MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán nuôi hy vọng xanh trong nghi ngờ

Nếu xét trên khía cạnh hành vi, thị trường chứng khoán có lẽ đang đi vào mùa "nghỉ hè", hơn nữa mối quan tâm phần lớn cũng đang đổ dồn về mùa WorldCup, "thị trường tất nhiên không có thanh khoản, không có "big boy" phải điều chỉnh", một ý kiến cho hay.

Liên tục giảm điểm thậm chí hơn 41 điểm sau một ngày giao dịch, khối ngoại rút tiền, bất ổn từ tỷ giá… là những gì hiện hữu với thị trường chứng khoán (TTCK) hiện tại. Nhà đầu tư khủng hoảng, trong cơn bĩ cực chỉ số đã xuất hiện màu xanh.

Đi ngược thị trường châu Á, cuối ngày 4/7, chỉ số VN-Index hồi phục nhẹ song vẫn trong hiện trạng "thức tỉnh vô hồn" với thanh khoản thấp, chỉ 116 triệu khớp lệnh. Theo tay chơi lâu năm, thị trường dạng này được hiểu nôm na là tăng trong nghi ngờ, khi càng tiết cung, thị trường càng tăng - đó là hiện tượng thường thấy của nhịp sóng hồi.

Nếu xét trên khía cạnh hành vi, TTCK có lẽ đang đi vào mùa "nghỉ hè", hơn nữa mối quan tâm phần lớn cũng đang đổ dồn về mùa WorldCup, "thị trường tất nhiên không có thanh khoản, không có "big boy" phải điều chỉnh", một ý kiến cho hay.

Xét về tương lai, vẫn còn đó một niềm tin từ nhiều chuyên gia cho giai đoạn sắp tới. Bởi, nếu nửa đầu năm, TTCK tập trung vào kỳ cơ cấu của 2 quỹ ETF; thì trong nửa cuối năm, bên cạnh yếu tố dài hạn là nền kinh tế chung đang tăng trưởng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có yếu tố tích cực ngắn hạn cho giới đầu tư.

Điểm qua kết quả của một số doanh nghiệp đã công bố, tăng trưởng có Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vừa công bố tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 với sản lượng chế biến đạt 7,787 tấn tôm đông lạnh các loại, tăng gần 19% so cùng kỳ 2017. Doanh số tiêu thụ đạt 76.6 triệu USD, cũng tăng khá 25%. Được biết, hiện FMC đang tiến hành thu hoạch với các ao thả tôm trong tháng 4 vừa qua với kết quả rất khả qua. Theo FMC, nhìn chung 6 tháng đầu năm nay các mặt hoạt động đều khởi sắc, có tăng trưởng và hiệu quả tốt.

Tăng trưởng còn có doanh nghiệp cơ bản Vicoston (VCS), khi quý 2/2018, VCS ghi nhận doanh thu đạt 1,195 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 296 tỷ đồng. Nếu loại trừ các khoản thu nhập từ thoái vốn và hoàn thuế thu nhập thì doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VCS tăng lần lượt hơn 8% và gần 19%.

Nói về kết quả trên, VCS cho biết sở dĩ lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng như vậy nhờ cải tiến tốt công nghệ để hạ giá thành, đồng thời sản phẩm phân khúc giá cao chiếm tỉ lệ cao hơn năm 2017. Như vậy, ước tính nửa đầu năm, VCS đạt mức doanh thu hơn 2,160 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 514 tỷ đồng. So sánh với kế hoạch của năm, Công ty đã thực hiện được hơn 40% kế hoạch doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận.

Hay một đơn vị "rũ bùn đứng lên" Thế giới Di động (MWG) của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, 5 tháng đầu năm Công ty đạt 37,080 tỷ doanh thu thuần (tăng trưởng 43% so với cùng kỳ), doanh thu online đạt 4,578 tỷ đồng (tăng 110%). Tương ứng, lợi nhuận sau thuế đạt 1,289 tỷ đồng (tăng 44%).

Nếu chỉ cách đó 1 tháng, thị trường bất ngờ lung lay niềm tin khi ông Tài tuyên bố có những bước đi vội vã trong chiến lược phát triển chuỗi Bách Hóa Xanh, thì đến nay biên lợi nhuận gộp của Bách Hóa Xanh ghi nhận tiếp tục tăng trưởng, hướng đến mục tiêu 18% trong 6 tháng tới để đạt đến điểm hòa vốn EBITDA tại cửa hàng. Cụ thể, Bách Hóa Xanh đã ghi nhận biên lợi nhuận gộp ở mức gần 16% trong tháng 5/2018, so với hơn 14% của quý 1/2018 và 12% của cả năm 2017, điều này được nhiều chuyên gia ghi nhận đồng thời đánh giá cao "biết sai và sửa sai" kịp thời của MWG.

