Chuyện đọc hết 3 tờ báo mới đi nổi từ Quận 7 đến Quận 3 của GĐ trường FulBright đến dự án dữ liệu lớn về giao thông đầu tiên được quỹ Vingroup rót tiền tỷ
"Cách đây 15 năm, đi từ nhà ở Quận 7 đến cơ quan ở Quận 3 tầm 10 cây số, tôi đọc hết một tờ Tuổi trẻ thì tới nơi. 3 - 4 năm sau đó, bên cạnh tờ Tuổi trẻ, tôi phải đọc hết tờ Thanh Niên mới tới nơi…", Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Vũ Thành Tự Anh trải lòng. Đến thời điểm hiện tại, bên cạnh 2 tờ báo trên, ông Tự Anh phải đọc thêm một tờ Pháp luật TPHCM mới đi qua nổi quãng đường 10 cây số - chậm hơn cả tốc độ xe đạp.
"Lộ thông thì tài thông. Khi đường sá thông thoáng, tốc độ di chuyển nhanh thì kinh tế mới phát triển được", TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - chia sẻ về dự án mới đây của ông.
Dự án "Xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu lớn cho đô thị - Tính toán tính kết nối, khả năng phục hồi và nhu cầu của mạng lưới xe bus ở TPHCM" của TS. Vũ Thành Tự Anh mới đây nằm trong 20 dự án đầu tiên được Quỹ Đổi mới sáng tạo của Vingroup (VINIF) tài trợ.
Tổng số tiền tài trợ của Vingroup cho 20 dự án này là 124 tỷ đồng. Tính riêng, dự án của FulBright được tài trợ 7 tỷ đồng.
15 năm trên chặng đường từ Quận 7 đến Quận 3 của vị Giám đốc trường FulBright
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Lao động.
Chia sẻ về ý tưởng hình thành dự án này, ông Vũ Thành Tự Anh kể về chặng đường từ nhà tới trường trong suốt 15 năm của ông tại đô thị lớn bậc nhất Việt Nam.
"Tôi sống ở Quận 7 (TPHCM), cơ quan làm việc ở Quận 3. Khoảng cách từ ngôi nhà ở Quận 7 đến cơ quan Quận 3 tầm 10 cây số. Cách đây khoảng 15 năm, khi tôi bắt đầu vào TPHCM (tôi là người Hà Nội), để đi từ nhà đến trường, đọc hết một tờ báo Tuổi trẻ thì đến nơi".
"Khoảng 3 - 4 năm sau đó, bên cạnh tờ Tuổi trẻ, phải đọc thêm tờ Thanh Niên mới đến nơi được. Cách đây khoảng 5 năm, bên cạnh 2 tờ ấy, phải đọc thêm tờ Pháp luật TPHCM mới đến nơi", ông Tự Anh nói.
Tốc độ di chuyển trong nội đô TPHCM đã giảm hết sức đáng kể trong 10 - 15 năm qua. Trên thực tế, 10 cây số ấy, vào giờ cao điểm, Giám đốc trường FulBright đi hết 1 tiếng 15 phút, tức tốc độ chậm hơn xe đạp.
"Quý vị có thể hình dung được một thành phố lớn nhất Việt Nam, với quy mô 13 triệu dân, đóng góp khoảng 25% cho GDP toàn quốc, đóng góp khoảng 30 - 40% cho xuất nhập khẩu, tức một đầu tàu kinh tế thương mại quan trọng như thế, tốc độ lại chậm như thế, thì ảnh hưởng như thế nào tới tốc độ phát triển kinh tế của TPHCM, ảnh hưởng thế nào đối với kinh tế của cả nước?", ông Tự Anh đặt vấn đề.
1 năm Việt Nam mất 1 tỷ USD do tắc đường
Ông Tự Anh cũng trích dẫn một báo cáo cho biết, ước tính thiệt hại về kinh tế của việc tắc nghẽn giao thông ở TPHCM có thể lên tới 1 - 2 %GDP của thành phố, mà GDP của TPHCM hiện nay chiếm khoảng 1/4 GDP của cả nước.
"Tức 1 năm, chúng ta mất 600 triệu USD đến 1 tỷ USD từ những tác động kinh tế do tắc nghẽn. Con số này chưa tính đến các tác động có tính gián tiếp như khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, tạo ra các bệnh về đường hô hấp..., và tác động của những hộ kinh doanh trên chặng đường bị tắc nghẽn… Chi phí của nó là rất lớn".
Chúng ta đang có một câu chuyện mâu thuẫn khi mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh mà đi đường thì không đi nổi
"Ý tưởng của dự án xuất phát từ thực tiễn ấy, xuất phát từ yêu cầu của TPHCM về việc xây dựng một thành phố thông minh nhưng lại đang bị kẹt xe. Vâng, một câu chuyện mâu thuẫn khi mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh mà đi đường thì không đi nổi", ông Tự Anh nêu vấn đề.
Dự án của trường FulBright nhận được sự ủng hộ của thành phố, từ các cấp lãnh đạo như Bí thư, Chủ tịch UBND TPHCM đến các cấp dưới như Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM…Đúng lúc ấy, ông Tự Anh nhận được thông tin về khoản tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup ( VINIF ).
"Trước đó chúng tôi cũng định đi xin tài trợ của một số nơi khác. Nhưng khi có tin tài trợ của VINIF, tôi nghĩ đây chính là một trong những cơ hội rất lớn mà trường Fulbright có thể tận dụng. Điều tôi ngạc nhiên nhất là thời gian nhận hồ sơ, từ khi được mời báo cáo đến khi đứng ở đây là 3 tháng - khoảng thời gian kỷ lục mà ở Việt Nam tôi chưa bao giờ chứng kiến".
"Chúng tôi từng nộp hồ sơ ở nhiều nơi, thời gian rất dài, chi phí lớn, và độ ức chế rất cao. Đối với VINIF, tôi chưa từng trải qua như vậy, mà trạng thái thoải mái như những người đồng nghiệp hỗ tợ cho nhau, tạo mọi điều kiện để các đơn vị nhận được tài trợ. Tôi hy vọng tinh thần này sẽ được tiếp tục trong giai đoạn sau của dự án, chứ không phải bắt đầu", ông Tự Anh cho biết.
Lộ thông thì tài thông
"Tại sao một trường chính sách công lại đi làm một dự án về dữ liệu lớn? Thực ra, thách thức giao thông chính là điểm nghẽn lớn nhất của sự phát triển kinh tế hiện nay. Khi tốc độ giao thông không tăng được, thì tốc độ phát triển kinh tế không tăng".
"Lộ thông thì tài thông. Khi đường sá thông thoáng, tốc độ nhanh thì kinh tế mới phát triển được. Đấy là lý do trường chính sách công của chúng tôi thực hiện dự án này. Dự án này còn chứng minh một xu thế rất quan trọng - xu thế nghiên cứu tích hợp và đa ngành. Một trường kinh tế với nền tảng chủ yếu là kinh tế học, chính sách, thậm chí là chính trị học, giờ chúng tôi bước sang một địa hạt mới - dữ liệu lớn. Đây là xu thế phổ quát, nổi trội trong các trường chính sách công hàng đầu hiện nay. Tôi cũng tin xu thế này còn tiếp tục", TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - trải lòng.
Trí thức trẻ