MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển 3 đoạn cao tốc sang đầu tư công: Ngân sách cần chi thêm hơn 23.000 tỷ

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có Tờ trình Quốc hội về điều chỉnh chủ trương đầu tư 3 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 từ đầu tư BOT sang đầu tư công.

Tờ trình được xây dựng trên cơ sở kết quả được thống nhất phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội xin chuyển từ kêu gọi đầu tư BOT sang đầu tư công 3 đoạn cao tốc Bắc – Nam gồm: đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (không có nhà đầu tư BOT qua sơ tuyển); đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (dài 63 km) và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99 km).

Trong đó, 1 đoạn không có nhà đầu tư nào qua sơ tuyển kêu gọi đầu tư BOT. 2 dự án còn lại được xếp theo diện quan trọng, cấp bách, kết nối với cửa ngõ các trung tâm chính trị - kinh tế lớn của đất nước.

Với việc thêm 3 đoạn đầu tư công, bên cạnh số vốn ngân sách 55.000 tỷ đồng đã bố trí theo kế hoạch trước đây, việc thêm 3 đoạn đầu tư công ngân sách nhà nước cần bố trí thêm khoảng 23.461 tỷ đồng. Nâng tổng số vốn ngân sách nhà nước phải bố trí cho toàn bộ 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam khoảng 78.461 tỷ đồng.

Nhờ mặt bằng đã giải phóng đạt 74%, dự kiến sẽ xong cơ bản trong tháng 6 này, một số phần mặt bằng còn lại sẽ xong trong quý III/2020, theo Chỉnh phủ, nếu được Quốc hội thông qua, 3 dự án chuyển sang đầu tư công có thể khởi công ngay trong tháng 9 tới. Cơ bản hoàn thành và thông xe vào cuối năm 2021.

Nếu được Quốc hội thông qua theo phương án trên của Chính phủ, trong 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, sẽ có 6 đoạn đầu tư công (gồm 3 đoạn đã khởi công: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2).

Tiếp tục kêu gọi đầu tư BOT với 5 đoạn cao tốc còn lại, gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông dài 654 km, trong đó có 3 đoạn đầu tư công, 8 đoạn kêu gọi đầu tư BOT. Tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước bố trí 55.000 tỷ đồng, khoảng 63.716 tỷ đồng còn lại huy động vốn ngoài ngân sách.

Tháng 10/2018, Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án, tổng mức đầu tư còn 102.513 tỷ đồng (giảm 16.203 tỷ đồng so với nghị quyết của Quốc hội).

Sau khi thêm 3 đoạn đầu tư công, tổng vốn đầu tư 11 đoạn dự án trên giảm còn khoảng 100.816 tỷ đồng, do giảm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng.

Trong đó gồm các chi phí xây dựng, thiết bị: 67.923 tỷ đồng; Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 15.435 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác: 7.781 tỷ đồng; Chi phí dự phòng: 8.354 tỷ đồng; Lãi vay trong giai đoạn xây dựng: 1.323 tỷ đồng.

Trước đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 phương án về chuyển đổi chủ trương đầu tư 1 số đoạn cao tốc Bắc Nam từ BOT sang đầu tư công gồm: chuyển đổi toàn bộ 8 dự án từ BOT sang đầu tư công; chuyển 5/8 dự án BOT sang đầu tư công; và chuyển 3/8 dự án từ BOT sang đầu tư công.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên