MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia chỉ ra điểm bất thường của xây dựng đường cao tốc Việt Nam

Không đồng tình với ý kiến so sánh chi phí làm đường cao tốc bình quân của Việt Nam với các nước như Mỹ, Trung Quốc, chuyên gia giao thông Phạm Sanh chỉ ra một điểm bất thường khác mà theo ông là đáng quan tâm hơn.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 1.622 km, hiện đã đưa vào khai thác, triển khai thi công một số đoạn nên còn 1.372 km cần xây dựng.

Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án 312.435 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 (từ nay đến 2025) và giai đoạn 2 (sau 2025). Quy mô xây dựng là 4 - 6 làn xe, tốc độ 80 - 120 km/h, chia làm 20 dự án thành phần.

Với số liệu này, nhiều người tính ra chi phí trung bình đầu tư xây dựng 1 km đường bộ cao tốc Bắc – Nam rơi vào khoảng hơn 10 triệu USD.

“Tại sao Trung Quốc cũng có những đặc điểm tương đồng như chúng ta mà chi phí làm đường cao tốc của họ chỉ là 5 triệu USD/km. Mỹ và các nước châu Âu cũng chỉ 3- 4 triệu/km, còn ở ta lại lên đến 10 - 12 triệu USD/km?”, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược từng nêu vấn đề này với báo chí.

Ông Lược cũng chỉ ra đoạn đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có suất đầu tư bình quân lên tới 25,8 triệu USD/km, tương đương 554 tỷ đồng. So sánh thì đây là mức đầu tư cao kỷ lục so với các tuyến đường cao tốc khác trên thế giới.

Trước đó, hồi tháng 3, GS. Đại học Harvard David Dapice đã thốt lên: “Giá làm 1 km đường ở Việt Nam quá cao so so với Mỹ”.

Tuy nhiên, khi trao đổi vấn đề này chuyên gia giao thông Phạm Sanh, ông bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến trên.

“Con số 10 triệu USD chỉ là chia đều bình quân thôi, chứ thực ra từng đoạn một có suất đầu tư khác nhau”, ông nói.

Ông Sanh cho biết suất đầu tư đường cao tốc trên thế giới chưa nước nào đưa ra được. Nếu so sánh nước này với nước khác là sự khập khiễng, vì thế giới không đưa ra được suất đầu tư chung.

Bên cạnh đó, đường cao tốc là một loại đường giao thông đặc biệt, kỹ thuật cao, phải tính toán kỹ trên từng đoạn đường, chứ không thể cao bằng, chia chung.

Do đó, theo quan điểm của ông Sanh, con số 10 triệu USD/km chỉ nên là tham khảo, chứ không nên coi đó là mức để so sánh chi phí đắt hay rẻ với các nước như Mỹ, Trung Quốc.

“Nếu muốn so sánh, phải so sánh về làn xe, tiêu chuẩn kỹ thuật và tiện nghi vì ở các nước, vấn đề địa chất khác nhau, thuỷ văn khác nhau, giải toả đường bộ khác nhau”, ông Sanh nói.

Theo ông, hiện đường cao tốc của Việt Nam vẫn chỉ trong khoảng từ 4 – 6 làn xe. Một số đường cao tốc phía Bắc chỉ có 2 làn xe như một đoạn đường thuộc tuyến Hà Nội – Lào Cai. Trong khi đó, trên thế giới, chỉ có Nhật là đang có đường cao tốc 2 làn xe, nhưng cũng chỉ là những đoạn ngắn, ở nông thôn, rồi sau đó lại tiếp tục mở rộng thành 4 – 6 làn. “Còn trên thế giới, thường là 6 – 12 làn”, ông Sanh nói.

Tuy nhiên, chuyên gia Phạm Sanh lại chỉ ra một điểm bất thường khác trong vấn đề làm cao tốc Việt Nam, đó là “chi phí làm đường sau cao hơn đường trước”.

Cụ thể, ông dẫn ra đường TP. HCM – Trung Lương có giá khoảng 10.000 tỷ đồng tuy nhiên, đến đoạn TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, nhưng đã tăng vọt lên thành 20.000 tỷ đồng và đến đoạn Bến Lứt – Long Thành thì trên 30.000 tỷ. Tất cả những đoạn đường này đều có độ dài tương đương.

“Điểm bất thường ở đây là đường sau chi phí cao hơn đường trước, không ai kiểm soát được, không ai nói được là nó đúng hay sai rồi quyết toán như thế nào…”, ông Sanh nói.

“Thực tế là chúng ta đang đầu tư công không hiệu quả. Còn bảo chi phí đắt hơn các nước khác là không chính xác. Vì không hiệu quả, suất đầu tư càng lúc càng cao, kéo theo chi phí đường bộ cao, khiến mất đi tính hiệu quả của giao thông trong nền kinh tế quốc dân”, ông nhận xét thêm.

Thực tế, từ tháng 10/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu rà soát, điều chỉnh hệ thống mức dự toán và chi phí đầu tư xây dựng công trình giao thông. Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn một số dự án đầu tư xây dựng đường bộ, tổ chức thi công thí điểm một km đường.

Đến tháng 2/2017, Chính phủ lại một lần nữa “đốc thúc” Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn một số dự án đường bộ, tổ chức thi công thí điểm một km đường, làm cơ sở rà soát, điều chỉnh định mức dự toán và chi phí đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, đến nay các bộ, ngành vẫn chưa có báo cáo một cách cụ thể về vấn đề trên.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên