Chứng khoán Mỹ tràn ngập màu xanh sau những biến động mạnh đầu phiên
Phục hồi sau những cú giảm mạnh trong phiên, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày giao dịch đầu tuần, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ ghi nhận mức tăng lớn.
- 08-12-2018Dow Jones mất hơn 500 điểm, mọi thành quả của năm 2018 đều bị "thổi bay"
- 07-12-2018Đợt thắt chặt tiền tệ có thể chậm hơn dự kiến, Dow Jones hồi phục sau cú giảm 780 điểm trong phiên
- 05-12-2018Lo ngại về kinh tế bao trùm thị trường, Dow Jones giảm gần 800 điểm
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở mức tăng 34,31 điểm với 24.432,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,2% lên 2637,72 điểm, Nasdaq Composite tăng 0,7% lên 7020,52 điểm/
Cổ phiếu của Facebook tăng 3,2%. Amazon, Netflix và Alphabet đều tăng hơn 0,6%. Trong khi đó, Apple tăng 0,65% dù trước đó là 2%.
Cổ phiếu của Apple giảm ở đầu phiên sau khi một toà án Trung Quốc chấp thuận đề nghị của Qualcomm, đưa ra lệnh cấm đối với việc bán 7 dòng iPhone trên thị trường. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các sản phẩm của Apple tại Trung Quốc như thế nào. Qualcomm cho biết yêu cầu này cấm nhập khẩu iPhone và bán các sản phẩm trên thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Apple cho biết lệnh này chỉ ảnh hưởng đến doanh số của các loại điện thoại sử dụng hệ điều hành cũ.
Ở mức thấp trong phiên, S&P 500 đã rớt xuống mức thấp nhất trong tháng 10. Sự sụt giảm của các cổ phiếu công nghệ thường dẫn đến việc các nhà đầu tư bán ra mạnh tay hơn, bởi rất nhiều chương trình máy tính được cài đặt để tự bán ra cổ phiếu ở các mức thấp như vậy.
Giới đầu tư đã chỉ ra một số lý do cho tình trạng bán tháo ở đầu phiên, bao gồm đường cong lợi suất phẳng và việc bỏ phiếu Brexit bị trì hoãn ở Anh. Thị trường đã rớt xuống mức thấp nhất trong phiên sau khi Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố trì hoãn một cuộc bỏ phiếu Brexit, trước đó được lên kế hoạch tổ chức vào thứ Ba tuần này. Hơn nữa, các nhà đầu tư cũng lo ngại về khả năng đường cong lợi suất đảo ngược là dấu hiệu của suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, các chiến lược gia tại MRB Partners cho rằng các nhà đầu tư có thể đã phản ứng thái quá với diễn biến của đường cong lợi suất của trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Diễn biến của thị trường trong phiên giao dịch ngày thứ Hai diễn ra sau một tuần đầy biến động. Chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều có diễn biến theo tuần tồi tệ nhất vào tuần trước kể từ tháng 3, do những lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cùng sự lo lắng về suy thoái kinh tế đang bao trùm Phố Wall.
Những lo ngại về mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư sau vụ bắt giữ CFO của Huawei vào tuần trước. Hôm Chủ nhật, Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phản đối về việc tạm giữ CFO của Huawei - bà Mạnh Vãn Chu. Vụ việc này có thể là một nguyên nhân ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong việc đạt một thoả thuận về thương mại.
Theo đó, chỉ số biến động Cboe đã tăng lên mức cao nhất là 25,94, sau đó quay về khoảng 22.