Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Liệu có phải chúng ta sẽ để lại cho đời sau “rừng trọc, biển cạn”, nguồn nước ô nhiễm hay một bầu trời nhuốm màu xám khói bụi?
Phát biểu tại Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững năm 2019, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ nỗi trăn trở: "Thế hệ con cháu sau này sẽ kế thừa điều gì từ chúng ta?”.
- 27-11-2019Luxshare, Goertek và Foxconn: "Sóng ngầm" giữa các nhà cung ứng của Apple vào Việt Nam
- 27-11-2019Bloomberg: Lo ngại mâm cỗ Tết bị "đe dọa", Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu thịt lợn
- 26-11-2019So sánh 6 yếu tố quyết định thành công trong ngành bán lẻ của các "ông trùm" để biết tại sao Vincommerce vượt xa Saigon Co.op, Lotte, AEON,...
Trong các cuộc tiếp xúc và thảo luận cùng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI - Vũ Tiến Lộc cho biết đã có rất nhiều doanh nghiệp trăn trở, đặt câu hỏi: "Chúng tôi rất muốn phát triển bền vững, nhưng trừu tượng quá, không biết cần bắt đầu từ đâu?".
"Dân tộc Việt Nam đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử nghìn năm. Chúng ta đã kế thừa truyền thống yêu nước, tinh thần bác ái, giàu lòng hiếu học của cha ông để phát triển đất nước đến ngày nay.
Vậy thì hôm nay, chúng ta ở đây cùng nhau đặt ra một câu hỏi "Thế hệ con cháu sau này sẽ kế thừa điều gì từ chúng ta?". Liệu có phải chúng ta sẽ để lại cho đời sau "rừng trọc, biển cạn", nguồn nước ô nhiễm hay một bầu trời nhuốm màu xám khói bụi? Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra nếu như sự phát triển mà chúng ta theo đuổi chỉ nhanh mà không bền vững, chỉ vì cái lợi trước mắt mà quên đi cái hại dài lâu" - Chủ tịch VCCI nói.
Từ góc độ đó, ông Lộc cho rằng phát triển bền vững không còn là một tùy chọn, mà đã trở thành lựa chọn tất yếu cho mỗi quốc gia hay mỗi nền kinh tế, để thể hiện trách nhiệm với thế hệ mai sau. Câu trả lời cho những trăn trở nói trên chính là Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Khi tiếp cận CSI, doanh nghiệp sẽ thấy rằng đây chính là một bộ công cụ quản trị doanh nghiệp rất khoa học, có thể áp dụng cho mọi loại hình, quy mô doanh nghiệp.
Để CSI có thể đến được với nhiều doanh nghiệp hơn nữa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hàng năm VCCI cùng với các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực đã điều chỉnh, cập nhật Bộ chỉ số không chỉ phù hợp với pháp luật Việt Nam, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, giảm bớt số lượng tiêu chí để Bộ chỉ số được đơn giản hóa, dễ áp dụng hơn.
Năm 2019, Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (Bộ chỉ số CSI) tiếp tục được sử dụng làm thang đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Bộ chỉ số CSI 2019 được tinh gọn từ 131 xuống còn 98 chỉ tiêu ở 3 lĩnh vực: kinh tế - xã hội – môi trường, trong đó 90% là các chỉ tiêu tuân thủ pháp luật. Các chỉ tiêu cũng được phân nhóm khoa học hơn, cập nhật hơn với thông lệ quốc tế và pháp luật trong nước, có tính ứng dụng cao và phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng hơn.
Thông qua việc cung cấp thông tin theo Bộ Chỉ số CSI, doanh nghiệp có thể hệ thống các thông tin về quản trị doanh nghiệp bao gồm quy trình, cách thức tổ chức quản lý, sản xuất, hiệu quả hoạt động, các quy định và văn bản pháp luật cần tuân thủ, từ đó có thể cải thiện và phát huy chiến lược phát triển bền vững.
Danh sách Top 100 Doanh nghiệp PTBV 2019 có mặt cả các công ty nước ngoài và Việt Nam, trong lĩnh vực sản xuất cũng như thương mại - dịch vụ: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam, Công ty HEINEKEN Việt Nam, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty TNHH Quốc Tế Unilever Việt Nam, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, Công ty Tetra Pak Thụy Điển, SASCO, Ngân hàng BIDV,...