MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển động quỹ đầu tư: Chuyển giao

Số liệu công bố trong tuần qua (22/1-28/1) cho thấy các quỹ đầu tư đã thực hiện hoán đổi các khoản đầu tư cho các đơn vị khác.

Mekong chính thức chia tay MWG

Sau nhiều lần thực hiện bán cổ phần Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG), cuối cùng thì Mekong Capital đã hoàn toàn chia tay khoản đầu tư hơn chục năm của mình vào ngày 26/1 vừa qua.

Đơn vị cuối cùng nhận chuyển nhượng số cổ phần của Mekong Capital là Alstonia Costata SDN. BHD. Khối lượng chuyển giao là 5 triệu cp, tương ứng với tỷ lệ 1,58% vốn điều lệ. Trước đó vào cuối năm 2017, Mekong cũng chuyển nhượng 1,5 triệu cp cho Elephas Global Opportunity Master Fund và KT Zmico Securities Company Ltd.

Được biết, Mekong Enterprise Fund II Ltd đã có hơn 10 năm đầu tư vào Thế giới di động. Việc chuyển nhượng này nằm trong chiến dịch thoái vốn từng phần của quỹ tại MWG bắt đầu từ tháng 9/2016, tại thời điểm đó quỹ nắm giữ 13.54 triệu cp MWG.

Ngoài việc thoái vốn khỏi MWG, Mekong cũng liên tục thoái vốn tại Masan, PNJ, Nam Long Group, Tập đoàn Lộc Trời (LTG), Traphaco (TRA)... trong năm 2017 và thu về khoảng 3.200 tỷ đồng. Riêng quỹ Vietnam Azalea Fund (VAF) bán 25% vốn Traphaco thu về hơn 1.460 tỷ đồng.

Tiếp bước Mekong, có lẽ là CDH Electric Bee Limited cũng sẽ thoái hết khoản đầu tư của mình tại MWG. Cụ thể, quỹ này vừa chuyển nhượng 1,2 triệu cp CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) vào ngày 18/1 và hiện chỉ còn 1,24 triệu cp. Cũng từ năm 2016 CDH đã nhiều lần thực hiện thoái vốn tại MWG.

Cổ phiếu MWG là một khoản đầu tư mang lại mức sinh lời ấn tượng tính bằng lần không chỉ cho Mekong mà còn nhiều quỹ đầu tư khác. Trên TTCK, cổ phiếu năm qua liên tục lập đỉnh và đạt mức cao nhất 137.500 đồng/cp vào 22/11/2017, hiện MWG giao dịch tại vùng giá 127.000 đồng/cp.

Chuyển động quỹ đầu tư: Chuyển giao - Ảnh 1.

Quỹ đầu tư Thái nhảy vào FPT

Vào ngày 22/1 qua, quỹ đầu tư đến từ Thái Lan là The Ton Poh Fund đã nhận chuyển quyền sở hữu 4 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) từ 5 quỹ ngoại khác.

Bên chuyển nhượng là 5 đơn vị bao gồm Wareham Group Limited, Norges Bank, FC Global, VietNam Growth Stock Income Mother Fund và Cam VietNam Mother Fund. Tính theo giá FPT gần nhất khoảng 61.000 đồng/cp, giá trị của thương vụ chuyển nhượng này tầm 244 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 10/1, nhóm Dragon cũng đã bán ra 1 triệu cp FPT. Cụ thể, Amersham Industries Limited đã bán 500.000 cp và Norges Bank cũng đã bán 500.000 cp, giảm tỷ lệ sở hữu của cả nhóm xuống 7,8% vốn.

The Ton Poh Fund là quỹ đầu tư không còn quá xa lạ tại TTCK Việt Nam với tổng tài sản được ghi nhận vào cuối 2017 là 274,1 triệu USD. Quỹ này được thành lập vào năm 2013 và tham gia vào TTCK Việt Nam từ tháng 3/2015 khi mua 2,5 triệu cp Coteccons, chiếm tỷ lệ 5,92%. Ngoài ra, Ton Poh còn có các khoảng đầu tư khác tại SKG và MWG.

Cổ phiếu FPT cũng là khoản đầu tư khá hiệu quả của các quỹ đầu tư. Mới đây, cổ phiếu FPT đã lập đỉnh mới tại mức giá 62.100 đồng/cp vào ngày 9/1 (đỉnh cũ là 62.040 đồng/cp đã điều chỉnh). Hiện cổ phiếu được giao dịch tại vùng giá 61.000 đồng/cp.

Đối nghịch tại Thép Nam Kim

Cổ phiếu Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cũng khá sôi động giao dịch quỹ đầu tư. Trong tuần qua, nhóm quỹ đến từ Hàn Quốc là KIM group vẫn cho thấy ý định tăng sở hữu tại đây khi quỹ KIM Vietnam Growth Equity Fund mua tiếp 400.000 cp, tăng sở hữu 4,79%. Điều này dẫn tỷ lệ sở hữu cả nhóm tăng từ 5,89% lên 6,2% vào 19/1.

KIM group là quỹ đầu tư gây được sự chú ý vào cuối năm 2017 khi đã tăng mạnh vốn lên gấp đôi và trở thành quỹ đầu tư ngoại lớn thứ 3 tại Việt Nam, vượt qua cả quỹ đến Phần Lan là PYN Elite. Ngoài đầu tư vào NKG, KIM group cũng tăng đầu tư tại SMC; trong khi trước đó quỹ này lại bán ra các khoản đầu tư tại VPB và MBB.

Đối nghịch lại với KIM group, nhóm Dragon mà cụ thể là Vietnam Enterprise Investments Limited đã bán ra 289.210 cp NKG, giảm sở hữu còn 14,11 triệu cp. Kéo theo đó cả nhóm quỹ chỉ còn sở hữu gần 28,5 triệu cp NKG.

Đây là lần thoái vốn tiếp theo của nhóm Dragon sau khi quỹ này đầu tư mua cổ phần trong đợt phát hành riêng lẻ 30 triệu cp của Thép Nam Kim với giá 27.000 đồng/cp. Số lượng nhóm Dragon nắm giữ lúc này là 29,3 triệu cp, tỷ lệ 22,41%.

Hiện nay, cổ phiếu NKG đã tăng khá mạnh lên vùng giá 40.000 đồng/cp, cao hơn khoảng 48% so với giá phát hành mà các nhà đầu tư mua vào.

Về cơ cấu cổ đông tại NKG, nhóm cổ đông Chủ tịch Hồ Minh Quang hiện là cổ đông lớn nhất (33,65%) khi ông vừa mua lại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư P&Q (14,21%), còn vợ là bà Trần Uyễn Nhàn chỉ mới đăng ký bán 9,1%. Nhóm cổ đông lớn tiếp theo là Dragon với 21,89%; tiếp đến là nhóm Unicoh và KIM group.

Một số giao dịch quỹ khác là KB Vietnam Focus Balanced Fund đã mua thêm 15.320 cp DXG, nâng tỷ lệ sở hữu cả nhóm Dragon lên 16% tương ứng với 48,53 triệu cp. Còn CTCP Quản lý quỹ Đầu tư MB (MB Capital) và Quỹ Đầu tư giá trị MB Capital (MBVF) mua vào 31.300 cp NHH để trở thành cổ đông lớn nắm giữ 5,4% vào ngày 15/1. Cuối cùng là America LLC mua thêm 700 cp DC1 để tăng tỷ lệ sở hữu lên 9,025 vào 22/1.

Theo Huy Lê

NDH

Trở lên trên