Đình đám hơn, có Tập đoàn Yeah1 (YEG) vừa lên sàn cũng đã hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng ấn tượng, Công ty đã đạt 35 triệu USD doanh thu, vượt cả năm 2017, lợi nhuận tương ứng đạt 3,5 triệu USD.

Hay "người anh cả" của thị trường là Tổng Công ty Phong Phú (PPG) cũng công bố ước kết quả 6 tháng tăng trưởng trong buổi hợp mặt đầu tư gần đây. Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo Tổng Công ty, 6 tháng đầu năm Công ty ghi nhận 1.749 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế tương ứng đạt 149 tỷ đồng. So với kế hoạch 4.270 tỷ doanh thu và 238 tỷ lãi sau thuế, Phong Phú đã lần lượt thực hiện được 41% và 63% chỉ tiêu cả năm. Với chiến lược trọng tâm là đẩy mạnh xuất khẩu, doanh thu xuất khẩu lũy kế 2 quý đầu năm 2018 Công ty ghi nhận 23,1 triệu USD, tập trung tại các sản phẩm chính như sợi, khăn, vải, may mặc… tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Thái Lan...

Mặc dù không góp mặt nhiều đơn vị trụ cột chỉ số, nhưng bấy nhiêu kết quả trên cũng cho thấy một sự nhẹ nhàng về tình hình kinh doanh hiện tại.

Còn nói về những mã trụ của TTCK, đầu tiên phải kể đến số ngân hàng đang niêm yết trên HoSE, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chiếm khoảng 25% vốn hóa của VN-Index. Quý 1, hầu hết các ngân hàng đều tăng trưởng mạnh 2 con số và thực hiện được từ 25-30% kế hoạch cả năm. Bước sang quý 2, kết quả kinh doanh của các ngân hàng tiếp tục nhận được nhiều dự báo khả quan nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô tích cực, mặt bằng lãi suất ổn định và tín dụng duy trì tăng trưởng tốt.

Một trụ cột khác, nhóm dầu khí cũng lạc quan cho bức tranh sắp tới khi giá dầu tiếp tục tăng trong 2 tháng đầu quý 2/2018. Việc giá dầu duy trì xu hướng tăng sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp ngành khí như GAS gia tăng doanh thu, lợi nhuận. Với doanh nghiệp ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí như PVS, PVD, tình hình kinh doanh cũng được kỳ vọng khả quan hơn khi các đơn giá dịch vụ có sự tương quan mật thiết với giá dầu.

Chứng khoán nuôi hy vọng xanh trong nghi ngờ - Ảnh 1.

Diễn biến giá dầu Brent thời gian qua.

Hay "họ" cổ phiếu bất động sản (BĐS) cũng được dự báo tiếp tục tăng trưởng. Được biết, giai đoạn 2018-2019 là thời điểm tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về KQKD. Về dài hạn hơn, trong một báo cáo thị trường gần đây, Chứng khoán BIDV (BSC) cũng lưu ý về Luật Thuế Tài sản mới của Bộ Tài chính đang đề xuất với việc áp thuế cho BĐS có giá trị trên 700 triệu đồng có thể làm thay đổi cục diện ngành trong 2-3 năm tới.

Tựu trung lại, mặc dù đang ở trong giai đoạn khá nhạy cảm, nhiều chuyên gia vẫn khuyên NĐT ổn định tâm lý, tránh trường hợp bán tháo quá đà. Bởi, nhìn chung TTCK vẫn duy trì đánh giá khả quan với các ngành ngân hàng, dầu khí, BĐS, xây dựng, công nghệ, điện và phân bón dựa trên những yếu tố vĩ mô vững chắc, nội tại từ phía doanh nghiệp và những sự kiện thoái vốn/tăng vốn/niêm yết.

Về vĩ mô, trong một bài phát biểu mới đây, ông Lê Đức Khánh - Kinh tế trưởng kiêm giám đốc chiến lược Chứng khoán Dầu khí (PSI) cũng từng nói: "Bất chấp những bất ổn địa chính trị thế giới, những biến động từ kinh tế vĩ mô hay những tác động tăng lãi suất của Fed hoặc điều mà nhà đầu tư đang lo lắng về việc khối ngoại bán ròng trong thời gian gần đây thì điều chúng ta nên lạc quan và đặt niềm tin nhiều hơn vào sức khỏe nền kinh tế Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như quá trình cải cách khu vực kinh tế tư nhân".

Ông Khánh theo đó khẳng định hoàn toàn tự tin về triển vọng TTCK 6 tháng cuối năm 2018, trong đó VN-Index sau khi tạo đáy ở mốc 925-930 điểm cách đây 3 tuần sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục trở lại vùng hỗ trợ mạnh 970-980 điểm, tăng dần trở lại vùng đỉnh cũ 1.200 điểm quý 3/2018 và vượt qua vào thời điểm cuối năm.  

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên