MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chung cư vạn dân" chưa là gì, người Việt sẽ cảm thấy mình may mắn nếu nhìn vào những chung cư "chuồng chim" ở Hồng Kông

07-12-2016 - 10:08 AM | Tài chính quốc tế

Những căn hộ “tí hon” trong những tòa cao ốc chọc trời là giải pháp cho vấn đề nhà ở tại Hồng Kông trong nhiều thập niên qua, kéo theo một thế hệ người Hồng Kông trưởng thành từ những phòng ngủ ngoài hành lang.

6 người sống trong căn phòng 32 m vuông vẫn có chỗ cho thuê

Tại Hồng Kông, mọi khoảng trống đều vô cùng quý giá. Kiến trúc sư Gary Chang là người sinh ra và lớn lên tại Hồng Kông. Trong suốt thời thơ ấu, tuổi thơ của Chang gắn liền với căn hộ rộng 32m vuông nằm trong khu vực Kowloon. Đây là nơi ở của 6 người trong gia đình anh.

Căn hộ được chia thành 3 phòng ngủ, một nhà bếp và một phòng tắm. 5 thành viên khác trong gia đình Chang chia nhau 2 phòng ngủ trong khi bản thân ông phải nằm ngoài hành lang. Đáng kinh ngạc, phòng ngủ thứ 3 được gia đình này cho thuê để cải thiện thu nhập.


Những tòa cao ốc chọc trời ở Hồng Kông. Ảnh: Camera Press

Những tòa cao ốc chọc trời ở Hồng Kông. Ảnh: Camera Press

Theo Chang, những hộ gia đình như nhà anh không hề ít trong những năm 1970 ở Hồng Kông. “Ở thời điểm đó, nhiều người cùng nhau sống dưới một mái nhà. Chúng tôi được học cách nói thì thầm để không gây ồn ào và không gây mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình”, Chang chia sẻ về quá khứ đồng thời khẳng định tình hình ở Hồng Kông chưa được cải thiện mấy dù 4 thập niên đã trôi qua.

Những chiếc chuồng dành cho con người

Hồng Kông là một trong những nơi mà giá bất động sản cao nhất thế giới. Theo thống kê của chính quyền Hồng Kông, những căn hộ tý hon như nơi gia đình Chang sống nằm ở trung tâm Hồng Kông, đã tăng giá gấp đôi trong giai đoạn giữa năm 2007 và 2012, với mức trung bình lên tới gần 14.000 USD/m2. Đối với những khu cũ hơn, giá này cũng ở mức 11.000 USD/m2.

Vì dân số ngày càng tăng trong khi quỹ đất không tăng, người dân Hồng Kông đang phải đối phó bằng việc sống trong những không gian nhỏ. Một gia đình người Hồng Kông gồm 4 người thường phải sống trong những căn hộ rộng 50 m2. Những tòa chung cư cũng được xây cao hơn để đối phó với tình trạng khan hiếm chỗ ở.


Nhà lồng, nơi náu thân của những người nghèo khổ. Ảnh: Atlas Obscura

Nhà lồng, nơi náu thân của những người nghèo khổ. Ảnh: Atlas Obscura

Với người nghèo, họ thường phải thuê những cái gọi là nhà lồng, nơi chỉ phù hợp để kê những tấm đệm mỏng. Nó không khác gì những chiếc lồng chim với diện tích chỉ vừa đủ cho một người nằm. Chúng thường nằm trong những khu vực tăm tối với cơ sở hạ tầng yếu kém, gây nhiều rủi ro cho sức khỏe và an toàn của người ở.

Không ai ngờ, con người phải sống trong những ngôi nhà chẳng khác nào những chiếc chuồng nuôi thú, giữa đất Hồng Kông phồn hoa và hiện đại. Nó “phủ bóng đen” lên sự phát triển của Hồng Kông, gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo phải tìm ra giải pháp cho vấn đề đã tồn tại suốt nhiều thập niên qua.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Đặc khu Hành chính Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh, cam kết giải quyết vấn đề bằng việc xây dựng 92.000 căn hộ giá cả phải chăng ở Hồng Kông trong 5 năm tới. Giá cả là yếu tố quan trọng nhất quyết định những người thu nhập thấp có cơ hội mua hoặc thuê chúng hay không.

Sống chung với lũ

Trong lúc chờ sự thay đổi của chính sách, người dân Hồng Kông đang tìm ra những cách thông minh và sáng tạo để tăng cường không gian sống. Trong căn nhà của mình, Chang xây dựng hệ thống tường trượt, có thể kéo ra kéo vào giúp căn hộ trở nên hữu dụng hơn dù diện tích của nó chẳng hề thay đổi.

Tuy nhiên, việc cải tạo đột phá thường kéo theo những khoản chi phí khổng lồ mà không phải người dân nào cũng có thể chi trả. Với đại đa số, họ sử dụng cách đơn giản hơn là tận dụng không gian. Mọi khoảng trống trong ngôi nhà đều được tận dụng triệt để nhằm tăng cường diện tích sử dụng. Giường tầng hay các đồ vật xếp chồng lên nhau là giải pháp tỏ ra hữu dụng.


Người dân Hồng Kông không có lựa chọn nào khác ngoài sống chung với lũ. Ảnh: Camera Press

Người dân Hồng Kông không có lựa chọn nào khác ngoài sống chung với lũ. Ảnh: Camera Press

Maple Ma và chồng là Dave Li sống trong một căn hộ rộng khoảng 60 m vuông nhưng họ vẫn cảm thấy chật chội. Khi muốn mua một món đồ nào đó, họ luôn phải nghĩ tới việc sẽ vất món đồ nào đi hay nhét chúng vào đâu để có không gian chon món đồ mới. Đó là cuộc chiến trong mớ hỗn độn mà họ đã quen nhiều năm qua.

Trong khi đó, cuộc cách mạng lớn nhất xảy ra trong phòng bếp, nơi vốn luôn chật chội và thiếu thốn. Giải pháp cho những gia đình như vợ chồng Maple Ma là chiếc nồi đa dụng, có thể đảm trách các nhiệm vụ nấu nướng, rán hay thậm chí là rã đông. Nó thay thế bếp điện, lò vi sóng, lò nướng…. Sự góp mặt của loại nồi điện đa năng khiến không gian bếp trở nên gọn gàng hơn.

Theo một công ty hàng gia dụng, loại nồi đa năng đang có doanh số bán rất cao trong những năm qua. Với 40 nồi năm 2006, con số này đã tăng lên 100.000 chiếc được tiêu thụ trong năm 2015. Việc chuyển sang kinh doanh các mặt hàng đa dụng đang ngày càng ăn nên làm ra tại Hồng Kông bởi nhu cầu của người dân ngày càng tăng.

Linh Anh

BBC

Trở lên trên