Chứng khoán có thể vẫn chưa dứt chuỗi giảm, mua cổ phiếu bây giờ cần chú ý những thông tin này
Đà hồi phục nếu không đủ khả năng kích hoạt trở lại sự chú ý của dòng tiền thì sẽ tạo ra các bẫy tăng giá nguy hiểm đối với các hành động mua bắt đáy theo cảm tính.
Thị trường chứng khoán cuối tuần qua đã cho thấy một sự đảo chiều ngoạn mục của VnIndex. Dòng tiền bất ngờ đổ mạnh vào thị trường trong phiên chiều cuối tuần qua giúp các chỉ số đồng loạt tăng mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VnIndex tăng 5,11 điểm (0,72%) lên 712,62 điểm; Hnx-Index tăng 0,11 điểm (0,13%) lên 86,72 điểm và Upcom-Index tăng 0,11 điểm (0,2%) lên 56,56 điểm. Thanh khoản toàn thị trường cũng có sự cải thiện đáng kể với 224 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 3.750 tỷ đồng.
Sự khởi sắc của thị trường trong phiên chiều tuần trước khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng, nhịp điều chỉnh kéo dài 3 phiên đã kết thúc, họ vội vã mua vào cổ phiếu.
Trên thực tế, thị trường chứng khoán phiên cuối tuần trước bật tăng chủ yếu nhờ sự đóng góp quan trọng của nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng với hàng loạt mã tăng mạnh như BVH, CTG, VCB, BID, STB…Còn, toàn thị trường vẫn chưa thực sự lạc quan.
Vì thế, quyết định rót tiền mua cổ phiếu bây giờ, nhà đầu tư nhất định phải chú ý những yếu tố sau:
-Thứ nhất: Theo danh mục tái cơ cấu quỹ FTSE Vietnam ETF do Deutsche Bank quản lý, 3 cổ phiếu Việt Nam chính thức lọt rổ sau một thời gian dài đồn đoán. Những cổ phiếu đó là ROS, HBC, DXG. Việc ROS vào danh mục được mua thêm sẽ khiến làn sóng bán mạnh ở nhiều cổ phiếu lớn khác xuất hiện. Việc bán mạnh này có thể kéo theo hệ lụy về tâm lý trên toàn thị trường cũng như áp lực margin có thể sẽ xuất hiện.
-Thứ hai: Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước áp lực điều chỉnh dâng cao trong hai tuần giao dịch vừa qua. Thống kê của chúng tôi cho thấy, từ tầm giữa tháng 2 đến nay, số lệnh mua vào trên toàn thị trường hầu hết đều trên 70 nghìn lệnh, có lúc lên đến gần 78 nghìn lệnh nhưng đến phiên điều chỉnh thì số lệnh mua đã giảm mạnh trong khi đó, khối lượng trung bình một lệnh bán tăng lên.
Trạng thái thận trọng mua, bán phiên cuối tuần qua có phần cải thiện nhưng chưa rõ nét.
-Thứ ba: Rủi ro tỷ giá đang có dấu hiệu nóng trở lại. Thị trường tài chính Thế giới đang đồng loạt đưa ra nhận định về khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất ngay trong tháng 3 này. Trước đây, những đợt tăng lãi suất của Mỹ thường tạo ảnh hưởng không mấy tích cực tới diễn biến TTCK thế giới cũng như Việt Nam. Do đó, không ít nhà đầu tư chứng khoán hiện đang lo ngại về những biến động của thị trường khi FED nâng lãi suất.
Dù nhiều ý kiến của chuyên gia đáng tin cậy trên thị trường cho rằng ảnh hưởng thực sự, trực tiếp của vấn đề tỷ giá lên thị trường chứng khoán là không nhiều nhưng, rủi ro vẫn cứ là rủi ro và nhà đầu tư thận trọng luôn cần đề phòng. Đó là chưa kể đến, những năm gần đây, việc “té nước theo thời sự” là có thật. Mỗi khi có sự kiện lớn trên thế giới, dù là không ảnh hưởng mấy đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng những “tay to” cũng đều có động thái “rung cây” dọa những nhà đầu tư nhỏ lẻ, tạo áp lực bán lên những tài khoản luôn ở trạng thái “full margin”.
-Thứ tư: Cần thận trọng bẫy tăng giá. Đà hồi phục nếu không đủ khả năng kích hoạt trở lại sự chú ý của dòng tiền thì sẽ tạo ra các bẫy tăng giá nguy hiểm đối với các hành động mua bắt đáy theo cảm tính. Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, chuyên gia trên thị trường, nhịp điều chỉnh chưa kết thúc mà bẫy tăng giá đang hình thành. Ngoài ra, việc tăng giá của thị trường chung có thể chỉ nhờ sự đóng góp của cổ phiếu ngân hàng, nhờ ROS (do đã được vào ETF) còn, tài khoản của nhà đầu tư có thể vẫn bị suy giảm.