Chuyên gia đề xuất giải pháp để miền Trung thực sự hấp dẫn nhà đầu tư
Để khai khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế miền Trung, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần có cơ chế, chính sách đột phá nhằm tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, khai thác thế mạnh của vùng hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
-
Trên tổng thể, thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn và cần những quyết sách nhanh, mạnh để ổn định thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp
-
Thương hiệu Việt, hàng Việt muốn đứng vững được trên thị trường thế giới trước hết phải đứng được trong niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam.
TS. Trần Du lịch, Trưởng Nhóm tư vấn phát triển Duyên hải miền Trung cho rằng để miền Trung, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của cả nước trong giai đoạn đến năm 2030, các địa phương phải có một quyết tâm chính trị cao, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, tạo bước đột phá đối với 5 trụ cột kinh tế.
Đó là dịch vụ du lịch và các hoạt động gắn với du lịch; cảng biển gắn với logistics; công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khai thác các khu kinh tế và khu công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp; phát triển đô thị ven biển gắn với quá trình đô thị hóa.
Để khai thác 5 trụ cột kinh tế nêu trên, cần cụ thể hóa việc thực thi chiến lược kinh tế biển trên địa bàn vùng bằng việc ưu tiên xây dựng 4 chương trình mục tiêu trên quy mô vùng, gồm: Phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nguyên liệu nông - lâm - ngư nghiệp; phát triển cảng biển gắn với logistics; phát triển du lịch vùng; phát triển nguồn nhân lực của vùng và xây dựng thị trường lao động chung.
Theo TS. Trần Du Lịch, công nghiệp chế biến là lĩnh vực miền Trung đang còn yếu, vì vậy phải thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế nguyên liệu nông - lâm - ngư nghiệp. Cần xây dựng các cứ điểm sản xuất nông nghiệp - công nghiệp, lấy doanh nghiệp công nghiệp chế biến làm nền tảng để quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu nông - lâm - ngư nghiệp.
Nếu miền Trung chậm phát triển công nghiệp thì khó kiềm chế xu hướng di chuyển lao động trẻ đến hai vùng kinh tế trọng điểm phía bắc và phía nam, nguy cơ bất hợp lý là thiếu lao động tại chỗ. Mặt khác, nếu công nghiệp không phát triển thì không thể khai thác lợi thế cảng biển, logistics được xem là thế mạnh của miền Trung. Đồng thời, xây dựng chính sách đồng bộ để đón nhận dòng đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành công nghiệp chế tạo và chế biến ở các khu công nghiệp và các kinh tế ven biển chính là sự tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia.
Theo ông Trần Du Lịch, để thu hút doanh nghiệp nhằm tạo ra một làn sóng đầu tư mạnh mẽ cần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội, tạo sự chuyển biến tích cực của các nhân tố như kinh tế vĩ mô ổn định, không tạo ra rủi ro chính sách đối với thị trường; môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch, tính hiệu lực cao và nền hành chính mang tính phục vụ; đào tạo nguồn lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông.
TS. Trần Du Lịch cũng đề nghị ưu tiên hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định; khuyến khích các địa phương thông qua cơ chế tự huy động nguồn vốn từ quỹ đất đô thị hóa để triển khai tuyến đường bộ ven biển. Cần xem tuyến đường này là một phần trong việc triển khai chiến lược kinh tế biển và phát triển các đô thị ven biển. Tuyến đường này sẽ làm thay đổi hoạt động kinh tế và đời sống dân cư ven biển mà bao đời nay vẫn là địa bàn nghèo khó.
Đầu tư mở rộng, nâng cấp các “đường xương cá” nối Quốc lộ 1A với Tây Nguyên để tạo sự liên kết kinh tế giữa miền Trung với Tây Nguyên. Xây dựng hệ thống giao thông gắn với các cảng biển, sân bay quốc tế thành hệ thống logistics của vùng.
Nhằm tạo đột phá cho du lịch miền Trung phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, PGS. TS Phạm Trung Lương (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) đề xuất nên cho phép các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia không giới hạn về tỷ lệ vốn để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng du lịch trọng yếu ở miền Trung và liên kết với vùng Tây Nguyên.
Xem xét việc áp dụng cơ chế cho phép tư nhân đầu tư và khai thác đầu mối hạ tầng giao thông (tương tự như chính sách xây dựng sân bay Vân Đồn và cảng hành khách quốc tế Hạ Long).
Cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi nhất theo quy định hiện hành để thu hút các nguồn lực xã hội trong nước và đầu tư quốc tế, bảo đảm đến năm 2025 sẽ xây dựng hoàn chỉnh ít nhất 2 khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế tại Cù Lao Chàm (gắn với Di sản Văn hóa thế giới phố cổ Hội An) và Bắc Cam Ranh (gắn với tam giác động lực phát triển du lịch Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt), tạo đột phá cho phát triển du lịch và liên kết du lịch giữa vùng duyên hải miền Trung với Tây Nguyên; xây dựng 2 tổ hợp mua sắm - vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế dành cho khách du lịch tại các trung tâm du lịch của vùng là Đà Nẵng và Nha Trang.
Cho phép thực hiện thí điểm thành lập “Quỹ xúc tiến du lịch duyên hải miền Trung” với nguồn thu từ huy động nguồn lực xã hội (doanh nghiệp du lịch) và thí điểm thu 1USD/đêm/khách du lịch quốc tế lưu trú tại một số địa phương trọng điểm du lịch miền Trung. Mục đích duy nhất của Quỹ là sử dụng cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch vùng. Để thực hiện được chính sách này, cần có sự công khai, minh bạch và cam kết đối với việc sử dụng Quỹ này...
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho rằng bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ, các địa phương trong vùng cần liên kết, hợp tác trong phát triển với tinh thần “dù không thể thống nhất suy nghĩ của mọi người nhưng có thể thống nhất mọi người qua một mục tiêu chung", qua đó, xây dựng miền Trung, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trở thành mảnh đất thực sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế./.
Chinhphu.vn