MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán vẫn còn tiềm ẩn rủi ro

VN-Index tuần qua đã có mức giảm mạnh ngoài dự đoán khiến nhiều nhà đầu tư "trở tay không kịp"

Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua rơi mạnh ngay từ đầu tuần (ngày 15-4) với mức giảm sốc gần 60 điểm của VN-Index. 

Những phiên giảm liên tục sau đó khiến VN-Index mất tổng cộng 101,75 điểm (-7,97%), xóa tan thành quả gần 3 tháng đầu năm. Đây là tuần giảm điểm mạnh nhất của VN-Index kể từ tháng 10-2022.

"Lên thang bộ, xuống thang máy"

Thống kê từ Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho thấy cả 21/21 nhóm ngành trên thị trường đều giảm điểm. 

Trong đó, áp lực lớn nhất đến từ các nhóm ngành như: chứng khoán - giảm 12,59%, khu công nghiệp - giảm 11,31%, xây dựng - giảm 10,58%...

Trong khi đó, các nhóm ngành có tính "phòng thủ" ít bị ảnh hưởng hơn, như: hàng không - giảm 0,29%, dược phẩm - giảm 1,51%, công nghệ viễn thông - giảm 2,71%...

Theo khảo sát của các công ty chứng khoán, mức giảm "khủng khiếp" của thị trường tuần qua nằm ngoài dự đoán của tất cả chuyên gia, nhà đầu tư. Vì thế, nhiều người "trở tay không kịp", dẫn đến thua lỗ nặng nề.

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên gia thuộc Khối Nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), cho rằng thị trường chứng khoán đã bắt đầu "khó khăn" từ đầu tháng 4 và đỉnh điểm rơi vào tuần vừa qua. "Có thể nói, hiện tượng "Sell in May", còn gọi là tháng chốt lời, đã đến sớm.

Chỉ trong 1 tuần, thị trường đã đánh mất hết thành quả tăng trưởng trong 5 tháng. Điều mà nhà đầu tư thường nói là thị trường, cổ phiếu "đi lên bằng thang bộ, đi xuống bằng thang máy đã diễn ra" - ông Hưng ví von.

Chứng khoán vẫn còn tiềm ẩn rủi ro- Ảnh 1.

Chứng khoán trong nước giảm nhanh và mạnh chỉ trong 1 tuần khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP HCM, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán giảm sốc trong tuần qua, quét sạch thành quả tăng điểm của những tháng trước. 

Cụ thể, nhiều tin thiếu tích cực đã xuất hiện cùng lúc, như giá vàng liên tục lập kỷ lục, tỉ giá tăng nóng… Áp lực giá vàng càng làm tỉ giá nóng hơn, dẫn đến lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng tăng. Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu hút tiền về, kéo theo lãi suất tăng nhưng tỉ giá vẫn chưa hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng tỏ ra bi quan khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể thu hẹp các đợt cắt giảm lãi suất chỉ còn 2-3 lần trong năm 2024, thay vì 4-5 lần như kỳ vọng vì lạm phát của Mỹ chưa giảm như mong muốn. Lãi suất của Mỹ vẫn duy trì ở mức cao, khiến giá USD tăng mạnh, gây áp lực cho tỉ giá tại Việt Nam.

Ngoài ra, những bất ổn ở Trung Đông, đặc biệt là xung đột Iran - Israel leo thang, đã làm giá dầu tăng. Đây là yếu tố quan trọng gây lạm phát kỳ vọng trong tương lai khiến nhiều người đổ xô mua vàng và từ bỏ chứng khoán. Các quỹ đầu tư cũng liên tục bán ròng, gây áp lực lên thị trường chứng khoán.

TS Lê Đạt Chí cho rằng yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán lúc này là kinh tế Việt Nam vẫn tốt, với các chỉ số tăng trưởng về xuất khẩu, dự trữ ngoại tệ, kiều hối… Ngoài ra, tình hình kinh doanh quý I/2024 khả quan của các doanh nghiệp niêm yết và mùa đại hội cổ đông 2024 với nhiều thông tin tích cực sẽ giúp các nhà đầu tư sớm lấy lại cân bằng.

Vẫn có những tín hiệu tích cực

Điểm tích cực của thị trường chứng khoán tuần qua là việc khối ngoại quay lại mua ròng lượng cổ phiếu trị giá 680 tỉ đồng trong phiên cuối tuần, khi VN-Index giảm sâu về 1.175 điểm.

Các chuyên gia chứng khoán tin rằng về mặt kỹ thuật, vùng điểm này của VN-Index có thể giúp thị trường tìm được điểm cân bằng. Theo ông Ngô Quốc Hưng, với mức chiết khấu hơn 100 điểm của VN-Index tuần qua, nhiều cổ phiếu đã mất 20%-30% giá trị được xem là khá hấp dẫn để các nhà đầu tư cầm tiền mua vào nhằm nắm giữ nhịp tăng trung hạn 3-6 tháng.

Về ngắn hạn, đa phần các cổ phiếu cũng đã về "vùng quá bán". Nhà đầu tư đang có tiền mặt có thể bắt đầu lựa chọn những cổ phiếu giảm sâu nhất để "ăn ngay những nhịp hồi".

Những nhà đầu tư không may bị "kẹp hàng", tức đang nắm cổ phiếu giảm quá sâu, có thể tham gia "bắt đáy" từng phần để giảm lỗ.

"Nhà đầu tư cần chọn lọc kỹ lưỡng cổ phiếu có tiềm năng tốt và định giá hấp dẫn. Cần chia nhỏ vốn đầu tư và giải ngân từng phần để giảm thiểu rủi ro.

Những ai chưa kịp "thoát hàng" cũng không nên quá bi quan vì trong phiên cuối tuần qua, thị trường đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực" - ông Hưng nhấn mạnh.

Theo TS Phạm Anh Khôi, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Tài chính Bất động sản (FINA), những vấn đề về lãi suất, giá vàng, tỉ giá… vẫn đang gây khó khăn cho thị trường chứng khoán và chuyện căng thẳng ở Trung Đông là "giọt nước tràn ly".

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô Việt Nam đang tốt dần lên; thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng và đang trên đà hồi phục. Vì vậy, thị trường chứng khoán giảm sốc cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư "lỡ sóng" trong giai đoạn trước có thể mua được cổ phiếu tốt với mức phù hợp.

"Thông thường sau các đợt giảm sâu, thị trường sẽ đi ngang một thời gian để các nhà đầu tư quan sát và tìm điểm cân bằng. Giai đoạn này, các nhà đầu tư cá nhân cần tập trung phân bổ tài sản và quản lý tài chính thay vì lướt sóng ngắn hạn, rất dễ gặp thua lỗ" - TS Khôi nhìn nhận.

Với quan điểm thận trọng, ông Nguyễn Huy Phương, Công ty Chứng khoán Rồng Việt, dự báo những phiên tới, thị trường sẽ tiếp tục giằng co mạnh quanh đường MA200 (chỉ báo kỹ thuật phản ánh xu hướng dài hạn của thị trường). Tuy nhiên, không loại trừ rủi ro sụt giảm vẫn còn do áp lực bán vẫn lớn hơn so với lực mua vào. 

Thông tin vừa công bố về dư nợ cho vay margin tại 48 công ty chứng khoán tính đến cuối tháng 3-2024 đạt gần 191.300 tỉ đồng, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10% so với cuối năm 2023, khiến không ít người lo ngại. Bởi lẽ, nếu các công ty chứng khoán chủ động bán cổ phiếu để đưa dư nợ margin về tỉ lệ an toàn thì có thể khiến thị trường tiếp tục giảm mạnh.

"Nhà đầu tư cần thận trọng và giữ cổ phiếu ở mức an toàn, đồng thời quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá lại trạng thái của thị trường. Ưu tiên hiện tại của nhà đầu tư là vẫn nên cân nhắc những đợt hồi phục để cơ cấu danh mục nhằm giảm thiểu rủi ro" - ông Phương khuyến cáo. 

Nhiều yếu tố đáng ngại

Theo các chuyên gia từ MBS, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã kết hợp sử dụng cả hai kênh là OMO (nghiệp vụ thị trường mở) lẫn phát hành tín phiếu để điều tiết hệ thống. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm đang ở mức 4,9%, gần chạm trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 5%. Đây là mức lãi suất cao nhất của thị trường liên ngân hàng kể từ tháng 5-2023 đến nay.

Lãi suất các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng đang ở mức 4,8%-4,9%, trong khi kỳ hạn dài 6 tháng có xu hướng tăng, khi đang ở mức 4,5%. Đây đều là những thông tin kém tích cực đối với thị trường chứng khoán.


Theo Sơn Nhung

Người lao động

Trở lên trên