Chuyển đơn khách hàng tố cáo địa ốc Alibaba đến Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, đơn vị này vừa chuyển đơn tố cáo của khách hàng Đồng Thị Kim Phượng (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đến Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.
- 05-12-2017HoREA: Tòa án quận Bình Thạnh đã thụ lý vụ khách hàng kiện địa ốc Alibaba
- 04-12-2017Vụ địa ốc Alibaba: Tiền giữ chỗ phải bị phong tỏa
- 30-11-2017Sở Xây dựng TP.HCM: Công ty Địa ốc Alibaba có dấu hiệu vi phạm hình sự
- 30-11-2017Quá trình xử lý sai phạm của Địa ốc Alibaba gặp nhiều khó khăn
Theo HoREA, trước đó đơn vị này đã nhận được đơn của bà Phượng tố cáo Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) có hành vi lừa đảo.
Cụ thể, trong đơn tố cáo, bà Phượng cho biết, ngày 27/07/2017, bà có mua 3 lô đất thuộc dự án Alibaba Long Phước 7 của Công ty Alibaba do ông Nguyễn Thái Lĩnh, giám đốc là đại diện với các lô đất nền như sau: Lô 1, số LK2-33/HĐCN/2017; Lô 2, số SLK2- 34/HĐCN/2017; Lô 3, số LK2-35/HĐCN/2017. Số tiền bà Phượng đã đóng tổng cộng 4 đợt cho 3 lô đất trên là 766.800.000 đồng.
Sau khi nghe cảnh báo từ HoREA, cũng như thông tin trên báo đài về việc Công ty Alibaba có dấu hiệu lừa đảo, ngày 23/11/2017, bà Phượng đã liên hệ với Công ty Alibaba yêu cầu cung cấp các giấy tờ pháp lý liên quan đến dự án Alibaba Long Phước 7.
Tuy nhiên, đại diện Alibaba chỉ cung cấp cho khách hàng về hợp đồng chuyển nhượng đất giữa Công ty Alibaba và Công ty CP Alibaba Law Firm và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Đỗ Thị Kim Cơ, có diện tích 16.250m2 tại xã Long Phước (Long Thành, Đồng Nai).
Khu đất này được bà Đỗ Thị Kim Cơ sang nhượng lại cho ông Nguyễn Thái Lĩnh, Giám đốc Công ty Alibaba và đây là loại đất trồng cây công nghiệp lâu năm.
“Công ty Alibaba đã cố tình lừa đảo người dân để chiếm đoạt tài sản, vi phạm pháp luật, vi phạm luật bất động sản. Vì trên thực tế, đất này là đất trồng cây công nghiệp lâu năm, không phải là đất thổ cư để quy hoạch khu dân cư, phân lô tách thửa bán cho người dân, không được cơ quan có thẩm quyền tỉnh Đồng Nai phê duyệt”, bà Phượng bức xúc viết trong đơn tố cáo.
Trước nguy cơ bị lừa đảo mất tiền, bà Phượng đã làm đơn yêu cầu thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên đến ngày 14/12/2017, bà vẫn chưa được Công ty Alibaba giải quyết thỏa đáng. Chính vì vậy, bà đã làm đơn tố cáo với mong muốn lấy lại số tiền mình đã nộp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, sở dĩ HoREA chuyển đơn này là do nội dung đơn tố cáo của bà Phượng có liên quan đến vụ việc Công ty Alibaba đang được Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46) thuộc Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an xử lý.
Liên quan đến Cty Alibaba, trước đó, trong một văn bản do HoREA ban hành, đề cập đến trường hợp ông Trần Dũng khiếu nại Cty Alibaba khi cho rằng đơn vị này chưa minh bạch trong vấn đề kí kết hợp đồng nhận tiền cọc.
Theo nội dung biên bản giữa công ty Alibaba và ông Dũng: “Nếu quá thời hạn bảy ngày, ông Dũng không thực hiện việc ký kết hợp đồng hoặc không thanh toán đợt 1 cho Cty Alibaba thì mặc nhiên ông Dũng đã từ bỏ quyền giao kết hợp đồng với công ty. Đồng thời ông Dũng phải chịu mất toàn bộ số tiền đặt cọc”.
Ông Dũng phân tích, do phía Cty Alibaba không chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp của khu đất nên ông yêu cầu Cty Alibaba phải trả lại số tiền mà ông đã đặt cọc.
Tuy nhiên, phía Alibaba cho rằng, ông Dũng yêu cầu đơn vị này trả lại 60 triệu đồng tiền đặt cọc và bồi thường thêm 60 triệu đồng. Nhưng theo quy định của Luật Dân sự: “Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Được biết, vụ việc trên được ông Dũng gửi đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh và đã được tòa án chấp thuận thụ lý.