MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Mỹ không thể trụ vững trước biến động Ukraine, Dow Jones giảm gần 500 điểm nhưng chứng khoán tương lai đang khởi sắc

22-02-2022 - 22:03 PM | Tài chính quốc tế

Chứng khoán Mỹ không thể trụ vững trước biến động Ukraine, Dow Jones giảm gần 500 điểm nhưng chứng khoán tương lai đang khởi sắc

Trở lại sau 1 ngày nghỉ lễ, chứng khoán Mỹ có một khởi đầu với biến động không đáng kể bất chấp những động thái căng thẳng ở Ukraine sau quyết định mới nhất của Nga. Tuy nhiên, sự ổn định không thể kéo dài tới cuối phiên.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/2, Dow Jones giảm 482,57 điểm, tương đương 1,42% xuống còn 33.596,61 điểm. S&P 500 và Nasdaq cũng lâm vào tình cảnh tương tự giàm lần lượt là 1,01% và 1,23%. Dù có một khởi đầu không quá sốc nhưng chứng khoán Mỹ đã không thể duy trì được điều đó tới cuối phiên.

Trước đó, vào lúc 21h45 theo giờ Hà Nội, Dow Jones giảm 265,34 điểm, tương đương 0,78% xuống còn 33.813,84 điểm. Trong khi đó, S&P 500 giảm 0,4%, tương đương 17,47 điểm xuống còn 4.331,4 điểm. Nasdaq cũng chỉ giảm 0,36%, tương đương 48,21 điểm xuống còn 13.500 điểm.

Chứng khoán Mỹ không thể trụ vững trước biến động Ukraine, Dow Jones giảm gần 500 điểm nhưng chứng khoán tương lai đang khởi sắc - Ảnh 1.

Diễn biến của chứng khoán Mỹ thời điểm đầu "điềm tĩnh" hơn rất nhiều so với cú bán tháo trước đó trên toàn thị trường châu Á. Tuy nhiên, áp lực từ căng thẳng ở Ukraine, nhất là sau khi Nga công nhận nền độc lập của lực lượng ly khai, đưa quân đội mà họ mô tả là "lực lượng gìn giữ hòa bình" vào miền đông Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Moscow.

Trong khi đó, vào lúc 21h52, theo giờ Hà Nội, chứng khoán châu Âu lại đang bao trùm bởi sắc xanh. DAX của Đức tăng 19,02 điểm, tương đương 0,13% lên 14.750,14 điểm. FTSE 100 của Anh cũng tăng 0,47% trong khi CAC 40 của Pháp tăng 0,39%. Riêng Euro Stoxx 500 cũng tăng 0,47%. Sau phiên giảm mạnh hôm qua, MOEX của Nga cũng đã tăng 1,42% trong phiên giao dịch ngày 22/2. Đây là chỉ số tăng mạnh nhất ở châu Âu cho tới thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, màu xanh đã không thể duy trì cho tới cuối phiên giao dịch. Kết phiên, DAX giảm 0,26%, CAC 40 giảm 0,01% trong khi Euro Stoxx 50 giảm 0,01%. Chỉ riêng MOEX vẫn giữ được mức tăng 1,58%.

Chứng khoán Mỹ không thể trụ vững trước biến động Ukraine, Dow Jones giảm gần 500 điểm nhưng chứng khoán tương lai đang khởi sắc - Ảnh 2.

Ở một diễn biến khác, Dow Jones Futures đã tăng 156 điểm, tương đương 0,46% vào lúc 8h24 ngày 23/2 theo giờ Hà Nội. S&P 500 và Nasdaq Futures cũng đồng loạt tăng 0,57% và 0,78%.

Diễn biến của thị trường xảy ra khi phương Tây đồng loạt công bố các lệnh trừng phạt nhằm đáp trả quyết định mới nhất của Nga. Anh đã tuyên bố trừng phạt 5 ngân hàng của Moscow. Đức thì tuyên bố tạm hoãn phê duyệt đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga, dự án quan trọng nhằm dẫn khí tới châu Âu thông qua biển thay vì đi qua lãnh thổ các nước khác.

Trong khi đó, Mỹ cũng cho biết họ sắp công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời đe dọa sẽ thực hiện thêm các biện pháp khác nếu Moscow tiếp tục leo thang căng thẳng ở Ukraine. Tuy nhiên, chưa rõ các biện pháp của Mỹ sẽ nặng nề tới mức độ nào.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, đã phản hồi thông tin của Đức liên quan tới đến dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Ông Medvedev mô tả quyết định này là "dũng cảm" bởi nó sẽ khiến giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng vọt một cách nghiêm trọng.

"Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố dừng thông qua dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Tốt thôi. Chào mừng bạn đến một thế giới dũng cảm mới, nơi người châu Âu sẽ sớm phải trả 2.000 Euro cho 1.000m3 khí đốt", ông Medvedev nói.

Nord Stream 2 là đường ống dẫn khí dài hơn 1.100 km nối liền từ Nga tới châu Âu thông qua biển thay vì ngả Ukraine. Dù được hoàn thành từ tháng 9/2021 nhưng nó vẫn cần cái gật đầu của cơ quan quản lý Đức để có thể đi vào hoạt động và bơm khi vượt biển Baltic tới châu Âu.

Nord Stream 2 có thể cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Đó là hơn 50% mức tiêu thụ hàng năm của Đức và có thể mang về cho Gazprom, công ty quốc doanh của Nga, 15 tỷ USD.

Mỹ, Anh và Ukraine cùng một số quốc gia châu Âu phản đối dự án này ngay khi nó được đưa vào thi công năm 2015 bởi lo ngại châu Âu phụ thuộc hơn vào khí đốt của Nga. Đây cũng là lý do khiến dự án này nhiều lần hứng chịu những lời đe dọa hoặc bị các đồng minh của Đức gây áp lực.

https://cafef.vn/chung-khoan-my-bien-dong-nhe-chung-khoan-chau-au-xanh-muot-bat-chap-nhung-cang-thang-o-ukraine-20220222220313844.chn

Linh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên