MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Harvard cảnh báo cơn sốt ''mua trước, trả sau'' không chỉ là sự bùng nổ xu hướng tiêu dùng mà có thể dẫn đến bong bóng nợ nần

16-05-2022 - 11:36 AM | Doanh nghiệp

Chuyên gia Harvard cảnh báo cơn sốt ''mua trước, trả sau'' không chỉ là sự bùng nổ xu hướng tiêu dùng mà có thể dẫn đến bong bóng nợ nần

''Việc mua một thứ gì đó mà không lường trước điều gì sẽ xảy ra khi không có khả năng thanh toán và rơi vào tình trạng vỡ nợ - đối với một người làm công ăn lương bình thường là một vấn đề đáng báo động" - vị Chuyên gia Harvard cho biết.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, hình thức "Buy now, pay later'' (mua trước, trả sau) đã trở thành một xu thế phổ biến song hành cùng với sự bùng nổ của làn sóng mua sắm trực tuyến. Hầu như mọi khách hàng đều yêu thích sự tiện lợi của việc mua trước, trả sau.

“Mua trước, trả sau” được hiểu là hình thức thanh toán cho phép người mua được nhận một khoản vay thông qua quy trình tín dụng từ thu thập hồ sơ, thẩm định phê duyệt và giải ngân từ những bên được cấp phép. Sau khi thông qua những thủ tục thẩm định trên sẽ được cấp một lượng vốn (hay còn biết đến như hạn mức) để sử dụng hàng tháng.

Ban đầu, việc sử dụng hình thức này để mua big-ticket (mặt hàng có giá bán cao) - ví dụ như Peloton, hãng thiết bị tập gym tại tại nhà hàng đầu tại Mỹ - chỉ có ý nghĩa về mặt tài chính, đặc biệt là khi lãi suất ở mức 0%.

Song Experian cho rằng, hiện nay, 4/5 người tiêu dùng ở Mỹ sử dụng hình thức mua trước, trả sau trong việc mua sắm tất cả các mặt hàng, từ quần áo đến đồ gia dụng. Và hầu hết người mua hàng cho biết hình thức này có thể thay thế phương thức thanh toán truyền thống như thẻ tín dụng.

Marshall Lux, thành viên của Trung tâm Mossavar-Rahmani dành cho Doanh nghiệp và Chính phủ tại Trường Harvard Kennedy, cho biết: ''Người tiêu dùng khi đi mua sắm hầu hết đều được hỏi về việc có muốn sử dụng hình thức trả góp hay không''.

Ngày nay, phần lớn người mua hàng sẽ thấy tùy chọn mua trước, trả sau khi mua sắm trực tuyến tại các nhà bán lẻ như Target, Walmart và Amazon. Đồng thời, nhiều nhà cung cấp cũng đang đưa ra tiện ích tải xuống các trình duyệt để được áp dụng phương thức này cho mọi giao dịch trực tuyến. Sau đó sẽ các ứng dụng cho phép người mua hàng thanh toán trả góp khi mua hàng trực tiếp - tương tự như Apple Pay.

''3 năm trước, việc thanh toán trả sau dường như chỉ xuất hiện khi mọi người nói về thiết bị Peloton, nhưng giờ đây khái niệm tồn tại từ việc mua giày thể thao, quần jeans, tất,..Và khi mọi người bắt đầu mua hàng gia dụng theo hình thức tín dụng thì đó là vấn đề đáng lo ngại''.

Thêm vào đó, sự phát triển nhanh chóng của mua trước, trả sau chủ yếu được thúc đẩy bởi nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi, với 2/3 số người sử dụng hình thức này được coi là người đi vay dưới chuẩn (người được coi là có rủi ro tín dụng tương đối cao đối với người cho vay. Người đi vay dưới chuẩn có điểm tín dụng thấp và có thể có nhiều yếu tố tiêu cực trong báo cáo tín dụng của họ, ví dụ như không trả nợ đúng kì hạn và bị từ chối tài khoản).

Lux cho rằng, điều đó sẽ dễ khiến họ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc kinh tế hoặc suy thoái có thể xảy ra trong tương lai.

Ngoài ra, theo khảo sát từ LendingTree, có đến gần 70% người dùng mua trước, trả sau thừa nhận chi tiêu nhiều hơn mức dự kiến so với việc thanh toán trả trước. Thậm chí, 42% người tiêu dùng lựa chọn hình thức này thường thanh toán muộn hơn so với thời hạn ở một số khoản vay của họ.

Còn theo khảo sát của Piplsay, GenZ là độ tuổi có khả năng sẽ nhấn lựa chọn hình thức mua trước, trả sau để mua sắm hàng ngày, thay vì chỉ chọn khi mua sắm các mặt hàng big-ticket, điều đó khiến họ có nguy cơ quên thanh toán một số khoản vay.

Nhìn chung, khi người mua sắm quên mất việc thanh toán một khoản vay, họ có thể sẽ phải nộp tiền phạt chậm trả lãi hoặc các khoản phạt khác, tùy thuộc vào người cho vay (trường hợp nhà cung cấp khoản vay báo cáo với các công ty chấm điểm tín dụng, việc thanh toán chậm có thể làm giảm điểm tín dụng của người mua hàng).

''Việc mua một thứ gì đó mà không lường trước điều gì sẽ xảy ra khi không có khả năng thanh toán và rơi vào tình trạng vỡ nợ - đối với một người làm công ăn lương bình thường là một vấn đề đáng báo động" - Lux nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị stress-test (kiểm tra sức chịu đựng) hình thức này bởi "Nó có tiềm năng trở thành một bong bóng khá lớn".

Theo đó, Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) đã tiến hành điều tra về xu hướng mua trước, trả sau. Cơ quan giám sát tài chính đặc biệt quan tâm đến việc hình thức này tác động như thế nào đến việc tích lũy nợ của người tiêu dùng, cũng như luật bảo vệ người tiêu dùng được áp dụng như thế nào và cách các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán thu thập dữ liệu ra sao.

Giám đốc CFPB Rohit Chopra cho biết: "Mua trước, trả sau là phiên bản mới của việc trả góp, nhưng với sự thay đổi hiện đại, nhanh hơn, nơi người tiêu dùng nhận được sản phẩm ngay lập tức nhưng cũng phải trả nợ ngay lập tức".

Hiện CFPB chưa thông tin thêm về các hành động tiếp theo của họ.

https://cafef.vn/chuyen-gia-harvard-canh-bao-con-sot-mua-truoc-tra-sau-khong-chi-la-su-bung-no-xu-huong-tieu-dung-ma-co-the-dan-den-bong-bong-no-nan-20220516102952397.chn

Nhuận Hoa

CNBC

Trở lên trên