MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa xem xét đề xuất xây CHK Long Thành theo hình thức PPP

28-08-2017 - 09:58 AM | Bất động sản

Đề xuất xin đầu tư xây dựng Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành theo hình thức đối tác công - tư (PPP)

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco - CTCP vừa cùng Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (KAIDI) bất ngờ đề xuất với Thủ tướng xin đầu tư xây dựng Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tuy nhiên, theo Cục Hàng không VN, hiện dự án mới đang ở bước chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, do đó phải chờ báo cáo nghiên cứu khả thi thông qua mới được xem xét.

Đề xuất xây CHK Long Thành từ 3-5 năm

Cụ thể, theo ông Tiền, Geleximco có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, như Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc) hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam; một số quỹ đầu tư lớn như Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc - công ty Nhà nước với tổng tài sản đạt trên 250 tỷ USD có năng lực và kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực quản lý tài sản và đầu tư; Công ty TNHH CP Đầu tư dân sinh (Trung Quốc) và Tập đoàn đầu tư lớn tại Hong Kong như IDG…

“Với năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh trong điều kiện khó khăn về việc thu xếp vốn trên thị trường tài chính hiện nay của các nhà đầu tư khác, chúng tôi đề xuất với Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành theo hình thức đối tác công - tư”, ông Vũ Văn Tiền kiến nghị.

Lãnh đạo Geleximco cũng cho rằng, với kinh nghiệm triển khai, xây dựng và quản lý đầu tư các dự án về giao thông và CHK, cũng như khả năng thu xếp nguồn vốn cho dự án, CHK quốc tế Long Thành sẽ đảm bảo tiến độ với thời gian xây dựng vận hành từ 3 - 5 năm; Giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại.

Đây không phải là lần đầu tiên đại gia Vũ Văn Tiền muốn cùng đối tác Trung Quốc đề xuất tham gia xây dựng sân bay Long Thành. Hồi tháng 10/2016, Geleximco và Công ty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) cũng đã đề nghị Bộ GTVT cho phép tham gia đầu tư vào 4 dự án hạ tầng giao thông lớn gồm: Sân bay Long Thành; Cao tốc Bắc - Nam (đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và TP.HCM - Khánh Hòa); Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái và đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Thời điểm đó, trong tổng vốn ước tính đầu tư của cả 4 dự án này là gần 50 tỉ USD, liên doanh Geleximco - HUI của ông Vũ Văn Tiền chưa đề cập đến mức độ đầu tư bao nhiêu, chỉ nói rằng họ có mối quan hệ với các quỹ tài chính lớn.

Được biết, trong lần đề xuất mới này, ngoài sân bay Long Thành, ông Tiền cùng đối tác Trung Quốc đầu tư 5 dự án nhiệt điện: Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (công suất 2x600 MW), Quỳnh Lập 2 (công suất 2x600 MW), Quảng Trạch 1 (công suất 2x600 MW), Quảng Trạch 2 (công suất 2x600 MW) và Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 3 (công suất 2x600 MW).

Theo đề xuất của Geleximco và KAIDI, 5 dự án nhiệt điện trên được đề xuất theo hình thức PPP, trong đó tỉ lệ cổ phần doanh nghiệp Nhà nước nắm 20-25%, còn lại do Geleximco và KAIDI đầu tư.


Dự án CHK quốc tế Long Thành đang ở bước chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi

Dự án CHK quốc tế Long Thành đang ở bước chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi

Chờ báo cáo nghiên cứu khả thi

Trao đổi với Báo Giao thông ngày 27/8, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết, hiện tại Dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành mới đang ở bước chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS). Sau khi chọn được tư vấn, lập xong báo cáo khả thi, TCT Cảng hàng không VN (ACV) sẽ báo cáo Bộ GTVT. Từ đó, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ và Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua mới có thể biết chính xác dự án sẽ được đầu tư cụ thể như thế nào, bằng nguồn vốn ra sao… để có danh mục kêu gọi đầu tư. Kế đó mới đến bước chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Geleximco - KAIDI Dương Quang cần phải chờ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được lập xong và thông qua mới được xem xét.

Trước đó, phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, việc tư nhân đầu tư vào sân bay, nhà ga không còn mới và đang được các nhà đầu tư hết sức quan tâm. “Chúng ta có nhà ga quốc tế Đà Nẵng phục vụ APEC, CHK Vân Đồn, nhà ga quốc tế Cam Ranh hoàn toàn do tư nhân đầu tư. Nhà ga T4 của sân bay Tân Sơn Nhất hiện cũng đã có 3-4 nhà đầu tư đề nghị được tham gia. Vì thế, CHK quốc tế Long Thành sẽ được xem xét đầu tư theo hình thức PPP”, Bộ trưởng nói và cho biết, với trần nợ công hiện nay, để đầu tư CHK quốc tế Long Thành bằng vốn Nhà nước là rất khó khăn, còn nếu để các nhà đầu tư vào, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

“Thời gian tới, chúng tôi cùng Đồng Nai sẽ có báo cáo cụ thể hơn với các ĐBQH, sẽ nêu cụ thể hơn về cách thức huy động vốn để thực hiện dự án này, còn đây mới chỉ là giai đoạn xin chủ trương”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho hay.

Xem link gốc tại đây

Theo Thanh Bình

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên