MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa thuê bao nào bị khóa, không còn chen chúc nộp ảnh chân dung

Theo Cục Viễn thông, tính đến thời điểm này, chưa nhận được thông tin về việc nhà mạng khóa số của các thuê bao thiếu thông tin sau ngày 24/4.

Các nhà mạng cho biết đang khẩn trương phê duyệt và chuẩn hoá các thông tin chủ thuê bao đã cập nhật.

Chưa thuê bao nào bị khóa, không còn chen chúc nộp ảnh chân dung - Ảnh 1.

Chưa thuê bao nào bị khóa dịch vụ do thiếu ảnh chân dung.


Đại diện của Viettel cho biết, nhà mạng phải dùng con người để kiểm tra các thông tin thuê bao cập nhật trên hệ thống My Viettel nên sẽ mất thời gian hơn nhưng đảm bảo chuẩn hóa chính xác thông tin.

"Việc kiểm tra, đối chiếu, phê duyệt thông tin khách hàng gửi lên phải được tiến hành thủ công để đảm bảo tính chính xác. Nhiều trường hợp khách hàng cập nhật sai hoặc nhầm thông tin, thậm chí gửi ảnh phong cảnh, chụp chứng minh thư của người khác...", đại diện Viettel cho biết.

Theo lý giải của các nhà mạng, họ chưa cắt liên lạc sau ngày 24/4 vì đã thông báo gia hạn cho các chủ thuê bao. Ngoài ra, các đơn vị vẫn trong quá trình kiểm tra và phê duyệt rất nhiều thông tin, hồ sơ gửi lên qua các kênh khác nhau của khách hàng.

Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), trước đây, nhà mạng thường để đại lý tự điền thông tin, tự kích hoạt SIM. Tuy nhiên, việc kích hoạt sẵn có nghĩa, đại lý vẫn có thể lấy thông tin, giấy tờ của một người khác để điền vào, kể cả chứng minh thư giả.

Với những số thuê bao này, dù đã có bản sao chứng minh thư, ảnh căn cước trong cơ sở dữ liệu nhưng có thể thông tin vẫn không đúng người chủ thuê bao. Vì thế, muốn chuẩn hóa và chính xác, chủ thuê bao phải mang giấy tờ tùy thân đến để đối chiếu.

"Người sử dụng, tâm lý chung đa phần có sẵn dùng thì tốt, thông tin của ai cũng được, không cần đúng. Nhà mạng cũng chỉ cần bán được thẻ. Chỉ có nhà nước cần vì nhà nước phải bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ người dân. Do đó, việc chuẩn hóa lại dữ liệu của nhà mạng nhằm đảm bảo vấn đề an ninh", bà Lê Thị Ngọc Mơ nhấn mạnh.

Do 24/4 là thời điểm hoàn tất việc đăng ký, nhiều người dân lo lắng không biết mình có bị khoá số hay không. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 49, các nhà mạng chỉ được phép cắt liên lạc một chiều sau 5 ngày thông báo liên tục, mỗi ngày ít nhất 1 lần. Sau 15 ngày tiếp theo mới được cắt hai chiều và sau 30 ngày tiếp theo mới được cắt hợp đồng, ngừng cung cấp dịch vụ.

Theo ghi nhận của phóng viên VOV.VN, sáng nay (26/4), hầu hết các điểm giao dịch của nhà mạng tại Hà Nội không còn cảnh quá tải, tình trạng xếp hàng lộn xộn, chen nhau bổ sung thông tin thuê bao như thời gian vừa qua.

Chưa thuê bao nào bị khóa, không còn chen chúc nộp ảnh chân dung - Ảnh 2.

Không còn cảnh quá tải tại các điểm giao dịch của nhà mạng.


Trước đó, thông tin nếu không bổ sung thông tin và ảnh trước ngày 24/4/2018, thuê bao sẽ bị chặn khiến nhiều người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi, khuyết tật... phải tới các điểm giao dịch của MobiFone, Viettel, VinaPhone hoàn tất thủ tục, tạo thành cảnh chen lấn, chờ đợi "vật vã" tận nửa đêm để được chụp ảnh, bổ sung thông tin thuê bao.

Tại các website và ứng dụng của nhà mạng có hỗ trợ đăng ký thông tin, tình trạng quá tải cũng thường xuyên diễn ra./.


Theo Vân Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên