MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán tháng 8: Còn “dớp” tháng ngâu?

Lịch sử giao dịch tháng 7 âm lịch cho thấy đây là tháng khó khăn của TTCK. Tuy nhiên, bối cảnh mới năm 2016 với khá nhiều khác biệt như thanh khoản tăng mạnh, VN-Index vừa qua giai đoạn “thăng hoa” và sự tham gia tích cực khối ngoại có giúp xóa dớp tháng ngâu?

Thời điểm tháng 8 năm nay khá trùng khớp với tháng 7 âm lịch. Bên cạnh việc đối mặt với tình trạng thiếu vắng thông tin khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã đi về những chặng cuối, yếu tố tâm lý lo ngại về tháng ngâu cũng có thể tác động một phần tới thị trường.

Mặc dù dễ thấy hơn trong các ngành kinh doanh bất động sản, vật liệu xây dựng, ô tô,... nhưng thị trường chứng khoán một vài năm cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh về thanh khoản khi "tháng ngâu" về như những năm 2012, 2013.

Lịch sử giao dịch trong tháng 7 âm lịch cũng cho thấy đây là tháng khó khăn. Khá nhiều sự kiện "tình cờ" cũng xảy ra trong thời gian này như khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Đức Kiên, Cựu Thành viên hội đồng sáng lập ngân hàng ACB vào năm 2012; khởi tố, bắt giam ông Phạm Công Danh, Cựu Chủ tịch HĐQT VNCB - ngân hàng đầu tiên được NHNN mua lại với giá 0 đồng - vào năm 2014 hay vừa năm ngoái là sự kiện Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ.

Tuy nhiên, bối cảnh năm 2016 có nhiều điểm khác. Thanh khoản trên thị trường đã tăng mạnh so với các năm trước đó. VN Index vượt đỉnh 8 năm, tiếp tục xu hướng tăng và điều chỉnh giảm trong hai tuần cuối tháng 7 và ngay những ngày đầu tháng 7 này.

Khảo sát không ít thành viên thị trường, nhiều ý kiến tin tưởng xu hướng tăng điểm trong trung - dài hạn của thị trường nhưng lại khá thận trọng trong "tháng ngâu". Động thái tham gia tích cực của khối ngoại thời gian vừa qua là điểm sáng đáng chú ý và cũng là lý do nhiều chuyên gia nhận định lạc quan về thị trường ngay trong tháng 8 này.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Giám đốc – Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn khối KHCN CTCK Sài gòn (SSI) -Giai đoạn tháng 8, thị trường khó có động lực để đi lên.

Các yếu tố vĩ mô theo đánh giá của ông Minh chưa có nhiều điểm tích cực. Những chính sách và hành động rõ ràng hơn tác động lên tình hình vĩ mô vẫn là điều mà nhà đầu tư đang chờ đợi từ Chính phủ mới. Ông Minh cũng có quan điểm khá thận trọng đối với diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu. Dù các chỉ số trên TTCK Mỹ có tăng và xác lập đỉnh tương đối cao nhưng mức độ biến động lại khá hẹp, phản ánh phần nào tâm lý dè chừng của giới đầu tư thế giới.

Tâm lý "tháng ngâu" hay vùng trũng thông tin trên thị trường cũng là các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Theo quan điểm của ông Minh, yếu tố động lực thúc đẩy giá cổ phiếu sẽ thiếu vắng hơn giai đoạn trước. Những thông tin hỗ trợ từ KQKD quý II hiện đã phản ánh vào giá và hầu hết đạt kỳ vọng của nhà đầu tư tại nhiều cổ phiếu. Cùng với đó, một vài nhóm Midcap và Small cap, sau khi các cổ phiếu này được đẩy lên khá cao, giai đoạn tới sẽ cần thời gian điều chỉnh để cân bằng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia phân tích của SSI cũng nhấn mạnh một điểm sáng tích cực đối với thị trường hiện nay là việc khối ngoại tiếp tục giải ngân ròng. Riêng trong tháng 7 vừa qua, VN-Index trải qua giai đoạn vượt đỉnh 8 năm rồi sau đó điều chỉnh giảm. Khối ngoại vẫn tiếp tục động thái mua ròng là chủ đạo, với tổng giá trị mua ròng hơn 1.200 tỷ đồng.

Dù vậy, nhận định chung, ông Minh vẫn cho rằng thị trường tháng 8 sẽ khó có động lực để đi lên và thiên về xu hướng điều chỉnh giảm.

Giai đoạn 6 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian khá khó khăn đối với thị trường. Nhóm cổ phiếu VLXD, ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và dẫn dắt thị trường như những tháng đầu năm vừa qua. Cùng đó, thị trường có thể nhận được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính như chứng khoán, bảo hiểm. Ông Minh cho rằng dòng chứng khoán đang có yếu tố hỗ trợ tích cực từ kỳ vọng gia tăng thanh khoản thị trường khi dự kiến bổ sung cơ chế giao dịch mới và khả năng xem xét nâng hạng thị trường Việt Nam của MSCI. Thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây đang có những cải thiện lớn về mặt thanh khoản, ngay cả đối với các cổ phiếu Mid cap, Small cap.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Khối Phân tích CTCK Bảo Việt - Thị trường khó có thể tăng trưởng mạnh và thiên về xu hướng lình xình, đi ngang.

Về mặt thông tin, dư âm mùa kết quả kinh doanh quý II theo ông Bình sẽ vẫn còn tiếp tục tác động, ít nhất nửa đầu tháng 8 nhưng sẽ yếu dần. Yếu tố này sẽ tác động phân hóa đến diễn biến của các cổ phiếu.

Cùng với đó, yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối ổn định dù không gây tác động đột biến nhưng sẽ ngấm dần vào diễn biến một số dòng cổ phiếu liên quan. Điển hình như nhóm cổ phiếu khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ nhờ dòng vốn FDI giải ngân và đăng ký mới trong những tháng đầu năm tương đối đột biến. Yếu tố hỗ trợ từ cơ chế T+0 và bán chứng khoán chờ về sẽ có tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu chứng khoán dù gặp độ trễ khi đưa chính sách vào thực tế. Đây cũng đồng thời là yếu tố mang tính chất hỗ trợ trung hạn cho nhóm cổ phiếu chứng khoán, ông Bình nhận định.

Tuy nhiên, thị trường trong tháng này cũng sẽ đối mặt với các rủi ro mà nhà đầu tư cần quan sát thêm.Vị chuyên gia phân tích của BVSC cho rằng thị trường khó có thể tăng trưởng mạnh và thiên về xu hướng lình xình, đi ngang. Thị trường rơi vào trạng thái thiếu vắng thông tin có tác động lớn, nhất là sau mùa kết quả kinh doanh kết thúc vào trung tuần tháng 8. Cùng đó, diễn biến điều chỉnh của giá dầu thời gian qua cũng là yếu tố rủi ro đáng chú ý, có thể tác động tiêu cực tới nhóm cổ phiếu dầu khí.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khối KHCN CTCP Chứng khoán Bản Việt - VNM khó gánh cả thị trường, VN-Index tạo ra mặt bằng tích lũy và chờ đợi điểm bứt phá trong những tháng cuối năm.

Đánh giá dưới góc độ phân tích kỹ thuật, ông Đức cho rằng sau khi chạm ngưỡng 680 điểm, VN Index đã đảo chiều và đang nằm trong xu hướng giảm ngắn hạn. Mặc dù đánh giá khá lạc quan về triển vọng trung hạn của thị trường, nhưng trong tháng 8, ông Đức cho rằng các cổ phiếu hai sàn nhìn chung sẽ giao dịch lình xình do thiếu thông tin hỗ trợ khi mà mùa KQKD Quý 2 sắp kết thúc.

Xu hướng thị trường sẽ phụ thuộc vào sự điều tiết của các cổ phiếu vốn hóa lớn, với điểm nhấn là cổ phiếu VNM với yếu tố hỗ trợ đã mở room 100% cho NĐTNN. Theo dự báo sớm về các quỹ ETF, gần như chắc chắn VNM sẽ vào rổ ETF của FTSE và có khả năng sẽ vào rổ chỉ số của Vaneck. Trong trường hợp VNM - cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường- gia nhập danh mục, rất nhiều cổ phiếu khác đang nằm trong rổ có thể bị bán ra, ông Đức cho biết. Điều này có thể gây lo ngại và tạo lực cung ra thị trường trong nửa đầu tháng 9. Khi nhà đầu tư đang thận trọng về câu chuyện này, lực cầu cổ phiếu Bluechips (BCs) trong tháng 8 sẽ khó mạnh và phân hóa theo từng cổ phiếu.

"Một mình VNM khó gánh được cả thị trường trong tháng 8. Nhìn chung, thị trường lình xình, tạo ra mặt bằng tích lũy và chờ đợi điểm bứt phá trong những tháng cuối năm", vị chuyên gia của Chứng khoán Bản Việt cũng đưa ra cái nhìn khá thận trọng về thị trường chứng khoán trong tháng này.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư CTCK MSI lại có cái nhìn lạc quan hơn về thị trường trong tháng tới.

Theo ông Khánh, thị trường tháng 8 nhìn chung sẽ tốt, có thể điều chỉnh trong tuần đầu hoặc tiếp tục khi sang nửa tuần tiếp theo. Mặc dù VN-Index đã trải qua hai tuần điều chỉnh giảm sau khi đạt mốc 680 điểm nhưng theo ông Khánh thị trường vẫn đang trong giai đoạn uptrend, điều chỉnh ngắn hạn hiện tại mang tính chất kỹ thuật, tạm thời.

Trong giai đoạn thị trường đang có những khoảng trống thông tin và xuất hiện một số thông tin tiêu cực khiến áp lực bán ra mạnh lên. Đối với diễn biến thời gian tới, ông Khánh cho rằng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh ít nhất ở khoảng tuần đầu tháng 8. Từ giữa tháng trở đi, nhiều khả năng VN-Index sẽ tạo đáy và quay lại hồi phục. Việc FED giữ nguyên lãi suất cùng xu hướng mua ròng của khối ngoại cũng như việc nhiều quỹ nước ngoài đang tham gia vào giải ngân là những thông tin tích cực hỗ trợ thị trường.

Cũng đánh giá cao yếu tố tích cực từ khối ngoại, từ góc độ môi giới, ông Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng phòng môi giới chi nhánh Hải Phòng của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá cao động thái mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua và kỳ vọng lượng tiền mới có khả năng đổ vào thị trường trong thời gian tới. Trong tháng 7, riêng khối ngoại đã mua ròng 1.297 tỷ đồng. Đứng dưới góc độ quan sát của người môi giới, ông Tuấn Anh cũng cho biết bản thân ông đang tiếp nhận nhiều hồ sơ mở tài khoản của NĐTNN ngay tại Hải Phòng, hơn hẳn thời gian trước đây. Nhiều quỹ mới, NĐTNN đang đánh giá tiềm năng tăng trưởng của TTCK Việt Nam thời gian tới khá tích cực, đặc biệt nhờ các biện pháp thúc đẩy thị trường, đặc biệt là phương án đưa TTCK phái sinh vào hoạt động từ đầu năm 2017. Kết quả kinh doanh tốt trong quý II của nhiều doanh nghiệp có vốn hóa lớn được công bố trong thời gian vừa qua như HPG, VIC, VCB, VNM.. sẽ giúp hạ mặt bằng P/E Việt Nam về mức hấp dẫn hơn. Cùng với đó, triển vọng phê chuẩn hiệp định TTP của Mỹ vào thời gian tới là khá sáng sủa, dòng vốn FDI chảy mạnh vào thị trường Việt Nam trong khi sụt giảm đáng kể ở Thái Lan, sự tham gia của các nhà đầu tư Thái Lan trên thị trường bán lẻ,… cũng là những điểm sáng thu hút đầu tư.

Một số thông tin có phần tiêu cực thời gian gần đây như xét xử các vụ án kinh tế sẽ giúp làm thanh sạch hệ thống ngân hàng và hệ thống tài chính nói chung. Theo ông Tuấn Anh, điều này cũng có tác động lớn đến sự kỳ vọng của các NĐTNN về một môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn.

“Khi dòng tiền mới được kỳ vọng vào kích hoạt thị trường, ảnh hưởng của tâm lý tháng ngâu cũng sẽ có đâu đó nhưng không quá xấu như trong thời gian trước. Tâm lý của NĐTNN cũng không chịu ảnh hưởng của tháng ngâu”, ông Tuấn Anh nhận định.

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

Trở lên trên