vốn trước đây thường do doanh nghiệp lớn nắm giữ.

Tuy nhiên, vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp để cùng nhau vươn ra thị trường quốc tế. Theo ông Lộc, doanh nghiệp lớn cùng doanh nghiêp vừa và nhỏ phải cùng nhau nỗ lực để giải quyết vấn đề. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tiếp cận các chuẩn mực toàn cầu với sự hỗ trợ của doanh nghiệp lớn.

“Làm thế nào để các doanh nghiệp lớn có thể liên kết được với các doanh nghiêp vừa và nhỏ để có thể vươn ra thế giới? Đó là cái điều mà chúng ta chưa làm được nhiều và cần nỗ lực của cả hai bên. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đạt được những chuẩn mực của thế giới. Các doanh nghiệp lớn cần thực hiện những trách nhiệm của mình là phải liên kết, hỗ trợ và tạo ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” – ông Vũ Tiến Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cho rằng để phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam cần có thêm sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Ông Lộc đặc biệt nhấn mạnh đến những doanh nghiệp FDI, bởi đây là nhóm có kinh nghiệm kinh doanh ở nhiều nước trên thế giới và đang đóng góp tới 70,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Việc liên kết này không chỉ giúp công đồng doanh nghiệp trong nước phát triển mà còn giảm tình trạng “ốc đảo” của doanh nghiệp FDI, khi họ đầu tư ở Việt Nam nhưng phải nhập gần hết nguyên liệu đầu vào.

Kinh doanh đúng luật để phát triển bền vững

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển nhận định rằng hiện tượng kinh doanh dựa vào quan hệ vẫn còn. Nhiều vụ án lớn trong thời gian qua đã cho thấy thực trạng đáng buồn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật nếu muốn phát triển mạnh và vươn ra thị trường quốc tế.

“Đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển khởi sắc nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề. Đại gia không nhiều, mà đại gia thật sự không dựa vào quan hệ cũng ít. Điều cần làm lúc này là phải kéo, hướng đại gia của chúng ta làm ăn đúng luật lệ, đúng mục tiêu, chiến lược, kết nối với doanh nghiệp trong nước và lan tỏa ra” – ông Lưu Bích Hồ nói.

Bên cạnh đó, ông Lưu Bích Hồ cho rằng Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Trong đó, tinh thần kiến tạo vì doanh nghiệp như đề xuất cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương cần được nhân rộng. Theo ông Hồ, Nhà nước không cần can thiệp sâu vào thị trường để doanh nghiệp tư nhân có thể tự mình lớn lên.

Từ quan điểm của công đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, doanh nhân mới là người quyết định thành bại trong kinh doanh và Chính phủ chỉ đóng vai trò kiến tạo. Do đó, bản thân doanh nhân, doanh nghiệp phải xây dựng mô hình phát triển theo hướng bền vững. Đây là “giấy thông hành” để doanh nghiệp Việt vươn ra toàn cầu.

“Tôi nghĩ vốn, công nghệ chỉ là một vấn đề. Phải nói rằng phát triển bền vững và đạt các chuẩn mực phát triển bền vững chính là giấy thông hành cho doanh nghiệp có thể vào thị trường thế giới. Cho nên quy mô thị trường, khả năng huy động nguồn lực tùy thuộc rất nhiều vào phương thức phát triển bền vững của doanh nghiệp” – ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Đại diện VCCI cho rằng, các doanh nghiệp phải làm giàu bằng cách phục sự xã hội, bảo toàn thiên nhiên, chăm lo đến người lao động, quan tâm phát triển cộng đồng. Bởi lẽ, thời kỳ đánh đổi môi trường, dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ đã chấm dứt.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên