MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VINASME đề xuất ban hành cơ chế thí điểm cho vay ngang hàng

Đề xuất này nằm trong nhóm 7 đề xuất của Chủ tịch VINASME gửi Chính phủ và các bộ, ngành để giúp cộng đồng DNNVV tận dụng kịp thời các lợi thế, thực thi Hiệp định EVFTA có hiệu quả.

Tại hội nghị trực tuyến "Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA" tổ chức vào sáng 5/6, Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân phân tích, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% dòng thuế.

Nhưng bên cạnh cơ hội, những thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV khi tham gia Hiệp định này cũng không hề nhỏ như: thách thức về rào cản kỹ thuật, sức ép cạnh tranh với hàng hóa của EU, thách thức trước các biện pháp phòng vệ thương mại, thách thức từ cạnh tranh nguồn lao động.

Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu thông tin thị trường EU cũng như các quy định của EU về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường tiềm năng này; Các doanh nghiệp Việt Nam chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU; và đặc biệt các DNNVV thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch VINASME đã đề xuất 7 giải pháp với Chính phủ nhằm giúp các DNNVV tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, đồng thời thực thi một cách nghiêm chỉnh các quy định của EVFTA, bao gồm:

Một là, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách; đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, kịp thời thông qua một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế để phù hợp với các quy định của EVFTA, giúp doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực thi hiệu quả hiệp định.

Hai là, cần chỉ đạo các bộ ngành hữu quan triển khai tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về nội dung của hiệp định cho các doanh nghiệp, giúp họ trang bị đầy đủ kiến thức để tự tin tham gia thị trường. Chúng tôi biết Bộ Công Thương đang mở các khóa tập huấn về Hiệp định EVFTA, vì thế chúng tôi đánh giá đây là việc làm cần thiết và hết sức ý nghĩa.

Ba là, tăng cường nguồn lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay ưu đãi để triển khai các dự án trong khuôn khổ hiệp định EVFTA.

Bốn là, cần hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng lực quản trị, điều hành.

Năm là, cắt giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án đầu tư công để doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm cơ hội thử sức và đầu tư phát triển.

Sáu là, đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực "nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn" trong dân và doanh nghiệp như phát hành trái phiếu nhiều hơn nữa liên quan tới các dự án đầu tư công để huy động ngoại tệ và các tài sản quý như vàng bạc, đá quý. Và sớm ban hành cơ chế thí điểm có giám sát (sandbox) cho các hoạt động fintech, bao gồm hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending);

Bảy là, tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm. Chúng ta cần nhanh chóng khai thác "kinh tế ban đêm" trên quy mô toàn quốc.

Phạm Hậu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên