MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Mỹ bị bán tháo mạnh nhất kể từ tháng 6, đâu là nguyên nhân và điều này có ý nghĩa như thế nào đối với thị trường?

04-09-2020 - 13:50 PM | Tài chính quốc tế

Khi hoạt động đầu tư cổ phiếu bắt đầu trở nên sôi nổi, thì đến một lúc nào đó, "cơn sốt" rồi sẽ tan biến. Theo các chuyên gia, dù chưa rõ nguyên nhân thực sự đến từ đâu, nhưng rất có thể yếu tố thúc đẩy đà bán tháo là thông tin về vắc-xin và nhà đầu tư nhỏ lẻ ồ ạt "chạy trốn".

Chia sẻ với CNBC, các chiến lược gia nhận định rằng diễn biến của Phố Wall ở đêm ngày hôm qua là một điều dường như sẽ xảy ra, dù gần như không có nguyên nhân nào thúc đẩy việc bán tháo. Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong một thời gian ngắn, với hầu hết là cổ phiếu công nghệ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đứng đầu đà giảm là Nasdaq với 5%, trong khi S&P 500 mất khoảng 3,5%.

Steve Massocca – giám đốc điều hành tại Wedbush, cho hay: "Hãy đối mặt với nó. Nhóm cổ phiếu này đã ghi nhận đà tăng quá lớn và mức giảm này gần như không có tác động quá lớn. Nhìn vào bất kỳ biểu đồ nào bạn cũng thấy nhóm này thăng hoa như "tên lửa". Rõ ràng rằng họ có xu hướng muốn bán để chốt lời. Tôi không thể chỉ ra một lý do cụ thể đằng sau, nhưng nếu nhìn vào những cái tên này thì rõ ràng chúng đang ở trạng thái ‘quá mua’."

Massocca cho biết, tình trạng bán tháo ở phiên này có thể dễ dàng bị đổ lỗi cho lỗi máy tính và thuật toán, bởi nó diễn ra trên quy mô quá lớn. Hiện tại, một số cuộc thảo luận trên thị trường đang nói về việc diễn biến này có liên quan đến cuộc bầu cử. Trong khi đó, các nhà phân tích lại phản đối lý do này, dù việc Tổng thống Donald Trump nhận được lượng ủng hộ tích cực trong cuộc thăm dò đầu tuần là yếu tố tích cực đối với TTCK.

Ở phiên hôm qua, những "cái tên" nổi bật nhất trong lĩnh vực công nghệ đều rớt giá mạnh, Tesla, Apple, Amazon, Alphabet và Microsoft cùng mất từ 4-9%. Ed Keon – trưởng nhóm chiến lược gia đầu tư tại QMA, nhận định: "Cho đến nay, những gì tôi đã chứng kiến là một sự sụt giảm hoàn toàn tự nhiên và lành mạnh trong một thị trường đang tăng giá. Có những cổ phiếu tăng 3%, 4%, 5% từ ngày này qua ngày khác."

Keon cho biết không rõ quy mô của tình trạng bán tháo sẽ lớn đến mức nào. Ông nói: "Đối với tôi, tôi sẽ mua ròng ở mức vừa phải trong ngày hôm nay. Phố Wall đã tiến thẳng vào đợt hồi phục mạnh mẽ nhất mà tôi có thể nhớ trong cả quãng thời gian theo dõi. Vậy việc bán tháo có thực sự tồi tệ không? Chắc chắn là không."

Sức mua chững lại

Đà giảm ở phiên 3/9 diễn ra sau đà tăng mạnh hôm thứ Tư, được coi là một kiểu "hạ nhiệt" và là dấu hiệu cảnh báo đối với một số nhà đầu tư. Trong những tuần gần đây, tình trạng mua mạnh cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng đã diễn ra cả ở thị trường quyền chọn.

Julian Emanuel – trưởng nhóm chiến lược đầu tư chứng khoán và phái sinh tại BTIG, cho biết: "Mức độ tăng điên cuồng ở phiên ngày thứ Tư không như những gì chúng ta thấy trong toàn bộ chu kỳ này. Ngày hôm qua, cổ phiếu công nghệ lao dốc một loạt và đó là điều bất thường. Thậm chí, mọi thứ còn bất thường hơn khi bạn vừa chứng kiến nhóm này dẫn đầu đà tăng của ngày hôm trước, ngay cả khi đồng USD tăng giá, giá vàng giảm, thị trường dầu cũng bị bán tháo."

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ không chịu ảnh hưởng ở phiên 3/9 như công nghệ. Lĩnh vực năng lượng chỉ giảm 0,7%, tài chính giảm 1,6% trong khi công nghệ thông tin giảm 5,8% - ghi nhận ngày giảm đầu tiên trong 11 phiên.

Tom Lee – nhà sáng lập của Fundstrat, cho hay: "Tôi nghĩ rằng thị trường tăng giá đang lên và xuống trên một chiếc thang cuốn. Tôi cho rằng bán tháo là một kiểu chốt lời thường thấy và nó cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bất kỳ điều gì hay nền kinh tế đang chững lại."

Trong khi đó, Art Cashin – giám đốc điều hành sàn giao dịch tại UBS, cho biết một số thông tin về vắc-xin có thể đã ảnh hưởng đến cổ phiếu công nghệ từ hôm thứ Tư và tiếp tục gây áp lực. Ông nói: "Một số cho rằng đà sụt giảm của các ‘big tech’ là do Nhà Trắng đã gửi lưu ý đến các thành phố lớn rằng họ chuẩn bị phân phối vắc-xin vào đầu tháng 10." Điều này có thể không phải hoàn toàn lý do đằng sau, nhưng nó hợp lý.

Lee cho hay, có một giả thuyết cho rằng vắc-xin sẽ giúp "cổ phiếu tâm chấn" – vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, hồi phục và cổ phiếu công nghệ sẽ bớt "nóng" trong một thời gian hoặc không còn khả năng sinh lời. Nhóm "tâm chấn" bao gồm các hãng hàng không, công nghiệp và các cổ phiếu có tính chu kỳ khác. Ông nói: "Điều này rất lành mạnh. Tôi hài lòng khi chứng kiến những ngày như thế này."

Nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể là yếu tố thúc đẩy cơn bán tháo

Đợt tăng giá mạnh nhất của TTCK kể từ khi chạm đáy vào ngày 23/3 đã thu hút nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhóm này thường đứng ngoài khi thị trường bắt đầu thăng hoa từ năm 2009 hoặc còn quá trẻ để đầu tư. Giờ đây, những "ma mới" đã chịu ảnh hưởng nặng nề và điều đó có thể khiến họ bán ra nhiều hơn.

Emanuel nhận định: "Tôi cho rằng việc này sẽ còn tiếp diễn", những nhà đầu tư lớn khác vẫn đang ở vị thế có khả năng sinh lời cao. Ông nhận định thị trường dường như đang chuẩn bị cho một đợt giảm lớn ở Nasdaq, có nghĩa là Nasdaq là một quả bong bóng có xu hướng sẽ chứng kiến đợt bán tháo mạnh hơn. Ông cho rằng vì đã tăng mạnh vào tháng 8, thị trường hiện tại sẽ hấp dẫn và ở trạng thái lành mạnh hơn.

Các công ty điện toán đám mây, bán dẫn, phần mềm và công ty năng lượng mặt trời đều nằm trong số những cổ phiếu rớt điểm mạnh trên sàn Nasdaq hôm qua. Những cái tên nghìn tỷ USD thậm chí còn có thể bị bán tháo mạnh hơn nữa, nhưng các nhà phân tích cho biết nhà đầu tư đã "bấu víu" lấy các cổ phiếu như Apple và Amazon để có được sự an toàn cũng như tăng trưởng.

Lee cho hay, một phần lý do khiến nhà đầu tư đổ tiền vào những cổ phiếu này để có được sự an toàn là trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh kể từ tháng 3 và khiến nhóm này còn đắt hơn cả cổ phiếu. Với lãi suất 0, lợi suất trái phiếu cũng ở mức thấp và một số cổ phiếu mang lại lợi tức cao hơn.

Ngoài ra, xu hướng đầu cơ điên cuồng cũng bắt đầu "nóng" hơn sau khi Tesla và Apple chia tách cổ phiếu. Đây là những động thái mà lẽ ra không thúc đẩy diễn biến này. Cả 2 đợt chia tách này diễn ra sau khi phiên tối nay kết thúc. Trong khi đó, Emanuel nghĩ rằng thị trường cũng có thể đang cân nhắc về việc Washington không thông qua gói kích thích mới, khi Quốc hội liên tiếp không đồng thuận về quy mô. Ông cho biết, đôi khi tình trạng bán tháo có thể là lý do Quốc hội tiếp tục thảo luận nếu nó còn tiếp tục.

Tham khảo CNBC

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên