Chuyện chưa kể của một vendor cấp 1 cho Samsung: Chủ tịch HĐQT trực tiếp đứng máy nửa tháng liên tục, làm thâu đêm
Để mô tả áp lực khi là nhà cung ứng cho Samsung, ông Phạm Cao Vinh, Chủ tịch HĐQT CTCP in và bao bì Goldsun nói rằng có thời điểm 15 ngày liên tục phải "trực chiến" tại dây chuyền sản xuất. "Ròng rã 2 tuần gần như không ngủ, làm thâu đêm", ông Vinh nhớ lại.
- 08-11-2018Chính sách xây vườn ươm sáng tạo kỳ lạ của Samsung: Cho phép nhân viên lập startup bằng tiền của công ty
- 30-10-2018Chân dung “Thái tử Samsung” và lời trần tình xúc động trước tòa án
- 30-10-2018Thủ tướng đề nghị Samsung biến Việt Nam thành "cứ điểm chiến lược lớn nhất toàn cầu"
Lời giải cho bài toán con gà hay quả trứng có trước
Ông Phạm Cao Vinh, Chủ tịch HĐQT Goldsun nói rằng ở thời điểm hiện tại ông làm việc không phải vì tiền. Điều ông nhận là niềm vui khi đạt được thành công. Goldsun hiện là một trong số những doanh nghiệp Việt Nam hiếm hoi tham gia vào chuỗi giá trị của Samsung với vai trò nhà cung ứng (vendor) cấp 1.
Ông Phạm Cao Vinh, Chủ tịch HĐQT Goldsun
Goldsun hợp tác với Samsung từ năm 2010. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 20% vỏ hộp điện thoại Samsung do doanh nghiệp này cung cấp.
Mỗi chiếc vỏ hộp hiện có giá dao động quanh 2 USD. Nếu so sánh với giá thành điện thoại khoảng 1.000 USD, vỏ hộp chiếm 0,2% giá trị. Với mức 0,2% giá trị trên chiếc điện thoại và 20% thị phần, trung bình, doanh nghiệp Việt đóng góp được 0,04% vào giá trị điện thoại.
Mỗi chiếc vỏ hộp có giá dao động xung quanh 2 USD
Dù con số này là rất nhỏ nhưng để chen chân vào chuỗi, doanh nghiệp phải bỏ ra không ít công sức, chưa kể có thể bị thay thế bất cứ lúc nào. Hiện Golsun phải cạnh tranh với ít nhất 5 đơn vị cung ứng khác trong lĩnh vực này, bao gồm 1 doanh nghiệp Việt và 4 doanh nghiệp ngoại.
Đầu năm 2018, Goldsun cho biết từng đầu tư 1.400 tỷ đồng phục vụ sản xuất. Và mới nhất, sáng 16/11, doanh nghiệp này đã khánh thành nhà máy in và bao bì thứ 3 tại Quế Võ, Bắc Ninh, bên cạnh Goldsun Hà Nội và Goldsun Đại Đồng.
Nhà máy mới, đã được đầu tư 500 tỷ đồng cho giai đoạn 1. Hình ảnh về Samsung được biểu thị rất rõ nét tại đây.
Bức tường được trang trí bởi vỏ hộp điện thoại Samsung
Nhà máy được ông Phạm Cao Vinh nhấn mạnh đạt chuẩn quốc tế, phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Việc đầu tư là cần thiết, ông Vinh nhấn mạnh, và cho biết bản thân sẵn sàng cho điều này, dù rằng chi phí mỗi năm ước tính có thể tăng khoảng 40 tỷ đồng.
"Tôi sẵn sàng hy sinh lợi nhuận. Nó xuất phát từ quan điểm khác biệt trong đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài hay các doanh nghiệp khác trong nước. Nó là một kế hoạch dài hơi", ông nói.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài, vì nhiều lý do, trong đó có cả câu hỏi Samsung sẽ ở Việt Nam bao lâu, nên khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam chọn cách thuê nhà xưởng, sử dụng các thiết bị cũ, thay cho việc phải xây dựng nhà máy mới.
Theo ông Vinh, in ấn là ngành công nghệ cao, thay đổi liên tục, nếu không đầu tư sẽ bị tụt hậu rất nhanh. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chấp nhận rủi ro, thậm chí là liều để chạy đua trong cuộc chơi.
"Con gà đẻ quả trứng trước hay quả trứng đẻ con gà? Mình dám làm con gà để đẻ trứng thì sẽ thành công, còn đợi quả trứng nở thành gà thì không có đâu", ông nói.
Bên cạnh Samsung, Golsun còn là đối tác cung ứng bao bì cho nhiều doanh nghiệp FDI khác, đơn cử như Canon, Brother, Pepsi... Tuy nhiên, cơ cấu doanh thu của sản phẩm cung ứng cho Samsung vẫn chiếm 50% trong 3 năm gần đây.
In ấn và bao bì, bên cạnh kinh doanh nhà hàng, ẩm thực đang tăng trưởng nhanh và có đóng góp lớn trong cơ cấu ngành kinh doanh của doanh nghiệp này. Đối với sản xuất đồ gia dụng, Goldsun đang đi ngang.
Trở thành đối tác của Samsung khó đến mức nào?
Hiện nay Việt Nam có tổng cộng 29 doanh nghiệp nội địa là vendor cấp 1 cho Samsung so với con số 4 của năm 2014. Đến năm 2020, số lượng này dự kiến tăng thành 50.
Trở thành đối tác của Samsung, cần có sự chuyên nghiệp, đầu tư lớn và phải làm hết sức mình, theo ông Vinh. Bởi nếu doanh nghiệp không "làm thật" thì sớm hay muộn với tiêu chí đo lường chặt chẽ của Tập đoàn công nghệ này, sẽ bị "đánh bật".
Từ kinh nghiệm của mình, ông Vinh nói rằng các doanh nghiệp Việt yếu về sức cạnh tranh, chất lượng, thời gian giao hàng. Vấn đề về giá cả, thực tế được đặt sau tiêu chí về chất lượng và thời gian.
"Giá cả không phải vấn đề lớn với Samsung", ông nói và cho biết tập đoàn này còn chú trọng đến môi trường lao động cũng như vấn đề quyền con người. Ở Goldsun, không khó để thấy các công nhân nữ, đang mang thai, ở các dây chuyền cho phép sử dụng ghế ngồi.
"Doanh nghiệp Việt nếu không đủ sức đầu tư sẽ không tham gia được", Chủ tịch HĐQT Goldsun nói.
Tuy nhiên, Samsung theo ông Vinh cũng là một trong số những doanh nghiệp FDI có thiện chí hỗ trợ đào tạo chuyển giao công nghệ. "Samsung có tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, kể cả giám đốc và quản lý cũng xuống nhà máy để cùng làm việc, hướng dẫn", ông nói.
Tháng 7 vừa qua, Samsung đã kết thúc khoá đào tạo đầu tiên cho 25 chuyên gia tư vấn Việt. Tập đoàn này cam kết hỗ trợ đào tạo 200 chuyên gia tư vấn người Việt có đủ năng lực để đào tạo và tư vấn cho các doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp toàn cầu.
Trước đó, Samsung thường hỗ trợ chuyên gia tư vấn của Tập đoàn hỗ trợ cho các doanh nghiệp có tiềm năng, trong 12 tuần, để tăng cường năng lực cho các đơn vị này tham gia chuỗi cung ứng linh, phụ kiện.
Việc sản xuất cùng Samsung sẽ giúp doanh nghiệp Việt được nâng tầm, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cũng như học cách quản lý doanh nghiệp mà theo ông Vinh, là ước muốn không chỉ của Goldsun mà còn là của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác.