Chuyên gia Guotai Junan Việt Nam: "Doanh nghiệp tốt nhưng định giá cao có thể trở thành khoản đầu tư tồi"
Năm 2022, Guotai Junan Việt Nam dự báo mức độ hồi phục về lợi nhuận hay EPS của doanh nghiệp sẽ khoảng 20% - 24%. Chỉ số VN-Index theo đó có thể đạt từ 1.700 - 1.800 điểm.
Tại Talkshow Phố Tài Chính trên VTV8, ông Võ Thế Vinh, Giám đốc Phân tích, CTCK Guotai Junan Việt Nam đã đưa ra những đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam cũng như cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 kỳ vọng từ 6,5% đến 7%
Theo ông Võ Thế Vinh, trong 2 tháng đầu năm, chỉ số PMI luôn duy trì trên 50, có nghĩa các doanh nghiệp sản xuất đang rất kỳ vọng vào việc tiếp tục mở cửa lại hoạt động sản xuất. Thêm vào đó, từ tháng 3 chúng ta sẽ hoàn toàn mở cửa lại đường bay quốc tế, điều này sẽ giúp cơ cấu hoạt động của nhóm khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đẩy mạnh hơn cũng như nền kinh tế sẽ có thêm sự đóng góp từ khu vực du lịch.
Do vậy, ông Vinh kỳ vọng tăng trưởng GDP quý 1/2022 tăng khoảng từ 5% đến 5,1%. Trong trường hợp dịch Covid-19 phức tạp hay tốc độ mở cửa kinh tế chậm hơn thì tăng trưởng GDP quý 1 sẽ chậm hơn cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 4,2%.
Chuyên gia Guotai Junan Việt Nam đánh giá các yếu tố cạnh tranh của nền kinh tế vẫn không đổi, Việt Nam có một lực lượng lao động lớn và mức chi phí rất hấp dẫn so với các quốc gia khác ở trong khu vực, từ đó sẽ vẫn tiếp tục thu hút FDI trong quý tiếp theo. Có thể trong một, hai quý Việt Nam sẽ chậm hơn do Chính phủ vẫn ưu tiên kiểm soát dịch. Tuy nhiên trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung vẫn sẽ đạt được ít nhất bằng mức kế hoạch của Chính phủ khoảng 6,5% và thực tế có thể lên đến khoảng 7%.
Bài toán của Việt Nam sẽ nằm tại việc kiểm soát lạm phát, ngoài ra cũng vừa có gói hỗ trợ hậu Covid với giá trị khoảng 4% GDP cho 2 năm sắp tới, điều này càng củng cố khả năng hồi phục của kinh tế Việt Nam.
Trong quý 2, ông Vinh kỳ vọng vào các dự án FDI mới, những nhà máy mới được khởi động, những đơn hàng mới, ngoài ra cũng sẽ kỳ vọng vào sự đóng góp của khu vực du lịch. Chuyên gia Guotai Junan Việt Nam cho rằng mức độ tăng trưởng bình quân hằng quý của Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 6-7%. Do vậy với mức độ hồi phục dần dần sau quý 1 với mức độ hồi phục khoảng 5% thì đến quý 2 mức độ hồi phục sẽ tiệm cận khoảng 6%. Và gói kích thích về tài khóa sẽ luôn có độ trễ về mặt chính sách, do vậy mức độ tăng trưởng cao sẽ rơi vào nửa sau của năm 2022.
Doanh nghiệp tốt nhưng định giá cao cũng có thể trở thành khoản đầu tư tồi
Ông Võ Thế Vinh đánh giá cơ hội đầu tư từ chủ đề đầu tư công vẫn còn nhưng sẽ khó hơn. Đối với các nhóm ngành chính được hưởng lợi từ đầu tư công như vật liệu xây dựng, nhóm xây dựng, nhóm bất động sản, kể cả bất động sản khu công nghiệp, bất động sản nhà ở, rất nhiều các cổ phiếu trong đấy đã chứng kiến đà tăng giá mạnh mẽ. Và điều này sẽ làm thu hẹp upside kỳ vọng còn lại cho các cổ phiếu này.
Dù vậy, cơ hội vẫn còn vì thực tế việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn là câu chuyện của gói kích thích kinh tế và nó còn dựa vào những kế hoạch từ các dự án hạ tầng liên quan đến cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành đều là những dự án lớn và có thể làm động lực tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tuy nhiên, ông Vinh nhấn mạnh cần phải sàng lọc và bám rất sát vào tiến độ triển khai của các dự án.
Ngoài ra nhóm ngân hàng, sẽ có ngành chứng khoán sẽ vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt. Nhóm cảng biển, vận tải biển cũng là một trong những nhóm tăng trưởng đi cùng với sự hồi phục của hoạt động đầu tư FDI hay nhóm bất động sản khu công nghiệp. Trong năm vừa qua, xu hướng tiêu dùng, mua sắm online đã diễn ra mạnh mẽ, và nếu như lạm phát có thể kiểm soát được thì tiêu dùng sẽ được hồi phục tốt.
Về ngành Bất động sản, ông Võ Thế Vinh cho biết trong nửa cuối 2021, có một mức tăng trưởng về giá rất mạnh trong nhóm bất động sản nhà ở, đặc biệt đối với các mã có mức vốn hóa vừa. Nhóm bất động sản dân cư vẫn có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn vì tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại vẫn ở dưới mức 40%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia lớn trong khu vực ASEAN chẳng hạn như Indonesia, Philippines, Malaysia hay Thái Lan.
Dù vậy, đối với các mã nằm ở mức vốn hóa vừa, mức tăng giá đã rất mạnh trong khoảng thời gian ngắn, từ 5 - 10 lần trong khi để triển khai một dự án bất động sản sẽ tốn từ 2 - 3 năm cho đến lúc các doanh nghiệp bất động sản mới có thể ghi nhận doanh thu lợi nhuận.
Do vậy, chuyên gia Guotai Junan Việt Nam lưu ý nếu chúng ta mua những giá trị trong tương lai quá xa thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với rủi ro biến động giá trong ngắn hạn. Đối với một doanh nghiệp tốt nhưng tại một mức giá quá cao cũng có thể biến nó trở thành một khoản đầu tư tồi, chúng ta sẽ cần phải chọn lọc doanh nghiệp và mua tại một mức định giá hợp lý.
Các doanh nghiệp có các dự án liên tiếp trong năm tiếp theo sẽ được ưu tiên lựa chọn, đó là các doanh nghiệp mà nhà đầu tư có thể theo dõi trong khu vực bất động sản khu dân cư. Ngoài ra, có thể nói đến bất động sản khu công nghiệp, sau khi Việt Nam mở cửa trở lại đường bay quốc tế thì sẽ có thêm nhiều người thuê đến với các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của hệ thống cảng biển, logistic mới thì nhóm các khu công nghiệp mới cũng sẽ có sự hấp dẫn nhất định với các nhà đầu tư.
Kiểm soát tốt lạm phát, thị trường có thể trở lại xu hướng tăng điểm từ quý 2
Về thị trường chứng khoán, ông Võ Thế Vinh cho biết thời điểm này, những diễn biến về kinh tế, về địa chính trị quốc tế đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Nếu trong dài hạn những căng thẳng này sẽ leo thang hoặc biến chuyển sang các căng thẳng khác thì dòng tiền đầu tư trên thị trường sẽ không ưu tiên những tài sản rủi ro và đây sẽ là rủi ro chính cho thị trường chứng khoán.
Năm 2022, Guotai Junan Việt Nam dự báo mức độ hồi phục về lợi nhuận hay EPS của doanh nghiệp sẽ khoảng 20% - 24%. Chỉ số VN-Index theo đó có thể đạt từ 1.700 - 1.800 điểm. Tuy nhiên vẫn còn một biến số nữa đó là nhà đầu tư ở trên thị trường sẽ trả cho thị trường và các ngành lớn nói riêng P/E bao nhiêu. Đây là lý do vì sao kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng vẫn rất tốt, tuy nhiên cổ phiếu ngân hàng đã dao động khá giằng co trong thời gian gần đây.
Theo ông Võ Thế Vinh, nếu nhà đầu tư cảm thấy vẫn duy trì tỷ trọng cổ phiếu như hai năm vừa qua thì chúng ta sẽ duy trì P/E khoảng 16 hoặc có thể cao hơn, tiệm cận vùng đỉnh như 2018 lên đến khoảng 21 lần. Nhưng nếu như nhà đầu tư e ngại rủi ro sẽ khiến P/E thấp hơn so với mức mà chúng ta đang có ở thời điểm hiện tại là khoảng 16 - 17 lần và sẽ khiến thị trường giảm điểm.
Chuyên gia Guotai Junan Việt Nam đánh giá nếu như Chính phủ vẫn kiểm soát tốt lạm phát thì thị trường sẽ dần cởi bỏ được tâm lý bi quan và VN-Index có thể vượt qua ngưỡng 1.500 điểm, các doanh nghiệp sẽ duy trì đà tăng trưởng vì kinh tế vẫn đang trong chu kỳ hồi phục. Do đó, các doanh nghiệp dẫn đầu chu kỳ hồi phục sẽ nhận được sự quan tâm của dòng tiền và hình thành các xu hướng tăng điểm ngay trong quý 2 sắp tới.