Chuyện bột rau má, gáo dừa, phồng tôm Việt “ngao du” thế giới
Bột rau má sấy lạnh, phở - bánh phồng tôm, gáo dừa… là những sản phẩm Việt đã "đặt chân" tới nhiều quốc gia trên thế giới vì chinh phục được khách hàng ngoại quốc.
- 10-07-2020Thaco tiếp tục xuất khẩu ô tô qua Thái Lan, dự kiến cả năm đạt 560 xe
- 27-06-2020Biên giới dần mở cửa, AEON đặt mục tiêu xuất khẩu 450 triệu USD sản phẩm Việt Nam ra thế giới
- 17-06-2020Vinamilk là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sản phẩm sữa vào Nga và Liên minh Kinh tế Á Âu
Bột rau má Việt tới Hà Lan
Xuất phát điểm là cử nhân tài chính nhưng chị Nguyễn Ngọc Hương, một cô gái trẻ ở Củ Chi, TPHCM, đã quyết định rẽ hướng và khởi nghiệp với việc sản xuất bột rau sấy lạnh bởi chị Hương nhận thấy những giá trị mà bột rau mang đến cho sức khỏe con người.
Cô gái Thanh Hóa thành lập Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt từ năm 2016, chuyên sấy lạnh 6 loại bột rau gồm rau má, tía tô, diếp cá, chùm ngây, lá sen và trà xanh. Chị Hương tâm sự, phải mất 1 năm để công ty xây dựng vùng nguyên liệu tại tỉnh Tiền Giang và huyện Củ Chi (TPHCM). Trước dịch Covid-19, mỗi tháng, Công ty dùng 60 tấn rau để làm bột sấy lạnh.
Theo chia sẻ của chị Hương, bột rau má uống liền, cùng bột rau tía tô, trà xanh đã đến đất Hà Lan vào tháng 11/2019 với số lượng hơn 2.000 gói/hộp. Còn tháng 6 vừa rồi, số lượng xuất khẩu đi Hà Lan tăng gấp đôi với 4.200 hộp.
Chị Hương cho biết thêm, tháng 7 tới, công ty của chị sẽ xuất khẩu sang Mỹ nhưng với hình thức gia công vì "đã hứa với đối tác từ 2 năm trước".
Ở kênh phân phối trong nước, chị Hương cho hay, doanh nghiệp của chị đang có kế hoạch phân phối vào các siêu thị để mang sản phẩm bột rau má, rau tía tô uống liền cho nhiều người Việt hơn.
Chia sẻ về những tiêu chuẩn mà đối tác Hà Lan yêu cầu, chị Hương cho biết, phía đối tác yêu cầu sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có các tiêu chuẩn Việt Nam, các thông tin minh bạch.
"Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ chứng nhận tiêu chuẩn để thương mại hóa. Đồng thời, sản phẩm cần có mẫu mã bao bì đẹp mắt và chất lượng", CEO Quảng Thanh cho biết.
Chị Hương nêu ra lưu ý khi xuất khẩu các mặt hàng tương tự sang Hà Lan. Đó là tiêu chuẩn phải rõ ràng, các thông số chính xác – dễ hiểu. Trước khi xuất hàng, hai bên cần nói rõ với nhau về những chi phí phát sinh liên quan đến logistics, phí tàu…. Và người bán hàng ở Việt Nam cũng cần xem xét rất rõ những chi phí này để có những tính toán kỹ, tránh tình trạng xuất khẩu một lô hàng nhưng không có lời vì những phí phát sinh.
Gáo dừa Việt Nam tới Mỹ, Nhật
Gặp anh Nguyễn Ngọc Anh, nhà sáng lập Viet Lacquer trên đất Thái cuối năm 2019 khi anh Ngọc Anh đang hào hứng giới thiệu sản phẩm khay để bàn, bình hoa, khung ảnh… làm từ gáo dừa trong hội chợ Bangkok Style ở Thái Lan.
Anh Ngọc Anh chia sẻ, các sản phẩm thủ công do doanh nghiệp của anh, Công ty TNHH Viet Lacquer Interior, sản xuất đã "bay" tới nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, Nhật và Israel.
Anh Ngọc Anh cho biết, các thị trường mà sản phẩm của công ty anh xuất khẩu sang đều là những quốc gia lớn, người tiêu dùng khó tính. Bởi vậy, việc sản xuất sản phẩm đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, cẩn thận.
Hiện Viet Lacquer đã liên doanh với một số nhà máy sản xuất có đủ điều kiện để làm ra những sản phẩm có đầy đủ tiêu chuẩn vào các thị trường khó tính. Theo anh Ngọc Anh, đa số doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các tập đoàn lớn họ đưa ra những điều kiện khắt khe, do đó, đầu tư vào sản phẩm, liên kết với các nhà máy lớn là một trong những yếu tố cần thiết để đưa sản phẩm đi xa.
Viet Lacquer thành lập từ năm 2009 và đi vào hoạt động từ năm 2010. Đến năm 2012, công ty bắt đầu xuất khẩu sản phẩm. Hiện công ty có nhà máy ở Phú Xuyên, Hà Nội. Nhân sự chính của doanh nghiệp chỉ dưới 10 người, còn lại là làm bán thời gian.
Đến với Bangkok Style, anh Ngọc Anh hy vọng sẽ tìm được thêm đối tác để đưa sản phẩm làm từ gáo dừa đi xa hơn nữa.
Mang phồng tôm, phở đi ngao du thế giới
Các sản phẩm như phồng tôm, bánh tráng, bánh phồng tôm của Công ty CP Thực phẩm Bích Chi (tại Đồng Tháp) với thương hiệu Bích Chi đã tới hàng chục quốc gia châu Âu, châu Á. Xuất khẩu từ năm 1998, đến nay, sản phẩm mang hương vị Việt của Bích Chi đã được nhiều người biết đến.
Nói về những khó khăn khi xuất khẩu các mặt hàng trên tới các thị trường lớn, ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Bích Chi, chia sẻ rằng để vào được các thị trường khó tính, thời gian đầu rất khó khăn. Lý do là công ty chưa nắm được yêu cầu của khách hàng, yêu cầu của nước sở tại. Điều đó đồng nghĩa với việc, người bán chưa hiểu người mua.
"Xuất khẩu khó nhất vẫn là các thị trường như Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác. Để xuất khẩu được, nhà sản xuất phải tuân thủ hàng rào kỹ thuật, đảm bảo chất lượng cho đối tác", ông Bình chia sẻ.
Và nhờ coi chất lượng, an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật và các yêu cầu khác, Bích Chi đã xuất khẩu sản phẩm từ năm 1998.
Ngoài các sản phẩm trên, Bích Chi còn sản xuất nhiều loại sản phẩm bán trong nước như bột gạo lứt, hủ tiếu bột lọc, bột đậu các loại, cháo gạo lứt muối mè, bột mè đen, bột năm thứ đậu… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.