MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến trẻ bị suy giáp bẩm sinh - căn bệnh làm chúng đần độn, không mẹ nào mong muốn gặp phải: Xét nghiệm máu gót chân có thể giúp phát hiện sớm

14-09-2020 - 00:20 AM | Sống

Suy giáp bẩm sinh hay còn gọi là bệnh đần độn, xuất hiện với tỉ lệ 1/3000-1/4000 trẻ nghĩa là cứ 3000 - 4000 trẻ sinh ra mỗi năm thì có 1 trẻ bị suy giáp bẩm sinh. Suy giáp bẩm sinh gây ra tình trạng chậm phát triển thể chất, tinh thần và vận động ở trẻ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ bị lùn và đần độn suốt đời, thậm chí trẻ có thể bị tử vong.

Tuyến giáp nằm ở đâu trên cơ thể?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình con bướm nằm ở phía trước dưới của vùng cổ, phía dưới sụn giáp và bao gồm hai thùy kết nối với nhau. Khi người mẹ mang thai ở tuần thứ 3 tuyến giáp bắt đầu được hình thành. Tuyến giáp sẽ di chuyển xuống đúng vị trí (vùng cổ) khi thai được 13 tuần tuổi và bắt đầu sản xuất hormone tuyến giáp cho thai nhi. Trước tuần thứ 13, thai nhi nhận hormone giáp từ mẹ.

Hormone tuyến giáp có tác dụng tới sự chuyển hóa cơ thể, sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, đặc biệt là sự phát triển của não bộ, cho nên thiếu hụt hormone tuyến giáp sẽ gây ra nhiều vấn đề với đứa trẻ.

Hậu quả nghiêm trọng nhất là gây ra tình trạng chậm phát triển thể chất, chậm phát triển tâm thần, trẻ bị đần độn. Ngoài ra trẻ có thể chậm tăng trưởng, bị thấp, nhẹ cân. Trẻ cũng dễ bị vàng da kéo dài sau khi sinh.

TS.BS. Lê Thị Việt Hà - Trưởng khoa Bệnh lý tuyến giáp, BV Nội tiết Trung ương đã có bài viết chi tiết cảnh báo về căn bệnh này:

Chuyên gia chỉ ra loạt nguyên nhân của căn bệnh nột tiết bẩm sinh có thể khiến trẻ đần độn: Xét nghiệm máu gót chân có thể giúp phát hiện sớm - Ảnh 1.

TS.BS. Lê Thị Việt Hà - Trưởng khoa Bệnh lý tuyến giáp, BV Nội tiết Trung ương

Suy giáp là gì?

Suy giáp là hiện tượng mà tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả, không thể cung cấp đủ hormon để cho cơ thể hoạt động bình thường. Ở trẻ em, suy giáp có thể xuất hiện ngay sau sinh đây là tình trạng suy giáp bẩm sinh. Ngoài ra, bệnh có thể phát triển sau này trong thời thơ ấu.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ mắc phải căn bệnh suy giảm bẩm sinh.

Suy giáp do hệ miễn dịch nhầm địa chỉ tấn công tế bào tuyến giáp

Nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp mắc phải ở trẻ em và trẻ ở tuổi thanh thiếu niên là viêm tuyến giáp Hashimoto, còn gọi là viêm tuyến giáp tự miễn. Tình trạng này thường xuất hiện ngay trong những năm đầu đời của trẻ.

Viêm tuyến giáp Hashimoto là một rối loạn tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch với nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của bệnh nhiễm trùng bỗng nhiên có những nhầm lẫn các tế bào tuyến giáp với các tác nhân lạ và quay lại tấn công chúng và dẫn đến viêm tuyến giáp.

Theo thời gian, tình trạng viêm làm tổn thương tuyến giáp, làm giảm dần nồng độ hormone tuyến giáp. Một khi nồng độ hormone giáp giảm xuống dưới mức bình thường, tuyến yên sẽ đáp ứng bằng cách tạo ra nhiều hormone kích thích tuyến giáp (TSH) để cố gắng làm cho tuyến giáp hoạt động mạnh hơn và tăng mức độ hormone tuyến giáp.

Viêm tuyến giáp Hashimoto hiện vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân. Theo các chuyên gia, bệnh này có thể di truyền.

Nhiều nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh và trẻ vị thành niên đột nhiên bị suy giáp

Bên cạnh tình trạng suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto, còn nhiều nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên bị suy giáp như:

- Viêm tuyến giáp do nhiễm virus.

- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp để điều trị u tuyến giáp, ung thư tuyến giáp hoặc bệnh bướu giáp lồi mặt

- Điều trị phóng xạ gây phá hủy hoặc làm tổn thương tuyến giáp, bao gồm iốt phóng xạ để điều trị bệnh bướu giáp lồi mắt, hoặc xạ trị vào vùng cổ để điều trị bệnh Hodgkin, bệnh ung thư hạch hoặc ung thư khác.

- Sử dụng các loại thuốc như lithium, amiodarone và oxcarbazepine có thể gây cản trở hoạt động tuyến giáp

- Ăn quá nhiều hoặc quá ít iốt làm tuyến giáp hoạt động bất thường

- Tổn thương tuyến yên: Tuyến yên trong não sẽ quy định lượng hormone mà tuyến giáp tạo ra. Khi tuyến yên bị tổn thương, nó có thể không tạo đủ TSH để đảm bảo chức năng tuyến giáp bình thường.

Làm sao để phát hiện sớm trẻ bị suy giáp bẩm sinh?

Bác sĩ thường khó phát hiện sớm bệnh suy giáp bẩm sinh ở trẻ thông qua thăm khám thông thường, bởi vì các triệu chứng sớm của bệnh không xuất hiện ngay sau đẻ mà thường biểu hiện muộn hơn ở lứa tuổi bú mẹ hoặc tuổi học đường. Vì vậy, đến khi phát hiện trẻ có những triệu chứng điển hình thì bệnh thường bị muộn và điều trị ít kết quả. Khi đó trẻ có thể sẽ phải chịu những hậu quả, di chứng lâu dài ảnh hưởng cả cuộc đời.

Tuy nhiên, bệnh suy giáp bẩm sinh có thể nhận biết nhờ một số triệu chứng thường xuất hiện trễ, khoảng 2-3 tháng sau sinh như: Bé ít linh hoạt, ít cử động hơn những trẻ khác, ít bú, táo bón, tiếng khóc khan, da khô, vàng da kéo dài, rốn lồi, lưỡi to, thóp rộng.

Chuyên gia chỉ ra loạt nguyên nhân của căn bệnh nột tiết bẩm sinh có thể khiến trẻ đần độn: Xét nghiệm máu gót chân có thể giúp phát hiện sớm - Ảnh 2.

Biện pháp hữu hiệu nhất để phát hiện sớm bệnh ở trẻ sơ sinh đó là thực hiện xét nghiệm sàng lọc sau sinh vào ngày thứ 1-3 ngay sau sinh. Trẻ sẽ được lấy một giọt máu nhỏ ở gót chân và thấm vào một mẫu giấy thấm nhỏ, mẩu giấy này được gửi đến trung tâm xét nghiệm để đo nồng độ TSH. Nếu nồng độ TSH cao, trẻ có thể mắc suy giáp bẩm sinh nguyên phát. Gia đình sẽ được thông báo cho trẻ đến khám và có thể làm lại xét nghiệm bằng máu tĩnh mạch để xác định chẩn đoán.

Điều trị suy giáp ở trẻ em và trẻ vị thành niên thế nào?

Ở trẻ suy giáp bẩm sinh, do lượng hormone giáp tiết không đủ nên việc điều trị chủ yếu bổ sung hormone tuyến giáp dưới dạng viên uống mỗi ngày. Thuốc viên uống có tác dụng như hormone tuyến giáp tự nhiên trong cơ thể. Liều lượng thuốc tùy vào cân nặng và chiều cao của bé, bé càng lớn lên thì liều thuốc uống sẽ tăng thêm, cho nên bé cần tái khám theo hẹn của bác sĩ.

Nếu trẻ suy giáp bẩm sinh ngưng thuốc một thời gian dài, các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện trở lại.

Việc điều trị thường là kéo dài suốt đời trừ một số trẻ suy giáp thoáng qua. Trẻ bị suy giáp thoáng qua sẽ dùng thuốc trong vài năm hoặc có khi không cần dùng thuốc.

Trẻ em bị suy giáp quá mức (TSH tăng và nồng độ T4 thấp) thường được điều trị bằng cách thay thế hormone. Mục tiêu của bác sĩ là đưa T4 và TSH về ngưỡng bình thường và khôi phục các chức năng bình thường của cơ thể. Phần lớn bệnh nhân có thể đạt được mức hormone tuyến giáp bình thường bằng cách uống thuốc levothyroxin mỗi ngày một lần.

Thời điểm lý tưởng để dùng levothyroxin là khi bụng đói, ít nhất 30 phút trước khi ăn. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả điều trị bệnh cần dùng levothyroxin đều đặn, vào thời điểm dễ nhớ và tránh quên thuốc. Nếu quên thuốc nên uống ngay khi nhớ ra.

Khi đang điều trị suy giáp bằng levothyroxin, nếu cần sử dụng một số loại thuốc, TPCN như canxi hoặc sắt hoặc vitamin thì uống xa thuốc hormone giáp sau 2h. Nếu đang sử dụng biotin liều cao để giúp tóc và móng chắc khỏe, thì nên ngừng sử dụng biotin 2 ngày trước khi xét nghiệm tuyến giáp vì biotin có thể gây sai lệch kết quả.

Biotin có thể được dùng trở lại sau khi thăm khám. Nếu bạn có ý định dùng thêm thuốc hoặc thực phẩm bổ sung cho trẻ hãy trao đổi ngay với bác sĩ.

Nguồn tham khảo: ATA – American Thyroid Association – Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ (https://www.thyroid.org/hypothyroidism-children-adolescents/)

TS.BS. Lê Thị Việt Hà

Trở lên trên