MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia cảnh báo: Test nhanh ÂM TÍNH không có nghĩa bạn hoàn toàn KHÔNG nhiễm SARS-COV-2

02-08-2020 - 16:28 PM | Sống

Test nhanh Âm tính - đừng vội hồn nhiên, vô tư đi lại khắp nơi, tham gia các hoạt động đông người...

Bạn trở về từ Đà Nẵng, nếu xét nghiệm âm tính vẫn phải cách ly ít nhất 14 ngày, đừng tổ chức ăn mừng hay đi khắp nơi... Nhưng cũng mong cộng đồng, xin đừng gọi người đi từ Đà Nẵng về là "đối tượng". Đừng dùng từ "bắt", "nhốt" để nói về việc cách ly. Họ có thể là bố mẹ, anh chị, bạn bè, người thương của ta đấy.

Test nhanh Âm tính - đừng vội hồn nhiên, vô tư đi lại khắp nơi, tham gia các hoạt động đông người...

Dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã yêu cầu khai báo y tế và thực hiện cách ly với tất cả những người đã đi từ Đà Nẵng trở về các địa phương.

Hà Nội, TP.HCM, Thái Bình, Quảng Ninh và nhiều địa phương khác... đã và đang tiến hành làm xét nghiệm test nhanh cho những người từ Đà Nẵng trở về từ đầu tháng 7.

Riêng tại Hà Nội, theo Giám đốc Sở y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, cho biết đến 14h ngày 1/8, số liệu người về từ Đà Nẵng tính từ hôm 8/7 đến nay của các đơn vị tiếp tục tăng mạnh. Toàn thành phố đã ghi nhận 72.275 người (tăng thêm 18.507 so với số ngày 31/7).

Hà Nội đã và sẽ tiếp tục thực hiện test nhanh với những người trở về từ Đà Nẵng, kết quả ban đầu hầu hết những người đã được test nhanh cho kết quả Âm tính.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ học, test nhanh chỉ là bước đầu trong việc giám sát, khoanh vùng nguy cơ nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Test nhanh Âm tính không có nghĩa là bạn hoàn toàn không bị nhiễm SARS-CoV-2.

Chuyên gia cảnh báo: Test nhanh ÂM TÍNH không có nghĩa bạn hoàn toàn KHÔNG nhiễm SARS-COV-2 - Ảnh 2.

Test nhanh Âm tính không có nghĩa là bạn hoàn toàn không bị nhiễm SARS-CoV-2.

Hiện, rất nhiều người đã hiểu chưa đúng về giá trị của xét nghiệm test nhanh này, thậm chí có người sau khi test nhanh Âm tính vẫn vô tư đi lại khắp nơi, tham gia các hoạt động đông người... Người dân cần hiểu rõ hơn về giá trị của xét nghiệm này tránh gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo BS. Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, để phát hiện một người có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không hiện nay có 2 nhóm các xét nghiệm: Các xét nghiệm trực tiếp và các xét nghiệm gián tiếp.

Xét nghiệm trực tiếp, là các xét nghiệm nhằm tìm kiếm sự hiện diện của các thành phần cấu tạo của virus ở trong cơ thể. Hiện nay xét nghiệm phổ biến nhất là xét nghiệm tìm kiếm các đoạn gen của virus bằng kỹ thuật PCR, ngoài ra còn có xét nghiệm nuôi cấy phân lập virus.

Xét nghiệm gián tiếp là các xét nghiệm nhằm tìm kiếm các dấu vết của virus để lại trong cơ thể nhiễm. Cụ thể trong trường hợp bệnh COVID-19 là làm các xét nghiệm tìm kháng thể mà cơ thể sinh ra khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Vậy là người trở về từ Đà Nẵng, bạn đã được thực hiện loại xét nghiệm nào?

Hiểu về kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của bạn

Bác sĩ, chuyên gia dịch tễ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam cho biết, bạn có thể dễ dàng hiểu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của bản thân bằng cách sau:

Chuyên gia cảnh báo: Test nhanh ÂM TÍNH không có nghĩa bạn hoàn toàn KHÔNG nhiễm SARS-COV-2 - Ảnh 4.

Người dân được lấy dịch ngoáy mũi họng, xét nghiệm RT-PCR tìm vi rút SARS-CoV-2.

1. Nếu bạn được lấy dịch ngoáy mũi họng, tức là bạn đã được xét nghiệm RT-PCR tìm vi rút SARS-CoV-2.

- Kết quả Dương tính:

Nhiều khả năng là bạn bị nhiễm SARS-CoV 2. Bạn sẽ được đưa tới bệnh viện để làm thêm xét nghiệm và được chăm sóc y tế. Hoặc nếu bạn đang ở bệnh viện/trung tâm cách ly rồi thì cứ làm theo lời cán bộ y tế dặn.

- Kết quả âm tính:

+ Bạn đang trong giai đoạn ủ bệnh, lượng vi rút rất ít, nên chưa tìm ra vi rút SARS-CoV 2 trong dịch mũi họng.

hoặc

+ Kết quả âm tính giả (tùy cách lấy mẫu, loại kit và kỹ thuật xét nghiệm)

hoặc

+ Bạn hiện đang không nhiễm vi rút SARS-CoV 2.

Lúc này, cơ quan y tế sẽ xem xét các yếu tố dịch tễ như: Tiếp xúc ca bệnh/ca nghi hoặc từng/đang ở vùng dịch tễ để đánh giá.

Bạn vẫn tiếp tục cách ly đủ 14 ngày. Nếu có triệu chứng hô hấp thì gọi hotline hoặc y tế phường.

2. Nếu bạn được lấy máu đầu ngón tay hoặc máu tĩnh mạch, tức là bạn được xét nghiệm tìm kháng thể.

Kháng thể là một chất do cơ thể sinh ra để tiêu diệt vi rút khi bị vi rút xâm nhập. Cơ thể cần thời gian mới sinh ra kháng thể được. Nếu tình trạng miễn dịch kém thì cơ thể có thể không sinh ra kháng thể.

- Trường hợp 1: Kết quả dương tính (1 trong 2 chỉ số):

+ Bạn đã có kháng thể

hoặc

+ Kết quả là dương tính giả

Dù là trường hợp nào, bạn cũng cần tiếp tục cách ly và sẽ được lấy dịch mũi họng để xét nghiệm tìm vi rút.

Chuyên gia cảnh báo: Test nhanh ÂM TÍNH không có nghĩa bạn hoàn toàn KHÔNG nhiễm SARS-COV-2 - Ảnh 5.

Nếu bạn được lấy máu đầu ngón tay hoặc máu tĩnh mạch, tức là bạn được xét nghiệm tìm kháng thể.

- Trường hợp 2: Kết quả âm tính (cả 2 chỉ số)

+ Bạn chưa có kháng thể do chưa nhiễm SARS-CoV 2

hoặc

+ ĐANG nhiễm nhưng cơ thể CHƯA sinh kháng thể

hoặc

+ Đó là kết quả là âm tính giả (tùy loại kit xét nghiệm và kỹ thuật)

Vì không rõ bạn thuộc nhóm nào nên tiếp tục cách ly đủ 14 ngày. Nếu chưa được xét nghiệm RT-PCR và có triệu chứng hô hấp thì gọi hotline hoặc y tế phường.

3. Bạn có yếu tố dịch tễ và/hoặc có triệu chứng hô hấp mà vẫn chưa được xét nghiệm

Việc bạn cần làm ngay lập tức là tự cách ly 14 ngày và tiếp tục liên hệ cơ sở y tế. Khi số người cần xét nghiệm rất nhiều thì mọi việc có thể chậm trễ nên kiên trì một chút. Báo với cơ sở y tế nếu bạn có bệnh mạn tính, có thể bạn sẽ được ưu tiên.

Xét nghiệm sớm giúp chẩn đoán và điều trị sớm nếu bạn bị bệnh, cũng như giúp bạn có kế hoạch cho những ngày tiếp theo.

Xét nghiệm Âm tính vẫn cách ly ít nhất 14 ngày, đừng tổ chức ăn mừng hay đi khắp nơi, sau này kê khai mệt mỏi lại bị chế truyện nhé. Bạn hãy cài Bluezone để cập nhật tình trạng người tiếp xúc với mình.

Theo bác sĩ Thu Anh: "Xin đừng gọi người đi từ Đà Nẵng về là 'đối tượng'. Đừng dùng từ 'bắt', 'nhốt' để nói về việc cách ly. Họ có thể là bố mẹ, anh chị, bạn bè, người thương của ta đấy".

Nguồn: Lotus

Theo Bác sĩ, chuyên gia dịch tễ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên