Chùm ảnh: Nhìn lại 10 năm thăng trầm tuyến đường sắt nội đô đầu tiên của Việt Nam, Cát Linh - Hà Đông
Sáng 6/11, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho thành phố Hà Nội, sau 10 năm khởi công với nhiều lần điều chỉnh tiến độ.
- 05-11-2021[INFOGRAPHIC] Tuyến đường sắt đi qua 5 đời Bộ trưởng: Đi 25 phút, chờ đợi 13 năm
- 01-11-2021Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ không thu phí 15 ngày đầu hoạt động
- 30-10-2021Lái tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đào tạo ở Trung Quốc lương cao nhất 17 triệu
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt năm 2008 với tổng chiều dài 13km đi trên cao, gồm 12 ga, tốc độ tối đa 80 km/h. Tháng 10/2011, dự án mới được khởi công, thời hạn hoàn thành lùi tới năm 2015
Giai đoạn đầu, thành phố Hà Nội phải giải tỏa hơn 100 ha để xây dựng các nhà ga, khu bảo dưỡng. Khoảng 2.000 hộ dân tại ba quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông phải di dời. Hàng chục km đường điện, ống cấp thoát nước, viễn thông phải di chuyển
Dấu mốc quan trọng của dự án là việc tiến hành hoàn thiện các cột trụ và lao dầm trên dọc tuyến
Giai đoạn cuối năm 2014, việc lao dầm được triển khai liên tục vào buổi đêm từ khu vực Hà Đông dần ra Nguyễn Trãi, Thanh Xuân
Mỗi phiến dầm bê tông dài 33 m, nặng 236 tấn, đây là phiến dầm hộp đường sắt đúc sẵn lần đầu tiên ở Việt Nam tại khu đô thị Dương Nội. Hai cột trụ liên tiếp được nối bằng hai phiến dầm song song nhau
Việc vận chuyển những phiến dầm có khối lượng khổng lồ này bằng các phương tiện siêu trường siêu trọng với những chiếc mooc hơn 70 bánh xe, mỗi đêm chỉ di chuyển 2 phiến dầm và được hỗ trợ bởi rất nhiều phương tiện và con người để tránh việc mất an toàn trên đường đi.
Thời gian đầu của việc lao những phiến dầm khá thuận lợi với phương thức cẩu dầm từ xe siêu trường siêu trọng lên các trụ
Trong quá trình thi công, ngày 6/11/2014, tại đoạn đường Nguyễn Trãi, đơn vị thi công đang cẩu thép thì bị đứt cáp. Thanh thép rơi khiến một người đi đường chết tại chỗ, hai người bị thương
Cuối tháng 12/2014, tại ga bến xe Hà Đông, khi thi công xà mũ trụ H7, hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ bị sụt xuống đường, đè bẹp chiếc taxi. Bốn người bên trong may mắn được giải cứu an toàn. Nhiều cán bộ công trường sau đó bị đình chỉ công tác, lãnh đạo Ban Quản lý dự án bị chuyển công tác
Dấu mốc quan trọng trong dự án đó là việc lao dầm qua ngã 4 Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi
Đây là khoảng thời gian phải chờ đợi việc điều chỉnh xây dựng nhà ga và khu vực thi công là nút giao 4 tầng bao gồm hầm đường bộ, đường trên mặt đất và vượt qua cầu cạn vành đai 3
Ngày 14/7/2015, hạng mục khó nhất trong việc lắp đặt những phiến dầm có trọng lượng hơn 200 tấn. 2 phiến dầm được cẩu lên từ dưới xe siêu trường siêu trọng sau đó được đặt lên hệ thống mooc phía trên và di chuyển đặt vào tiếp một chiếc cẩu di chuyển phương ngang
Quá trình thi công vô cùng khó khăn do phải dừng phương tiện đi lên cầu cạn vành đai 3 bán qua khu vực ngã 4 Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi để tránh rung lắc khi di chuyển phiến dầm. Không chỉ vậy, việc cẩu phương ngang phiến dầm còn phải tính toán hợp lí để không bị ảnh hưởng bởi gió thổi
Không chỉ có vậy việc lao dầm còn bị thách thức bởi những đoạn đường cong qua khu dân cư hoặc trên mặt sông, mặt hồ. Lao dầm qua hồ Hoàng Cầu được thực hiện trong tháng 1/2016, những phiến dầm được tập kết từ khu vực gần nhà ga Thái Hà sau đó di chuyển dần tới phía Đê La Thành
Hơn 800 phiến dầm được lắp đặt hoàn thiện trên toàn tuyến và hợp long vào ngày 8/10/2016
Đầu tàu mẫu của dự án Cát Linh - Hà Đông được giới thiệu và lấy ý kiến của đông đảo người dân vào ngày 29/10/2015
Người dân được trực tiếp nhìn thấy toa tàu mẫu với màu sắc và chất liệu thực tế và đóng góp ý kiến để sản xuất đoàn tàu cho dự án tại buổi trưng bày tại triển lãm Giảng Võ, Hà Nội
Hệ thống ray được lắp đặt trên tuyến từ tháng 8/2016
Tháng 2/2017 đoàn tàu đầu tiên của dự án về đến Hải Phòng và theo lộ trình đặc biệt để di chuyển về Hà Nội
Đêm 20 rạng sáng 21/2/2017, việc cẩu đoàn tàu đầu tiên lên hệ thống được thực hiện dưới sự chứng kiến của lãnh đạo bộ GTVT, Ban QLDA và đông đảo người dân
Do khu Deport tại Hà Đông còn đang xây dựng, hệ thống ray chưa thể kết nối nên đoàn tàu buộc phải cẩu lên và kéo vào nhà ga La Khê
Đoàn tàu đầu tiên của hệ thống và nhà ga La Khê được chọn là mẫu để giới thiệu cho mọi người vào ngày 20/5/2017
Tháng 9/2018, sau 4 lần trễ hẹn, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đóng điện và chạy thử liên động, đánh dấu hoàn thành cơ bản phần xây dựng, bước vào giai đoạn đánh giá an toàn và nghiệm thu, bàn giao. Thời gian thực hiện các thủ tục này kéo dài tới gần 3 năm
Chuyến chuyên chở mọi người trong quá trình vận hành liên động ngày 20/9/2018
Việc kiểm tra an toàn trong quá trình đánh giá các hạng mục, trong đó có việc đảm bảo an toàn cháy nổ và phối hợp thực hiện với các đơn vị chức năng thực hiện vào tháng 10/2020
Quá trình diễn tập và hoàn thiện việc ứng cứu khi xảy ra sự cố với các đơn vị chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, cấp cứu và hệ thống các xe buýt kết nối với nhà ga để đảm bảo an toàn
Cuối tháng 4, Tư vấn độc lập ACT (Pháp) cấp chứng nhận an toàn hệ thống kèm 16 nội dung khuyến cáo về an toàn cho dự án. Đây là chứng chỉ quan trọng, cơ sở cho các cơ quan nghiệm thu dự án. Tháng 10 vừa qua, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã chấp nhận kết quả nghiệm thu của Bộ Giao thông Vận tải, bước đánh giá cuối cùng để đưa dự án vào khai thác thương mại
Sau 10 năm chờ đợi, ngày 6/10 người dân Hà Nội sẽ có thêm một phương tiện công cộng sức chứa lớn để giảm tải trục giao thông từ Hà Đông qua Ngã Tư Sở tới Cát Linh và ngược lại.
Pháp luật và bạn đọc