img

hạm vào người đọc và khiến chúng ta rung động hơn cả trong tiểu thuyết Rừng Na Uy, có lẽ là đoạn văn Haruki Murakami viết về một đêm mưa tháng Tư, trong căn phòng của Naoko, ngày sinh nhật cô 20 tuổi. Cô đã sợ hãi đến mức cần nhân vật chính Toru vỗ về bằng thân thể. Và họ đã chia sẻ, vượt qua nỗi sợ cùng nhau, bằng các hành động nguyên sơ nhất, nhưng cũng phát xuất từ những hiểu biết sâu sắc nhất về nhau, tích tụ từ những tháng năm thơ dại. Rất nhiều bạn trẻ đã tìm thấy sự đồng cảm ở đêm mưa ấy. Bởi tất cả chúng ta ít nhiều từng phải trải qua nỗi sợ tuổi trẻ của Naoko, thời điểm mà sự trưởng thành chỉ là một màn đêm tăm tối, mơ hồ.

Tuy vậy, nếu cần một sự so sánh, có lẽ những người trẻ thế kỷ 21 - những người sinh ra và lớn lên cùng Internet, smartphone và mạng xã hội - đang phải đối diện với màn đêm sâu thẳm hơn, vô định hơn, khi giai đoạn trưởng thành của chúng ta cộng hưởng thêm nhiều nỗi sợ mới.

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 2.

Người trẻ vẫn luôn phải sống cùng nỗi băn khoăn và sợ hãi vô hình về sự tồn tại. Nhưng có lẽ, so với những người trẻ như Naoko và Toru của thế kỷ trước, ngày nay nỗi sợ đó biểu hiện rõ ràng hơn, đa diện hơn. Đơn giản, bên cạnh đời sống thực tế, chúng ta có thêm môi trường hiện diện mới: Thế giới mạng.

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 3.

Những phát kiến khoa học mở ra trước mắt chúng ta một vũ trụ mênh mông vô tận. Nhưng nhận thức về sự nhỏ bé chỉ thật sự đến khi ta tiếp xúc với mạng xã hội. Không còn quẩn quanh trong các mối quan hệ gần gũi, ta có thể mở rộng liên hệ với bất kỳ ai trên địa cầu. Ta thấy mình ở trong một vòng tròn của những mối quan hệ khổng lồ và náo nhiệt. Chúng ta là một phần của mạng lưới, nhưng nếu một ai đó biến mất thì mạng lưới ấy cũng có ảnh hưởng gì đâu. Sâu trong cảm thức, mỗi cá nhân dần nhận biết sự tồn tại của chính mình bấp bênh và bé mọn thế nào.

Từ đây, nỗi sợ hình thành, biểu hiện theo hai hướng: Sợ mọi thứ trên Internet, và sợ không xuất hiện trên Internet. Không gian ảo vừa là nguồn gốc, vừa là xúc tác cho nhiều nỗi sợ khác nhau.

Internet và mạng xã hội đem đến cảm giác tự do. Chúng ta tin mình nắm quyền chủ động. Thực tế chúng ta lại bị chi phối bởi chính mạng lưới ấy. Hãy quan sát hoạt động trong ngày của một người trẻ: Sáng mở mắt, việc đầu tiên ta làm là chộp lấy điện thoại kiểm tra tin nhắn. Vừa ăn sáng, ta vừa dán mặt đọc email, kiểm tra xem ai like bài/ ảnh của ta trên Facebook, Twitter, Instagram. Ở giảng đường hay nơi làm việc, chốc chốc ta liếc mắt qua trang báo mạng ưa thích xem có tin tức gì mới. Và tất nhiên, sao có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của news feed, rồi ta cần thả tim, gõ vài bình luận dưới một clip hay một bức ảnh... Những hành động ấy lặp đi lặp lại tới khi ta vào giường ngủ. Trong tâm trí ta là dòng chảy liên tục của những hình ảnh, lời bình luận, số lượng like, cân nhắc xem sẽ phải đăng lên một thông tin nào để chung quanh chú ý và tương tác. Nhìn sâu hơn, đấy chính là nỗi ám ảnh về sự hiện diện. Viễn ảnh phải nằm ngoài các cuộc bàn tán và các sự kiện nóng sẽ khiến ta lo ngại, giống như bị lãng quên. 

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 4.

Từ âm thanh sinh học phát ra cho đến ngôn ngữ là hàng vạn năm. Từ ngôn ngữ cho đến truyền thanh là hàng ngàn năm. Từ truyền thanh đến truyền hình là hàng chục năm. Nhưng từ truyền hình đến Internet chỉ vỏn vẹn chưa đầy mười năm. Internet phát triển quá nhanh, vượt qua nhận thức về thời gian của con người. Các nhà khoa học cho biết bộ não con người không được thiết kế để chịu đựng các thay đổi trong cách thức liên lạc nhanh đến vậy. Như một phản ứng phòng vệ, các nỗi sợ hãi mới sinh ra một cách tự nhiên, được gọi bằng cái tên khá hợp thời là iFear. Bạn cho rằng cái tên này "ăn theo" các sản phẩm của Apple, hay diễn dịch thành Internet Fear, cũng đều hợp lý.

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 5.

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 6.

Những năm 90, ở Nhật xuất hiện khái niệm Hitokomori - những người trẻ chỉ muốn sống trong 4 bức tường, không đi học đi làm, không giao tiếp xã hội, và tất nhiên không lập gia đình. Vốn dĩ họ giống như mọi người bình thường khác. Nhưng do một sự kiện nào đó, thường là áp lực từ gia đình hoặc xã hội, khiến họ trở nên sợ hãi thế giới ngoài kia, từ chối trở thành một phần trong đó. Hitokomori thường được dùng làm ví dụ cho mặt trái của đời sống hiện đại. Trong mắt một Hitokomori, bước ra thế giới bên ngoài giống như lạc vào hành tinh xa lạ.

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 7.

Ở một lẽ nào đó, môi trường Internet là xúc tác cho nhiều nỗi sợ của các Hitokomori thế kỷ 21. Nhiều bạn trẻ cho biết họ cảm thấy thế giới là nơi cực kỳ nguy hiểm. Năm 2016, sau cuộc khảo sát ở hơn 100 nước với hàng trăm ngàn người tham gia, tờ Rolling Stone nhận định: "Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên sợ hãi". Hầu hết người được hỏi đều cho rằng thế giới hiện tại quá nhiều hiểm nguy, từ bệnh tật, tội phạm, thảm họa môi trường cho đến khủng bố, chiến tranh… Không tin ư? Hãy mở máy tính hay điện thoại lên, xem thông tin nào đầu tiên đập vào mắt bạn!

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 8.

Phân tích thêm các nỗi lo sợ bắt nguồn từ Internet, có thể thấy người trẻ chúng ta vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của chính mình. Mạng xã hội tiềm ẩn nhiều mối đe dọa. Những kẻ bắt nạt ngoài đời xem ra ít đáng sợ hơn so với những kẻ bắt nạt trên mạng. Bạo lực tinh thần ngày càng nghiêm trọng hơn. Chúng ta trở nên dè chừng bởi một hình ảnh ngớ ngẩn hay câu nói dại dột nào đó của bản thân cũng có thể trở thành đề tài đàm tiếu trên Facebook. Nỗi lo âu hình ảnh và uy tín bị hủy hoại là có thật. Ta lo lắng sự riêng tư bị xâm phạm. Tuy nhiên, ta không thể dừng thói quen phơi bày các khoảnh khắc riêng tư cũng như hứng thú đào bới sự riêng tư của người khác. Ai trong chúng ta chưa từng tung lên các hình ảnh ăn uống, tiệc tùng, du lịch, thậm chí cả trong phòng ngủ?

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 9.

Internet và mạng xã hội là vùng đất tự do. Nhưng tính ẩn danh của nó là nguồn cơn kích hoạt rất nhiều thói xấu: Đố kị, hung hăng, khoe mẽ… Ở một khía cạnh nào đó, người sử dụng các công cụ này đều có khả năng trở lại "tính ác" nguyên thủy, sẵn sàng lao vào nhau đả kích hay hùa vào đám đông nào đó để ném đá con mồi. Bằng các thông tin thật giả lẫn lộn, Internet còn biến con người thành những con rối mang cảm xúc thái quá. Chúng ta dễ dàng nổi giận vì một tin tức vu vơ chưa kiểm chứng, nối tiếp là nỗi thất vọng, buồn nản hoặc lo âu. Chuỗi phản ứng thường xuyên này dần dần biến thành trạng thái bất ổn, lan truyền theo mạng, tạo nên một môi trường căng thẳng dù cuộc sống thực tế vẫn tiến triển theo chiều hướng tích cực.

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 10.

Khác với cha anh, thế hệ Millennials có một nhận thức mạnh mẽ về sự quý giá của thời gian. Tuổi trẻ chỉ có một lần, vậy nên có một thôi thúc mạnh mẽ về việc tận hưởng và trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Trào lưu YOLO hay Rủ Nhau Đi Trốn là những minh chứng. Tuy nhiên, chính nỗi sợ "sống không đủ" này tạo nên kiểu áp lực mới. Nếu trước kia, cuộc sống cá nhân chỉ là của riêng mỗi người, thì nay đã khác. Chúng ta khao khát trải nghiệm nên dễ bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm mà người khác phô bày trên mạng. Chẳng hạn như khi thấy những ai đó du lịch, thưởng ngoạn, tức khắc trong đầu ta phác thảo ngay kế hoạch lên đường. Áp lực càng đè nặng khi người xung quanh đã thực hiện xong những chuyến du hành. Ta không muốn bị bỏ lại, ta sợ hãi bị xem là kẻ lạc thời, ta muốn nếm trải những điều đang được bàn tới. Ta nỗ lực để được như thế, dù đôi khi đó không hẳn là điều thực sự cần thiết cho ta.

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 11.

Tương tự, việc phải sở hữu những món đồ đắt giá, tận hưởng dịch vụ cao cấp cũng trở thành một kiểu áp lực mới. Dĩ nhiên có áp lực sẽ có nỗ lực phấn đấu vươn lên. Tuy nhiên, khi chưa đạt tới "chuẩn mực", nhiều bạn trẻ tủi thân, mặc cảm, buồn bã và cả lo sợ. Sống ảo là một giải pháp cho tình thế này. Thực sự, khi đọc những bài bóc mẽ ai đó sử dụng hàng fake, dùng đồ đi mượn để sống ảo, có lẽ chúng ta nên cảm thông hơn là chế giễu. Bởi sâu xa, những người trẻ ấy cũng là nạn nhân của nỗi ám ảnh từ thế giới mạng mà thôi. 

Chưa có thời đại nào mà đòi hỏi về diện mạo tác động đến từng cá nhân sâu sắc như hiện tại. Xấu xí, kém hấp dẫn, không hợp thời trở thành nỗi lo sợ không riêng với các cô gái mà cả các chàng trai. Bạn có cằm V-line chưa? Da bạn không trắng trẻo nhỉ? Bạn xấu hổ không khi quá to béo? Sao bạn dám khoác lên người bộ thời trang năm một ngàn chín trăm hồi đó? Những vụ "bóc phốt" sự khác biệt giữa hình ảnh thật ngoài đời và hình ảnh trên mạng không hoàn toàn đem đến tiếng cười. Nhìn sâu vào các sự vụ ấy, ta nhận ra cách mà thế giới mạng đang điều khiển chúng ta, mang đến vô số hệ lụy chua chát.

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 12.

Nhưng có lẽ, không có nỗi sợ nào kinh khủng bằng nỗi sợ "không thành công". Các nhà xã hội học chỉ ra đây chính là căn bệnh của thời đại. Định nghĩa thành công thời hiện tại đã thay đổi rất xa. Ngoài việc đạt được các mục tiêu về vật chất hay sự nghiệp, giờ đây, thành công còn hàm chứa nhu cầu được công nhận, được xã hội xung quanh ngưỡng mộ. Không đạt được mục tiêu này, hay nhận ra năng lực của bản thân có giới hạn, nhiều người trong số chúng ta rơi vào nỗi thất vọng sâu thẳm. Ta sợ hãi trước viễn cảnh mãi mãi là một kẻ nhỏ bé thoáng qua, một hình nhân vô nghĩa giữa cuộc đời. Vì sao tôi không được sinh ra ở gia đình tốt hơn? Vì sao tôi không giỏi giang như người khác? Hay vì sao tôi không thể may mắn như họ? Thay vì là động lực thúc đẩy phấn đấu, những câu hỏi ấy lại khiến rất nhiều người trẻ hôm nay dằn vặt bất an và mặc cảm nhiều hơn.

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 13.

Sợ là một phần bản năng con người. Chúng ta sinh ra với nỗi sợ được in trong nếp não, ghi trong mã gene. Bất kỳ ai cũng có giấc mơ bị săn đuổi hoặc rơi xuống từ trên cao - những ký ức tổ tiên truyền lại trong tiềm thức. Thời nguyên thủy, sợ hãi là công cụ sinh tồn mạnh mẽ. Nhờ có nỗi sợ, tổ tiên chúng ta đã không lao vào đầm lầy hay khu rừng đầy thú ăn thịt, không tự đốt mình khi đám lửa bùng lên.

Vậy, có nghịch lý không khi chúng ta đang sống trong một thế giới an toàn hơn, tuổi thọ con người ngày một cao hơn, sao nỗi sợ hãi vẫn không mất đi? Nhưng đó chính là quy luật: Cùng sự phát triển của xã hội loài người, các nỗi sợ cũng phát triển theo, thay hình đổi dạng. Theo thống kê của trang The Phobias List, có 530 nỗi sợ hãi từng được gọi tên. Bạn sẽ nhận ra gần như mỗi điều trong cuộc sống đều gắn liền với một nỗi sợ. Trong thời đại Internet, hàng trăm nỗi sợ mới sinh ra, gắn liền với các thiết bị và công nghệ hiện đại.

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 14.

Không có gì lạ khi các nỗi sợ lớn nhất của thế kỷ 21 đều liên quan đến trạng thái cô đơn và mất kết nối. Bởi vì đặc trưng của thời đại này là cuộc cách mạng công nghệ và thông tin liên lạc, lại diễn ra với tốc độ chóng mặt. Cũng giống như tổ tiên từng đắn đo trước một vùng đất lạ, bộ não chúng ta đang tiết ra những chất hóa học âu lo để nhắc nhở, ghìm cương ta lại trước một thế giới mới mẻ nhưng cũng đầy rẫy nguy cơ.

Có một nhận thức về nỗi sợ hãi rất hữu ích, được khái quát bằng câu nói nổi tiếng của Franklin D. Roosevelt: "Không có gì đáng sợ bằng bản thân nỗi sợ." Nỗi sợ không ở ngoài kia, mà nằm ngay bên trong chúng ta. Nỗi sợ là thứ thuộc về tinh thần, vì thế chúng ta sẽ vượt qua nó bằng chính sức mạnh tinh thần.

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 15.

Cách duy nhất để chiến thắng sợ hãi là đối mặt với nó. Trốn chạy không phải là lựa chọn. Hẳn bạn còn nhớ câu nói của người học trò với thầy trong phim The Karate Kid: "Con vẫn muốn lên thi đấu vì con còn sợ. Con không muốn ngày hôm nay kết thúc mà con vẫn còn nỗi sợ này. Dù thắng hay thua, con vẫn phải làm để con không còn sợ nữa." Hãy xác định bản chất của mỗi nỗi sợ và tìm cách tháo gỡ. Đừng xem nhẹ nỗi sợ, vì nó là mầm mống của những thứ tồi tệ hơn như trầm cảm, rối loạn nhân cách. Hãy đối xử với nỗi sợ của bạn như một vết thương. Cần quan sát, điều trị cho đến khi vết thương ấy khép miệng, trả lại cho bạn tinh thần lành lặn thực sự.

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 16.

Hiểu được cách thức thế giới mạng tác động đến trí óc, ta có thể ngăn chặn các tác nhân gây nên suy nghĩ tiêu cực và bi quan. Biết được cách vận hành, những lợi ích lẫn tác hại của Internet, cơ chế tạo ra các cảm xúc tiêu cực, những điều có thể tận dụng và những điều cần tránh, ta có thể tự hình thành cơ chế phòng vệ cho mình. Bằng cách bỏ theo dõi các trang mạng ồn ào, rời khỏi các hội nhóm gây tranh cãi, tập trung nhiều hơn vào những thói quen mang đến niềm vui thực chất, chính là cách ta tạo nên bầu khí quyển lành mạnh cho tinh thần. Ta cũng đừng quên, bảo vệ nhân cách thực của chính mình quan trọng lớn hơn việc xây dựng sự nổi tiếng bằng các thủ thuật mạng, cho dù sự nổi tiếng ấy là thứ nhiều người ước ao.

Và căn cơ hơn hết, ta cần có được sự cân bằng và an tâm về mặt tinh thần trong một thế giới không ngừng biến đổi. Đó có thể là niềm tin tôn giáo, một hứng thú nghệ thuật, hay cũng có thể là việc tìm kiếm, đào sâu thế giới bên trong chính mình. Nhưng quan trọng hơn cả, chúng ta cần duy trì mối liên hệ thực sự với những người xung quanh, như gia đình, bạn bè, như một ai đó ta hằng thương yêu. Nhất định phải có một ai đó để ta có thể chuyện trò, giãi bày vấn đề của bản thân. Và ta hãy mở lòng lắng nghe, chia sẻ với người khác khi họ gặp đe dọa...

Trên hành trình trưởng thành, cách hiệu quả nhất giúp ta vượt qua mọi hố thẳm sợ hãi, đơn giản là sống thật.

Bạn có thể bước ra khỏi thế giới ảo, để sống thật là mình, theo đúng cách bạn muốn không?

Chúng ta, một thế hệ sợ hãi - Sợ mọi thứ trên Internet, và cũng sợ không xuất hiện trên Internet - Ảnh 17.

Nam Lâm
Vũ Tuấn Anh
Vinh Hồ
Theo Trí Thức Trẻ5/1/2018

Theo Nam Lâm - Minh Họa: Vũ Tuấn Anh - Thiết Kế: Vinh Hồ

Trí thức trẻ

Trở lên trên