MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển đổi số hay tụt hậu, thách thức sống còn DN Việt

Thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi số của tiến trình không thể đảo ngược: công nghệ số - chuyển đổi số - kinh tế số - kỷ nguyên số.

Chuyển đổi số hướng đến nền kinh tế số là hệ sinh thái bao gồm hàng hoá, dịch vụ, các nền tảng và giải pháp có sử dụng hoặc dựa trên việc kết nối Internet và truy cập trực tuyến.

Định vị doanh nghiệp Việt trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu

Nhờ có nền kinh tế số mà hiệu suất kinh tế đạt được nhiều thành quả cao, các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo), giải trí (Netflix, Pinterest), giao thông vận tải (Uber, Grab, GoViet) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Sendo, Lazada, Shoppe)... Đây chính là bước phát triển của kinh tế số hóa trong đời sống của người dân Việt Nam những năm gần đây.

Thông qua chuyển đổi số, các doanh nghiệp sẽ đạt được 5 lợi ích chính là: (i) tăng tỷ suất lợi nhuận; (ii) tăng năng suất; (iii) giảm chi phí, tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ mới; (iv) tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ cũ và (v) tăng sự gắn kết với khách hàng.

Việt Nam đang sở hữu lợi thế về nguồn lực con người và sự ủng hộ của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm chỉ đạo là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp, mặc dù ngành công nghiệp đã có một số doanh nghiệp tiên phong (như dầu khí, điện…), nhưng vẫn có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc. Trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp mới chỉ có các hoạt động chuẩn bị ban đầu.

Các doanh nghiệp ở khối thương mại và dịch vụ được đánh giá có trình độ tiếp cận công nghệ số và tính sẵn sàng cao hơn. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, logistics, du lịch, bảo hiểm đã và đang ứng dụng mạnh công nghệ số trong hiện đại hoá quy trình kinh doanh.

Nhận diện thách thức đối với doanh nghiệp Việt trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số hay tụt hậu, thách thức sống còn DN Việt - Ảnh 1.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những bước chuyển đổi lớn, những hệ sinh thái, mô hình kinh doanh mới đồng loạt xuất hiện tạo ra những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có những thách thức đang chờ đón mà nếu không chuẩn bị kỹ, doanh nghiệp Việt sẽ bị tụt hậu.

Theo nhiều chuyên gia, những thách thức lớn hiện nay chủ yếu đến từ: thiếu hụt nguồn lực (bao gồm nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực); rào cản trong văn hóa doanh nghiệp vốn quen với kinh tế truyền thống; thiếu hụt dữ liệu (bao gồm các báo cáo, phân tích thông tin); tầm nhìn người lãnh đạo;…

Hiện tại, hạ tầng số ở Việt Nam chưa được nhận thức ở mọi cấp như các hạ tầng khác. Dữ liệu quốc gia, địa phương, toàn cầu đều thiếu, chất lượng cũng như việc chia sẻ và kết nối còn hạn chế. Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu hành lang pháp lý, nhân lực cho xã hội số và kinh tế số, hạ tầng số chưa được an toàn. Ở phương diện vĩ mô, nhận thức và tập trung xây dựng hạ tầng số, cần xem là nhiệm vụ hàng đầu trong thời kỳ chuyển đổi số.

Chuyển đổi số gắn với ba đối tượng rõ ràng là con người, doanh nghiệp, Nhà nước. Trong đó, về con người, có thể nhận thấy các ngành đang yêu cầu nguồn nhân lực phù hợp cho chuyển đổi số, bởi vậy vấn đề đặt ra là cần quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực. Trong doanh nghiệp, chuyển đổi từ kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ truyền thống sang kinh doanh trên nền tảng số, sản phẩm, dịch vụ tích hợp công nghệ, chủ yếu sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo. Khi chuyển đổi số, khung kỹ năng và năng lực của nhân viên sẽ thay đổi để phù hợp cách thức vận hành kinh doanh mới. Khi nhân lực thiếu hụt các kỹ năng này, mô hình chuyển đổi số sẽ thất bại vì không có nhân lực thực thi. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, đa phần các chủ doanh nghiệp thế hệ 7X, 6X vẫn chưa quen với các công nghệ và quy trình số.

Một số gợi ý cho doanh nghiệp Việt trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số không phải chỉ là hình thức chuyển đổi công nghệ, đó là sự thay đổi của doanh nghiệp tại điểm hội tụ cả ba yếu tố công nghệ, kinh doanh và con người.

Chuyển đổi số có thể được thực hiện ở doanh nghiệp theo cách tiếp cận sáu bước: (1) Xác định chiến lược (bao gồm tầm nhìn, chiến lược chuyển đổi, phân tích đánh giá giá trị các bên liên quan); (2) Nhìn nhận hiện trạng (bao gồm đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng số hóa của đơn vị); (3) Hoạch định tương lai (bao gồm mô hình vận hành, quy trình, công nghệ,…); (4) Vạch rõ lộ trình (baogồm danh mục dự án, kế hoạch thực hiện,…); (5) Triển khai thực hiện (bao gồm thực thi, thay đổi về kinh doanh, công nghệ, con người); (6) Giám sát quá trình chuyển đổi.

Doanh nghiệp cần có mục tiêu và tầm nhìn chiến lược; cần xây dựng đồng bộ hệ thống nhân lực; có kế hoạch kinh doanh, tổ chức thực hiện với lộ trình cụ thể… Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là con người.

Doanh nghiệp nên bắt đầu từ việc loại bỏ tất cả những khó khăn mà khách hàng gặp phải khi tương tác với doanh nghiệp; bảo đảm tương tác với khách hàng thuận tiện, hiệu quả hơn. Đồng thời, về mặt nhận thức cần tập trung giúp toàn thể cán bộ nhân viên hiểu rõ họ có thể ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa hoạt động như thế nào. Làm thế nào để sử dụng các nền tảng công nghệ để tất cả các bộ phận nghiệp vụ loại bỏ khó khăn và phối hợp với nhau để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên tập trung đầu tư vào công nghệ số để tăng năng suất và tốc độ tăng trưởng. Công nghệ ngày càng nhanh và rẻ hơn đưa doanh nghiệp lên cấp độ cao hơn với các mô hình kinh doanh kỹ thuật số tận dụng dữ liệu làm tài sản chiến lược.

Trong chuyển đổi số, điều doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý là phải bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu. Thông tin, dữ liệu khi chuyển đổi số về bản chất là nguồn lực vô cùng quan trọng, xứng đáng được bảo vệ cao nhất trong doanh nghiệp; tuy nhiên nhiều doanh nghiệp Việt chưa xác định được tầm quan trọng và xác định ngân sách phù hợp cho hoạt động bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu.

Để định giá dữ liệu, doanh nghiệp có thể đặt ba câu hỏi như: Tốn bao nhiêu để thay thế dữ liệu đó? Nó đóng góp bao nhiêu vào doanh thu của tổ chức? Công ty có thể kiếm được bao nhiêu bằng cách cho thuê hoặc bán nó?... Việc đánh giá đúng dự liệu sẽ giúp đưa ra con số đầu tư xứng đáng để bảo vệ nó.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số chính là cơ hội công bằng cho tất cả quốc gia, các doanh nghiệp trên thế giới. Đây có thể nói là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam bước vào nền kinh tế số. Nhưng đó cũng chính là thách thức cho mỗi doanh nghiệp và đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có vượt qua được thách thức của thời đại, vượt lên chính mình - vượt lên những suy nghĩ cũ đã tồn tại qua nhiều thế hệ hay không? Doanh nghiệp Việt đang đứng trước sự lựa chọn: chuyển đổi số hay tụt hậu?



Theo TS. Phạm Trí Hùng

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên