img
Chữa bệnh kiểu “truyền miệng” thời Facebook: Tư duy mông muội khiến bạn tự giết chính mình - Ảnh 1.

Chẳng biết từ bao giờ người ta lại cứ tin vào những cách chữa bệnh truyền miệng, những mẹo vặt dân gian không có kiểm chứng thay vì tin vào y tế, khoa học hiện đại. Vậy nên mới có những câu chuyện đau lòng như trẻ mù mắt vì mẹ nhỏ sữa vào mắt, phụ nữ mất mạng vì detox giảm cân…

Chỉ cần một vài thông tin gắn mác “bí quyết gia truyền lần đầu chia sẻ”, “đã làm theo và hiệu quả tức thì” được đưa lên mạng xã hội, hội kín của các chị em,… sau vài giờ đăng tải, thông tin ấy lập tức được chia sẻ ào ào, nhiều người vội tag nhau vào coi đó như một kinh nghiệm “chữa bệnh” quý báu cần nhân rộng. Không ai ý thức được rằng những phương thuốc được cho là “dân gian”, “gia truyền” đó phần nhiều là những thông tin vô căn cứ, đôi khi là bị “cắt gọt”, “thổi phồng” trước khi được tung lên mạng xã hội với mục đích câu view, bán hàng online…

Nắm bắt thông tin nhanh nhạy là điều mà bất cứ ai trong xã hội hiện đại bây giờ cũng cần trau dồi. Nhưng nắm bắt nhanh đến nỗi mông muội nghe và làm theo dù chưa kiểm chứng thông tin kỹ càng lại là một chuyện khác.

Chữa bệnh kiểu “truyền miệng” thời Facebook: Tư duy mông muội khiến bạn tự giết chính mình - Ảnh 2.

Những câu chuyện về kháng kháng sinh thời gian gần đây là một sự thật phũ phàng, là cơn ác mộng của giới y khoa. Nó cũng tạo nên sự khủng hoảng đối với loài người. Việc nhờn thuốc tây khiến người ta viện thêm lý do dùng mẹo hay cây cỏ chữa bệnh vì nghĩ chắc hẳn sẽ “ăn thua” hơn rất nhiều. Thế nên mới có chuyện vừa nghe người này kháo tin về phương pháp chữa bệnh tự nhiên nào đó là không ít người đổ xô đi tìm kiếm, áp dụng mà không biết thực hư ra sao.

Chữa bệnh kiểu “truyền miệng” thời Facebook: Tư duy mông muội khiến bạn tự giết chính mình - Ảnh 3.
Chữa bệnh kiểu “truyền miệng” thời Facebook: Tư duy mông muội khiến bạn tự giết chính mình - Ảnh 4.

Cách đây chừng 3-4 năm, khi thông tin GS Nguyễn Xuân Hiền (nguyên Chủ nhiệm khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) “đang sở hữu bài thuốc gia truyền chữa bệnh ung thư bằng lá đu đủ” lan truyền. Trong khi GS Hiền khẳng định rằng lá đu đủ cần được nghiên cứu thêm với các bằng chứng khoa học để làm rõ ràng thì người ta “kháo nhau”: Lá đu đủ chữa được bệnh ung thư. Một đồn 10, 10 đồn 100, thiên hạ lao vào chia sẻ “bài thuốc” trên Facebook, nhao nhao mách nhau tìm lá đu đủ để sắc thành bài thuốc này, bài thuốc kia với hi vọng tế bào ung thư sẽ bị đánh bay chỉ trong tích tắc.

Một thời gian sau, mạng xã hội lại sốt xình xịch khi xuất hiện thông tin chữa khỏi ung thư bằng cách ăn lá bìm bịp. Gương mặt điển hình xuất hiện nhan nhản khi ấy là bà Vương Tú Cầm (một người dân Trung Quốc) mắc bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 3. Lại một lần nữa, chúng ta “cưỡi trên đầu sóng ngọn gió” của mạng xã hội, của các trang tìm kiếm online để tìm cho ra cây bìm bịp.

Ung thư là căn bệnh khó chữa, thậm chí khiến nhân loại ám ảnh rằng “ung thư là chết”, nên việc bất chấp tất cả để thử các bài thuốc này, cách chữa kia có thể hiểu được và phần nào thông cảm. Thế nhưng, tuyệt nhiên không thể dùng đơn thuốc của người khác mách mà không tìm hiểu kỹ xem mình có bị bệnh giống người ta không, không cần tới chẩn đoán chính xác của bác sĩ. “Cứ thấy có triệu chứng na ná thì “mượn” nhau cái đơn thuốc đi mua cho nhanh, chứ xếp hàng chờ khám mất thời gian lắm” đang là suy nghĩ của không ít người.

Chữa bệnh kiểu “truyền miệng” thời Facebook: Tư duy mông muội khiến bạn tự giết chính mình - Ảnh 5.
Chữa bệnh kiểu “truyền miệng” thời Facebook: Tư duy mông muội khiến bạn tự giết chính mình - Ảnh 6.

Đôi khi, chúng ta đang sống yên ổn với cơ thể lành lặn, bỗng nhiên lại muốn không chỉ khỏe mà còn đẹp mới khổ. Rồi thì đẹp phải rẻ. Rẻ phải dễ thực hiện. Thế nên mạng xã hội mới xuất hiện trào lưu thanh lọc cơ thể bằng hạt đu đủ, lọc bỏ sỏi gan, sỏi mật bằng dầu ôliu, dầu dừa, thậm chí là gần như tuyệt thực chỉ uống nước cầm hơi… Đẹp dáng, đẹp da bằng cách kiên nhẫn làm theo những “bí quyết” siêu đơn giản này tại nhà, rất nhiều chị em đã bị cuốn vào vòng xoáy mê muội dẫn đến tiền mất tật mang.

Những cách thức mà người ta lan truyền trên mạng xã hội với tên gọi “phương thuốc”, “bí quyết”, “bài thuốc gia truyền”… mới nghe thôi đã thấy hoang đường, thiếu cơ sở khoa học. Vậy mà người ta vẫn tin và làm theo bất chấp những nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe và tính mạng. Không ai chịu hiểu rằng cơ thể con người là một sản phẩm tuyệt vời của tạo hóa. Nó không phải là một cái máy nên mới có chuyện không ai giống ai, kể cả bệnh tật.

Chữa bệnh kiểu “truyền miệng” thời Facebook: Tư duy mông muội khiến bạn tự giết chính mình - Ảnh 7.
Chữa bệnh kiểu “truyền miệng” thời Facebook: Tư duy mông muội khiến bạn tự giết chính mình - Ảnh 8.
Chữa bệnh kiểu “truyền miệng” thời Facebook: Tư duy mông muội khiến bạn tự giết chính mình - Ảnh 9.

Trong một cuộc trò chuyện, Thượng tá, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lê (chuyên điều trị viêm gan siêu vi và ung thư, Bệnh viện Quân y 103) từng chia sẻ: Rất nhiều bệnh nhân ung thư tìm đến nhà ông trong tình trạng bục dạ dày, xuất huyết, viêm loét dạ dày, thậm chí dạ dày đang có nguy cơ bị hủy hoại hoàn toàn. Khi hỏi về tiền sử bệnh, vị bác sĩ này mới tá hỏa khi biết rằng, bệnh nhân nghe có tin đồn chữa khỏi bệnh bằng lá đu đủ nên đã tự ý lấy lá về đun nước uống hằng ngày. Bệnh nhân tin rằng cách làm này sẽ chữa khỏi ung thư, không cần xạ trị lại chẳng hề tốn kém.

Đảo ngược lại thời gian một chút chúng ta sẽ thấy những cái kết thương tâm về việc chữa bệnh theo trào lưu mạng xã hội. Vào năm 2014, bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) từng tiếp nhận trường hợp nữ sinh 18 tuổi tử vong vì nhịn ăn 10 ngày để tiến hành detox giảm cân. Đây chính là trường hợp cảnh tỉnh sâu sắc cho mọi người không được tự ý tiến hành nhịn ăn, detox cơ thể dù là theo bất cứ cách nào. Cái giá phải trả chính là tính mạng của mỗi người!!! - đó cũng là lời cảnh tỉnh của ThS. BS Doãn Thị Tường Vy (Viện phó viện Dinh dưỡng lâm sàng) dành cho trào lưu thanh lọc cơ thể được lan truyền trên mạng xã hội.

Chữa bệnh kiểu “truyền miệng” thời Facebook: Tư duy mông muội khiến bạn tự giết chính mình - Ảnh 10.

Được quan tâm nhất gần đây chính là việc sinh con thuận tự nhiên với phương pháp liên sinh được tuyên truyền ra rả khắp các trang mạng xã hội tại Việt Nam. Theo đó, người ta chia sẻ với nhau phương pháp sinh và nuôi con theo định hướng… mạng xã hội. Trẻ được sinh ra sẽ không được cắt dây rốn, giữ nguyên nhau thai. Toàn bộ phần nhau thai sẽ được đựng trong một chiếc bát lớn. Sau đó để vài ngày chờ rụng tự nhiên. Nhiều bà mẹ còn lan truyền lấy bánh nhau để chế biến thành món ăn nhằm mục đích chữa bệnh. Nhiều bà mẹ lên mạng kêu gọi nhau không tiêm vắc-xin hoặc các loại vitamin vì theo họ như thế là “không thuận tự nhiên, có hại cho sức khỏe của trẻ”. 

Chữa bệnh kiểu “truyền miệng” thời Facebook: Tư duy mông muội khiến bạn tự giết chính mình - Ảnh 11.

Thế nên mới có câu chuyện cả nhà được một phen hoảng hồn khi bà nội cố lôi cháu ra ngoài, suýt làm thủng đầu cháu chỉ vì mù quáng nghe theo cách tự sinh con tại nhà mà không có bất cứ bác sĩ, dụng cụ, máy móc nào hỗ trợ. Thay vì hiểu ngọn ngành phương pháp liên sinh là sinh con tại nhà với sự hỗ trợ của nhân viên y tế thì nhiều mẹ tự ý “gọt” thông tin, cắt luôn phần việc của bác sĩ và cho rằng tự nhiên là tự túc tại nhà từ A đến Z. Nhiều bác sĩ sau khi nghe kể đã phải thốt lên cách sinh con này thực sự quá nguy hiểm, vì chỉ thông qua một khóa học vượt cạn chưa được chứng minh rõ ràng.

Chữa bệnh kiểu “truyền miệng” thời Facebook: Tư duy mông muội khiến bạn tự giết chính mình - Ảnh 12.

Bởi ngay cả các phương pháp chữa bệnh trong Đông y hay Tây y đều có những biến chứng nhất định nếu chúng ta lạm dụng, đã là thuốc thì luôn có những tai biến khó lường. Bởi thế việc tham khảo ý kiến bác sỹ luôn luôn là cần thiết.

Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) khẳng định, chúng ta - dù là bất cứ ai cũng cần cẩn trọng với “thầy thuốc Facebook”. Hiện nay, nhiều người dân đang tin tưởng và có xu hướng chữa bệnh bằng y học cổ truyền, nhưng các vị thuốc lại không đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ mà hoàn toàn nghe theo miệng người này người kia để áp dụng cho bản thân. Việc chưa được trang bị kiến thức Đông y nhưng lại tự ý bốc thuốc về dùng sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không nên tin theo quảng cáo mà hãy tìm đến những cơ sở điều trị uy tín như các bệnh viện y học cổ truyền, các phòng khám y học cổ truyền đã được Bộ Y tế, Sở Y tế quản lý, cấp phép.

Chữa bệnh kiểu “truyền miệng” thời Facebook: Tư duy mông muội khiến bạn tự giết chính mình - Ảnh 13.

Đã đến lúc chúng ta phải biết “sợ” và gạt bỏ thói quen chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc gia truyền của các “thầy lang”, các phương pháp truyền miệng thiếu căn cứ khoa học. Đừng dại dột khi thấy bất cứ thông tin nào được chia sẻ rầm rộ trên mạng là lao vào như thiêu thân, hăm hở chữa trị theo. Thay vì chăm chăm làm theo những mẹo truyền miệng này truyền miệng kia, hãy tỉnh táo đến gặp bác sĩ để kiểm chứng thông tin và có được phương pháp chữa trị an toàn, tốt nhất để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Chữa bệnh kiểu “truyền miệng” thời Facebook: Tư duy mông muội khiến bạn tự giết chính mình - Ảnh 14.
Tất Sỹ
Bi
22/3/2018

Theo Tiểu Nguyễn

Trí thức trẻ

Trở lên trên