MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Bản Việt: Câu chuyện huy động thành công 240 triệu USD vốn nước ngoài và bước chuyển mình đột phá về chiến lược và mô hình kinh doanh

Chứng khoán Bản Việt: Câu chuyện huy động thành công 240 triệu USD vốn nước ngoài và bước chuyển mình đột phá về chiến lược và mô hình kinh doanh

"Về mặt thực thi, Chứng khoán Bản Việt đang thực hiện những sự chuyển biến đột phá xoay quanh hai trụ cột. Thứ nhất là tập trung lớn hơn vào nhóm khách hàng cá nhân, thứ hai là chuyển đổi số", ông Tuấn Nhan cho biết

Trong 24 tháng qua, Chứng khoán Bản Việt (mã chứng khoán: VCI) đã huy động tổng cộng 240 triệu USD (khoảng 5.500 tỷ đồng) từ các định chế nước ngoài. Diễn biến này có ý nghĩa như thế nào đối với VCI? Chiến lược kinh doanh của VCI sắp tới là gì? Ông Tuấn Nhan - Giám đốc Điều hành Khối Môi giới và Giao dịch Chứng khoán - Khách hàng tổ chức VCI đã có những chia sẻ về những câu chuyện lớn này.

Chứng khoán Bản Việt: Câu chuyện huy động thành công 240 triệu USD vốn nước ngoài và bước chuyển mình đột phá về chiến lược và mô hình kinh doanh  - Ảnh 1.

Được ghi nhận trong 24 tháng qua, VCI đã huy động 240 triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài. Điều đặc biệt về thương vụ này là gì, thưa ông?

Điều đặc biệt đầu tiên có lẽ là về quy mô của thương vụ. 240 triệu USD quả thực là một con số lớn, và 100 triệu USD mà chúng tôi huy động được trong năm 2022 là một trong những đợt huy động vốn nước ngoài lớn nhất trong ngành chứng khoán. Thứ hai, thương vụ này cho thấy năng lực của chúng tôi trong việc đa dạng hóa nguồn vốn và tận dụng các nguồn vốn rẻ. Thứ ba, nó thể hiện sức thu hút ngày càng tăng của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài nhờ nền tảng cơ bản của Việt Nam ngày một trở nên mạnh mẽ hơn. Điển hình như mới đây tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định".

Yếu tố nào giúp VCI huy động thành công số vốn nước ngoài lớn như vậy?

Chúng tôi huy động số tiền này thông qua hình thức vay hợp vốn từ các định chế tài chính nước ngoài. Vì đây là các khoản vay nên đối với các đối tác của chúng tôi, sự an toàn là yếu tố tiên quyết.

Việc các đối tác cung cấp số vốn lớn cho chúng tôi cho thấy sự tin tưởng của họ về năng lực quản trị, kinh doanh và tài chính của chúng tôi. 

VCI đã đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn gì của các đối tác để đi đến sự tin tưởng đó?

Vì quy mô khoản vốn lớn nên trong quá trình làm việc, các đối tác đã làm due diligence (thẩm định soát xét chi tiết) rất khắt khe. Chúng tôi đã hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của các đối tác trong quá trình thẩm định này.

Thứ nhất, chúng tôi là một công ty chứng khoán được quản trị minh bạch và được dẫn dắt bởi HĐQT và đội ngũ lãnh đạo đầy kinh nghiệm. Thứ hai, năng lực kinh doanh của chúng tôi đã được khẳng định qua thời gian dài, nổi bật với tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, bền bỉ cũng như năng lực khai thác lợi nhuận trên vốn vượt xa trung bình của ngành chứng khoán. Thứ ba, chúng tôi có năng lực tài chính vượt trội với cơ cấu doanh thu và lợi nhuận đa dạng, không bị phụ thuộc quá mức vào một mảng kinh doanh nào, cũng như bảng cân đối kế toán lành mạnh. Chính vì những lý do trên, tất cả quy trình để hoàn thành thương vụ đối với VCI chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng so với mức thông thường là 5 tháng đối với dự án tương tự.

Chứng khoán Bản Việt: Câu chuyện huy động thành công 240 triệu USD vốn nước ngoài và bước chuyển mình đột phá về chiến lược và mô hình kinh doanh  - Ảnh 2.

Gần đây cơ quan quản lý có những động thái siết vốn vay nước ngoài chảy vào chứng khoán, bất động sản. Điều này có tác động gì đến những khoản vay hiện tại & tương lai của VCI?

Chúng tôi đã đọc dự thảo và thấy rằng, những động thái của cơ quan quản lý nhằm nắn dòng vốn đi đúng hướng, tập trung phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra nhằm giúp ổn định, minh bạch thị trường, do đó sẽ có ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp sản xuất, thương mại có tham gia vào hoạt động kinh doanh tài chính, chứng khoán.

Quan điểm của chúng tôi thì mỗi động thái của chính sách sẽ có mức độ tác động lên mỗi nhóm ngành nghề kinh doanh khác nhau. Mức độ tác động lên mỗi doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau tùy theo năng lực của mỗi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có uy tín, năng lực vượt trội đã được các định chế nước ngoài đánh giá cao như VCI sẽ gặp thuận lợi hơn về nguồn vốn.

VCI tin rằng bối cảnh hiện nay sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công ty cũng như việc triển khai các kế hoạch đã đề ra.

Mục đích sử dụng vốn của VCI sau khi huy động thành công vốn từ nước ngoài là gì? Những biến động không thuận lợi của thị trường gần đây có ảnh hưởng tới kế hoạch sử dụng các khoản vay vốn lớn này không?

Nguồn vốn chúng tôi huy động được sẽ bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của công ty, phần lớn trong đó sẽ phục vụ hoạt động vay giao dịch ký quỹ (margin).

Những biến động gần đây của thị trường không ảnh hưởng nhiều lên kế hoạch sử dụng vốn của chúng tôi vì chúng tôi vẫn nhận thấy dư địa lớn đối với nhu cầu vay margin từ khách hàng của chúng tôi.

Chứng khoán Bản Việt: Câu chuyện huy động thành công 240 triệu USD vốn nước ngoài và bước chuyển mình đột phá về chiến lược và mô hình kinh doanh  - Ảnh 3.

Phần lớn số vốn huy động được sẽ được sử dụng trong hoạt động cho vay margin, có phải chăng VCI đã thay đổi chiến lược và đặt hoạt động cho vay margin làm trọng điểm kinh doanh của công ty?

Tôi không đồng tình với nhìn nhận này. Cho vay margin là một trong những hoạt động quan trọng đối với một CTCK nhưng hoạt động kinh doanh của một CTCK không thể chỉ xoay quanh mảng này. VCI coi hoạt động cho vay margin là một dịch vụ mang tính cộng thêm để thỏa mãn nhu cầu khách hàng chứ không lấy nó làm trọng tâm của mô hình kinh doanh. Việc chúng tôi đầu tư thêm vốn cho hoạt động này xuất phát từ nhu cầu của khách hàng.

Nguyên nhân nào khiến VCI không muốn đặt mảng cho vay margin làm trọng điểm kinh doanh?

Điều này là bởi lẽ cho vay margin là một hoạt động kinh doanh mang tính rủi ro cao hơn so với các hoạt động kinh doanh khác trong khi tỷ suất lợi nhuận mang lại không tương xứng. Chính vì vậy, xây dựng mô hình kinh doanh xoay quanh hoạt động cho vay margin là không phù hợp về mặt tối ưu hóa tỷ suất lợi nhuận trên vốn cổ đông (Return on Equity – ROE) đi kèm quản trị rủi ro thận trọng – vốn là mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp.

Chúng tôi đã tận dụng nguồn vốn rẻ thông qua các khoản vay hợp vốn nước ngoài để phục vụ cho hoạt động cho vay margin chứ chúng tôi không huy động vốn chủ sở hữu – là nguồn vốn có chi phí cao – cho mục đích này, ngay cả vào những lúc thị trường sôi động nhất. Trong những giai đoạn thị trường trầm lắng, quy mô thanh khoản thị trường sụt giảm, thì vốn chủ sở hữu dư thừa đã được huy động để phục vụ hoạt động cho vay margin càng trở nên kém hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn duy trì cấu trúc doanh thu và lợi nhuận đa dạng, cân bằng, trải đều các mảng kinh doanh khác nhau như ngân hàng đầu tư, đầu tư, môi giới và cho vay margin.

Chính vì những quan điểm chiến lược trên mà VCI luôn duy trì được tỷ lệ ROE cao hơn mức 20%. Tỷ lệ ROE của VCI cũng thường cao hơn nhiều so với trung bình ngành, đặc biệt là trong những giai đoạn thị trường khó khăn. Tỷ lệ ROE 27% của VCI trong năm 2021 vượt xa mức trung bình 15% của ngành chứng khoán và tương đương ROE trung bình của các công ty kinh doanh hàng tiêu dùng hàng đầu đang niêm yết; tiêu dùng vốn là ngành kinh doanh thường có tỷ lệ ROE cao nhất.

Nếu vậy thì chiến lược cạnh tranh và những mục tiêu lớn mà VCI sẽ theo đuổi trong tương lai sẽ là gì, thưa ông?

Trong giai đoạn tới VCI sẽ tập trung nhiều hơn vào phân khúc khách hàng cá nhân sau khi đã thiết lập được vị thế số 1 trong phân khúc khách hàng tổ chức. Để thành công với hướng đi này, ưu tiên lớn nhất của chúng tôi ở thời điểm này là xây dựng một mô hình kinh doanh đặt khách hàng làm trọng tâm. Chúng tôi cho rằng đây là cách làm tạo ra nhiều giá trị nhất và bền vững nhất cho cả khách hàng lẫn cổ đông VCI.

Về mặt thực thi, chúng tôi đang thực hiện những sự chuyển biến đột phá xoay quanh hai trụ cột.

Thứ nhất là chuyển biến về mặt chiến lược với sự tập trung lớn hơn vào nhóm khách hàng cá nhân. VCI đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu được tin tưởng nhất trong ngành chứng khoán Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, được mang đến khách hàng bởi một đội ngũ bán hàng mạnh. VCI sẽ phát triển một hệ sinh thái sản phẩm tài chính đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của khách hàng, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, sản phẩm phái sinh, sản phẩm tiền gửi và quản trị gia sản (wealth management).

Thứ hai là chuyển đổi số (digital transformation). Trong việc đưa ra các quyết định, chúng tôi sẽ tận dụng phân tích dữ liệu lớn để tăng sự chính xác và hiệu quả. Về vận hành, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ tự động hóa và nâng cấp nhiều quy trình vận hành từ front office (khối tiếp xúc trực tiếp với khách hàng) cho đến back office. Ví dụ, chúng tôi đang nâng cấp nền tảng quản lý khách hàng để cải thiện hiệu suất của đội ngũ bán hàng. Về sản phẩm, dịch vụ dành cho khách hàng, chúng tôi sẽ tung ra những sản phẩm công nghệ mới và tốt hơn, thân thiện hơn với người dùng, điển hình như bảng giá tích hợp Master Trade và app giao dịch VCI Mobile S mà chúng tôi vừa tung ra. Đối với hoạt động marketing, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động trên các nền tảng số và xây dựng các cộng đồng trên mạng xã hội.

Chứng khoán Bản Việt: Câu chuyện huy động thành công 240 triệu USD vốn nước ngoài và bước chuyển mình đột phá về chiến lược và mô hình kinh doanh  - Ảnh 4.
https://cafef.vn/chung-khoan-ban-viet-cau-chuyen-huy-dong-thanh-cong-240-trieu-usd-von-nuoc-ngoai-va-buoc-chuyen-minh-dot-pha-ve-chien-luoc-va-mo-hinh-kinh-doanh-2022060907183524.chn

Phương Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên