MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Có thể chúng ta không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, nhưng đó sẽ là một bước đệm tốt

“Có thể trước mắt chúng ta chưa đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng, nhưng đổi lại nền kinh tế sẽ có bước đệm tốt để tăng trưởng cao, bền vững trong những năm tiếp theo. Đó là cái giá nên trả cho những khó khăn tồn đọng trong quá khứ”.

Năm nay, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với một bài toán không đơn giản. Tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế năm nay đặt ra là 6,7%. Điều này đồng nghĩa với việc các quý còn lại chúng ta phải tăng trưởng trung bình trên 7%. Đây là mục tiêu không đơn giản trong bối cảnh hiện tại.

Mặc dù vậy, một đại biểu Quốc hội là ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI cho rằng, bên cạnh việc thúc đẩy GDP, một điều quan trọng và căn cơ hơn đó là phát triển bền vững.

Những nỗ lực bằng mọi cách tăng trưởng GDP là cần thiết, nhưng phải được đặt trên nền tảng căn bản đó là sự phát triển của thể chế. Thể chế vững mạnh, an toàn sẽ thu hút nguồn lực trong và ngoài nước. Đấy chính là những biện pháp căn cơ nhất.

Bản thân tôi nghĩ rằng, trước mắt chúng ta đặt mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, thì có thể trước mắt chúng ta chưa đạt được những mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng, nhưng bù lại sẽ tăng trưởng cao, bền vững trong những năm tới.

Đó là cái giá phải trả cho những khó khăn tồn đọng nhiều năm qua’, ông Lộc chia sẻ bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, chiều ngày 22/5.

Theo ông Lộc, việc cải cách, thúc đẩy thể chế sẽ khai thông nguồn lực trong dân, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng phát triển nền kinh tế. Tăng GDP trên cơ sở phát triển mạnh mẽ của DN, đặc biệt là DN tư nhân mới đảm bảo phát triển bền vững.

Những điều ông Lộc nói, cũng là tinh thần chủ đạo trong cuộc gặp giữa Thủ tưởng với doanh nghiệp vừa diễn ra tuần trước. Căn cơ, lâu dài vẫn là thể chế. Khi vấn đề này được giải quyết, tự khắc các nguồn lực sẽ được khai thông. Bất kỳ biện pháp ngắn hạn nào được thực thi trong năm nay đều sẽ là một phần trong chiến lược dài hạn.

Tất nhiên, để giải quyết những vấn đề trước mắt, Chính phủ cũng sẽ có những biện pháp thúc đẩy trong ngắn hạn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong từng dự án, từng DN cụ thể.

‘Chẳng hạn như vấn đề giảm phí đang được đề cập đến nhiều. Rất nhiều phí cho DN nước ta hiện đang cao hơn so với tương quan thế giới, như p hí hành chính, hạ tầng, logistic cho tới BHXH. Việc giảm phí sẽ là những biện pháp ngắn hạn, nhưng quan trọng và cần phải làm ngay. Kết hợp ngắn hạn và dài hạn sẽ duy trì tăng trưởng và dài hạn’, ông Lộc nhận định.

Theo Tùng Lâm- Dũng Trần

Trí thức trẻ

Trở lên trên