MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Vietcombank: "Ngân hàng may mắn khi còn dư địa để tăng vốn"

18-04-2016 - 16:21 PM | Tài chính - ngân hàng

Mục tiêu của việc tăng vốn điều lệ, theo Vietcombank là để thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng Vietcombank thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 diễn ra mới đây của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank - VCB), một trong những nội dung được cổ đông quan tâm, đó là phương án tăng vốn điều lệ năm 2016.

Theo đó, HĐQT Vietcombank dự kiến vốn điều lệ sẽ nâng từ mức 26.650 tỷ đồng hiện tại lên gần 40 nghìn tỷ đồng trong năm nay.

Để tăng vốn điều lệ, Vietcombank thực hiện 2 bước: tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng 35% cho các cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10%.

Tuy nhiên một cổ đông đã đặt ra vấn đề tại sao Vietcombank không tăng vốn bằng việc tăng vốn bằng việc phát hành vốn cấp 2, mà lại phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài? Phát hành cổ phiếu riêng lẻ khá phức tạp và các ngân hàng thường bị hoãn theo các năm sau. Vậy độ chắc chắn cho cổ đông chiến lược năm nay như thế nào, ngân hàng đã có cổ đông tiềm năng nào chưa và tiến độ đến đâu?

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết: Tăng vốn điều lệ nhằm tăng năng lực cạnh tranh là xu hướng chung của các NHTMCP của Việt Nam năm 2016. Vietcombank cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Với quy định hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) 9% thì Vietcombank đến thời điểm này cũng đang ở 9%, và nếu vốn không tăng thì tỷ lệ này giảm rất nhanh. Cùng với đó, năm nay Ngân hàng Nhà nước áp dụng Basel II với 10 tổ chức tín dụng để làm thí điểm, thì hệ số CAR sẽ còn giảm nhanh hơn.

“Riêng với Vietcombank, hệ số CAR sẽ giảm 2%, xuống mức 7%, tức là vốn tự có/tài sản tự có chỉ đạt mức đó. Như vậy, so với định mức tối thiểu chúng ta cũng không đạt được. Vì vậy, HĐQT mới trình ra cổ đông kế hoạch tăng vốn trong năm nay”, ông Thành cho biết.

Ông Thành cho rằng việc tăng được vốn cũng là may mắn vì Vietcombank còn dư địa để tăng vốn. Dư địa thứ nhất là còn thặng dư giữ lại trên 9.000 tỷ đồng. Hơn nữa, sở hữu Nhà nước tại Vietcombank là 77,14% và có thể giảm xuống 65% theo quy định của nhà nước. Và khi phát hành thêm 10% cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu nhà nước sẽ giảm xuống khoảng 70%.

Vị lãnh đạo cũng cho biết thêm hiện nay Vietcombank đã thuê 1 công ty tư vấn trên thị trường quốc tế để tìm kiếm đối tác tiềm năng. Hiện tại đã có một số cổ đông đáp ứng được yêu cầu và có ý định tham gia mua cổ phần. Theo đó, nếu được ĐHĐCĐ thông qua, phương án phát hành này sẽ hoàn thành trong năm 2016.

"Vietcombank sẽ rất thận trọng trong việc lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng. “Tiêu chí để lựa chọn là nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, quản trị kinh doanh, để có thể hỗ trợ Vietcombank khi cần thiết”, ông Thành nhấn mạnh.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên