MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển đổi số “bằng niềm tin” ở Tập đoàn Thiên Minh

Cách đây 10 năm, khi khái niệm chuyển đổi số còn chưa phổ biên, Tập đoàn Thiên Minh đã bắt tay vào thực hiện, với nhân sự chủ chốt là Nguyễn Trung Công, CIO của tập đoàn này. Và khi đó, khó khăn lớn nhất là… niềm tin.

Trước khi đầu quân cho Thiên Minh, CIO của tập đoàn này – Nguyễn Trung Công từng làm việc tại NTT Data – một công ty công nghệ lớn của Nhật Bản. Về Việt Nam, Trung Công thành lập công ty về phần mềm nhưng sau đó gia nhập Thiên Minh Group

Chuyển đổi số “bằng niềm tin” ở Tập đoàn Thiên Minh - Ảnh 1.

Nguyễn Trung Công chia sẻ: "Nếu đã ra nước ngoài làm thì sẽ thấy, những tập đoàn lớn của họ không bao giờ nghĩ là chỉ hoạt động ở trong nước. Tôi nhìn xung quanh thấy các công ty Việt Nam thời điểm đó mới tập trung ở trong nước là chính.

Thông qua bạn bè thì tôi có biết anh Kiên (ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh), thì mới thấy là: ‘Ô, anh này cũng còn trẻ mà tham vọng thì lại rất lớn, muốn làm việc với những đối tác hàng đầu thế giới, muốn trở thành công ty phát triển vượt ra khỏi biên giới Việt Nam’.

Vì thấy tầm nhìn của anh ấy cũng hay, mỗi người có một thế mạnh khác nhau thì thử phối hợp với nhau xem một công ty thuần Việt có thể làm được điều gì đó lớn lao hơn hay không.

Cái chính là tôi tin rằng, nếu như kết hợp với nhiều người với nhau, thì có thể làm được những điều lớn lao hơn chính bản thân mình. Thử bỏ qua cái tôi một lần xem thế nào (cười)".

Chuyển đổi số “bằng niềm tin” ở Tập đoàn Thiên Minh - Ảnh 2.

Thiên Minh bắt đầu chuyển đổi số cách đây tới 10 năm. Chuyển đối số ở thời điểm đó có khó khăn gì?

Chắc là niềm tin (cười).

Ở thời điểm đó thì mọi người cũng chưa có khái niệm rõ ràng về chuyển đổi số. Hồi đó còn chưa có khái niệm chuyển đổi số và mọi người cũng đặt câu hỏi: "Thế ứng dụng công nghệ thì được gì? Tôi làm file excel còn nhanh hơn, hệ thống của anh phiền quá!" hay là "Các công ty lớn họ vẫn dùng phần mềm của nước ngoài, mình không dùng mà phải tự xây dựng làm gì? Mấy anh người Việt này làm được không?". Ban đầu, cũng có rất nhiều nghi ngờ.

Sau đó anh làm thế nào để mọi người tin?

Nếu như chỉ vẽ một bức tranh lớn, rằng sau này Thiên Minh sẽ hoạt động trên bao nhiêu nước, muốn được vậy thì phải phối hợp với nhau thế nào, thì chỉ thuyết phục được ban lãnh đạo chứ không thuyết phục được nhân viên đâu.

Nhân viên họ chỉ quan tâm công việc hàng ngày của họ làm sao để đơn giản hơn. Mình giải quyết vấn đề đó trước. Ứng dụng hệ thống để họ cảm thấy công việc của họ nhanh gọn hơn, hiệu quả hơn. Cũng không thể nói một cái là 100% nhân viên nghe mình ngay.

Ban đầu "dụ" được 5-10 người đồng ý dùng hệ thống đó, họ thấy cũng hiệu quả thì họ chia sẻ với những người khác là hệ thống hiệu quả hơn ra sao. Những phòng ban khi hoàn toàn sử dụng hệ thống thì hiệu quả công việc vượt trội lên.

Mình chấp nhận những gì mình làm lỗi thì là lỗi. Hệ thống của mình có lỗi, họ phản ánh thì mình sửa. Sau một thời gian mọi người sẽ thấy rằng ứng dụng công nghệ làm cho hiệu suất của bản thân họ được nâng lên.

Hầu hết các công ty sẽ rất khó để có niềm tin rằng mình có thể xây dựng được một hệ thống đủ tốt. Ở Thiên Minh, may mắn là chúng tôi có niềm tin rằng mình có thể tự làm được một hệ thống và dùng được.

Chuyển đổi số “bằng niềm tin” ở Tập đoàn Thiên Minh - Ảnh 3.

Vậy còn thuận lợi thì sao?

May mắn là lúc mới chuyển đổi thì Thiên Minh chưa lớn lắm (cười). Và khi Thiên Minh lớn rồi, thì công nghệ cũng đã sẵn sàng.

Giờ Thiên Minh đã hoạt động ở 11 nước châu Á, và 4 quốc gia để bán hàng, thì mới thấy rõ là nếu hồi đó không chuyển đổi sớm, thì chắc là không làm được. Chuyển đổi số là một nhu cầu tất yếu, nếu như mình muốn mở rộng công ty thì chắc chắn là phải làm, chứ không phải là làm theo xu hướng. Cụm từ "chuyển đổi số" đến mãi sau này mọi người mới nói.

Trong ngành du lịch, Thiên Minh may mắn có được rất nhiều đối tác từ các ngành và các quốc gia trên thế giới. Chuyển đổi số ở Thiên Minh là "vừa làm vừa học", tự làm bằng những kiến thức, kinh nghiệm mà mình có trong quá trình làm việc, vừa học hỏi từ những bài học thành công và cả thất bại của các đối tác. Khi đã chuyển đổi số thành công rồi, Thiên Minh lại hỗ trợ ngược lại các đối tác ở Singapore, ở Anh,... tư vấn cho họ nên làm thế nào.

Chuyển đổi số “bằng niềm tin” ở Tập đoàn Thiên Minh - Ảnh 4.

Kết quả lớn nhất trong hoạt động kinh doanh khi chuyển đổi số ở Thiên Minh là gì?

Năng suất lao động của Thiên Minh cao hơn mặt bằng chung ngành du lịch ở Việt Nam hiện nay.

Khi khách du lịch đến với Thiên Minh, họ nói nhu cầu của họ ví dụ đi du lịch 2 tuần ở Việt Nam chẳng hạn, đi qua rất nhiều điểm khác nhau, thông thường họ sẽ kỳ vọng là hôm sau mình sẽ gửi lại cho họ chương trình và bảng giá, như nhiều công ty khác. Nhưng thay vì phải chờ một ngày thì chỉ 10 phút họ đã nhận được email báo giá chi tiết với hình ảnh minh họa đầy đủ từ Thiên Minh. Đơn giản như vậy thôi, Thiên Minh sẽ thu hút được nhiều khách hơn.

Khách như vậy cũng thường là khách chất lượng cao vì họ sẵn sàng trả tiền để có chương trình du lịch riêng, hướng dẫn viên riêng và xe đưa đón riêng. Đồng thời, họ là khách hàng có đòi hỏi cao. Họ muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử chứ không đơn thuần là chỉ đến xem, chụp hình.

Chuyển đổi số “bằng niềm tin” ở Tập đoàn Thiên Minh - Ảnh 5.

Đội ngũ xây dựng ứng dụng Ivivu là kỹ sư người Việt hay nước ngoài?

Hoàn toàn là kỹ sư người Việt. Ivivu là sản phẩm Make in Vietnam 100%.

Trước khi về Thiên Minh tôi cũng đã làm công nghệ ở Mỹ, ở Nhật, tham gia thiết kế hệ thống cho chính phủ Nhật về phòng chống thiên tai, quản lý đội cứu thương, y bác sĩ. Và tôi nhận thấy, kỹ sư người Việt không phải là không có khả năng xây dựng hệ thống, mà chính là không có một bài toán đủ lớn để giải.

Hệ thống nào cũng vậy, cần có sự tương tác để phát triển lớn lên cùng với hoạt động kinh doanh. Mình tạo ra một hệ thống có người dùng, mình cải tiến nó, và tạo ra hiệu quả kinh tế, rồi có tiền đầu tư lại vào nó. Đó phải là một vòng tuần hoàn liên tục thì mới tạo ra một hệ thống có ích được. Còn nếu mình nghĩ là cứ đơn giản bỏ tiền ra thuê một bên thứ ba, làm trong vòng một năm hai năm mà xong thì không thể thành công được.

Ivivu có nhiều đối thủ cạnh tranh không và có ý định mở rộng ra nước ngoài hay không?

Hiện tại, Ivivu đang dẫn đầu về dịch vụ gợi ý các combo du lịch. Cách đây khoảng 1-2 năm, các nhóm khác họ cũng cung cấp các sản phẩm tương tự như vậy, nhưng với hàm lượng công nghệ không cao lắm. Gần đây thì các đối tác nước ngoài như Traveloka thì họ cũng sử dụng đúng nhưng công nghệ đó nên cạnh tranh bắt đầu mạnh hơn.

Trong bối cảnh đó, có lẽ Ivivu là đơn vị dẫn đầu trong khối OTA nội địa và liên tục tăng trưởng gấp đôi hằng năm trong 4-5 năm trở lại đây. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ này thì trong vòng 3-5 năm tới chúng tôi có thể vượt Agoda tại thị trường Việt Nam. Hiện tại, Ivivu đang tập trung 100% vào thị trường nội địa và sắp tới sẽ có kế hoạch mở rộng ra các thị trường khác ở Đông Nam Á.

Chuyển đổi số “bằng niềm tin” ở Tập đoàn Thiên Minh - Ảnh 6.

Điểm khác biệt của Ivivu với các đối thủ là gì?

Đối với các trải nghiệm mà chúng tôi gợi ý cho khách hàng là "must try" (phải thử), thì ví dụ như một hàng bún bò, không đơn thuần là ngon, rẻ, hay do người dùng khác bình chọn như các ứng dụng khác. Trải nghiệm đó phải có một câu chuyện phía sau, một quán bún bò gia truyền mấy chục năm chẳng hạn, hương vị rất ngon và khác biệt.

Yếu tố đó Ivivu không dựa vào đánh giá của tất cả mọi người, mà là một nhóm "chuyên gia" hay reviewer (chuyên gia trải nghiệm), sau đó chính đội ngũ Ivivu sẽ đi xác nhận lại. Cũng khá mất công đấy (cười).

Khách hàng sẽ không muốn phí thời gian vào những trải nghiệm không đáng, vấn đề không phải là họ tiếc tiền, mà là tiếc công sức, tiếc thời gian. Ivivu rất hiểu điều đó.

Chuyển đổi số “bằng niềm tin” ở Tập đoàn Thiên Minh - Ảnh 7.

Xu hướng cá nhân hóa được thể hiện trong Ivivu như thế nào?

Hiện tại có rất nhiều lựa chọn trên thị trường, từ khách sạn đến giá vé máy bay, các chương trình khuyến mãi rất đa dạng và thay đổi liên tục. Khi sử dụng trí tuệ nhân tạo, Ivivu sẽ giúp lựa chọn ra sản phẩm phù hợp nhất với từng cá nhân đi du lịch. Dựa vào lịch sử giao dịch, Ivivu sẽ đưa ra những gói dịch vụ phù hợp nhất cho từng thời điểm.

Thực ra khách hàng có thể tự tạo ra một chương trình cá nhân riêng của họ. Nhưng để có được chương trình đó thì phải làm từng thứ một, họ sẽ thấy ôi sao mà mệt đầu quá. Mình sẽ cho họ thấy là họ chỉ cần vào Ivivu, hoặc gọi điện, hoặc gửi mail cho Thiên Minh thì trong vòng 10 phút, cùng lắm nửa tiếng là có một chương trình chi tiết, vẫn theo ý mình nhưng hiệu quả hơn.

Ivivu sẽ rất hữu ích cho những đối tượng muốn tự đi du lịch, tự trải nghiệm mà không phụ thuộc vào tour.

Thái Trang
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ
Chuyển đổi số “bằng niềm tin” ở Tập đoàn Thiên Minh - Ảnh 10.

Thái Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên