MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia HSC: "VN-Index có thể đạt 1.550 điểm vào đầu năm 2022 trước khi xuất hiện một nhịp điều chỉnh lớn"

Chuyên gia HSC: "VN-Index có thể đạt 1.550 điểm vào đầu năm 2022 trước khi xuất hiện một nhịp điều chỉnh lớn"

Về chiến lược đầu tư trong quý 4/2021, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới trạng thái "bình thường mới" sau làn sóng dịch bệnh COVID-19, bà Hồ Thị Kiều Trang khuyến nghị nhà đầu tư có thể chú ý đến một nhóm cổ phiếu là BĐS Bán lẻ.

Trong buổi hội thảo trực tuyến tổ chức chiều 21/10 bởi Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), ông Phạm Vũ Thăng Long - Giám đốc nghiên cứu Kinh tế vĩ mô HSC đánh giá, COVID-19 đã làm giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2020 và hiện là năm 2021 xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 20 năm qua. 

Bộ phận nghiên cứu của HSC đưa ra mức dự phóng tăng trưởng GDP trong năm 2021 sẽ chỉ ở mức 2,08% - thấp hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra là 3-3,5%. Điều này đồng nghĩa với việc GDP riêng cho quý 4/2021 được dự phóng ở mức 4%.

Tuy nhiên, chuyên gia đến từ HSC cho rằng bức tranh sẽ vô cùng tươi sáng cho những năm tiếp theo là 2022 và 2023 với kỳ vọng tăng trưởng GDP có thể đạt từ 6,5-7%; đồng thời kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ tăng trưởng ở mức hai chữ số - mức cao nhất trong khu vực châu Á. Giải ngân FDI mặc dù hơi chững lại trong thời gian qua, song sẽ vẫn ổn định và hồi phục hậu sóng COVID-19.

Chuyên gia HSC: VN-Index có thể đạt 1.550 điểm vào đầu năm 2022 trước khi xuất hiện một nhịp điều chỉnh lớn - Ảnh 1.

Nguồn: Hội thảo chiều 21/10 do HSC tổ chức

"VN-Index hướng đến ngưỡng 1.550 điểm vào đầu năm 2022 trước khi xuất hiện một nhịp điều chỉnh lớn"

Nói về diễn biến thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Quý xét trên phương diện phân tích kỹ thuật thì chỉ số VN-Index đã tạo đáy vào khoảng thời điểm 2009 và liên tục tăng cho đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt, chỉ số đang được xây dựng theo mô hình "cốc tay cầm" khá hoàn thiện khi đã vượt đỉnh sau nhịp điều chỉnh sâu về mốc 645 điểm hồi năm 2020 khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu lây lan tại Việt Nam.

Hiện tại, mặc dù những tác động của làn sóng dịch bệnh khiến thị trường chủ yếu lình xình đi ngang, song ông Quý nhận định mô hình VN-Index vẫn chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng. Thị trường đang được thúc đẩy từ lực đỡ chủ yếu từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ; đồng thời thiếu vắng đi những trụ đỡ chính như ngân hàng hay bất động sản mà thay vào đó là các nhóm ngành nhỏ hơn như sóng tăng giá từ siêu chu kỳ hàng hóa tại các nhóm cảng biển, thủy sản, phân bón, thép… Do đó, cơ hội đầu tư ngắn hạn tại các nhóm cổ phiếu cụ thể với những kỳ vọng hưởng lợi là vẫn khá hấp dẫn.

Dự phóng đến cuối năm 2021, ông Quý cho rằng VN-Index sẽ có thể vượt đỉnh ngắn hạn 1.450 điểm, tạo sức bật cho đầu năm 2022 với việc chỉ số sẽ có thể tiếp tục chinh phục thành công 1.550 điểm (tương ứng Fibonacci 161,8%) - trước khi một nhịp điều chỉnh lớn hơn có thể xuất hiện.

Chuyên gia HSC: VN-Index có thể đạt 1.550 điểm vào đầu năm 2022 trước khi xuất hiện một nhịp điều chỉnh lớn - Ảnh 2.

Nguồn: Hội thảo chiều 21/10 do HSC tổ chức

Nhóm ngành nào là điểm sáng trong quý 4/2021 từ trạng thái "bình thường mới"?

Về chiến lược đầu tư trong quý 4/2021, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới trạng thái "bình thường mới" sau làn sóng dịch bệnh COVID-19, bà Hồ Thị Kiều Trang – Trưởng phòng cao cấp ngành BĐS của HSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể chú ý đến một nhóm cổ phiếu là BĐS Bán lẻ. 

Điều này xuất phát từ hiệu ứng tâm lý "trả thù dịch", dẫn đến nhu cầu đối với các khu vực bán lẻ, đặc biệt là các trung tâm thương mại tăng cao đột biến. Kèm theo đó, những khách hàng bán kẻ lớn, nhãn hàng quốc tế sẽ thường có cơ chế chia sẻ doanh thu đối với chủ cho thuê bất động sản, do đó càng giúp làm tăng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sở hữu các chuỗi bất động sản bán lẻ và các trung tâm thương mại lớn.

"Ngoài ra, yếu tố đầu tư công với kỳ vọng đẩy giá bất động sản nhờ việc phát triển và nâng cấp hạ tầng đô thị, cũng giúp doanh thu và lợi nhuận của các chủ đầu tư BĐS sẽ được cải thiện", bà Trang nhận định.

Chuyên gia HSC: VN-Index có thể đạt 1.550 điểm vào đầu năm 2022 trước khi xuất hiện một nhịp điều chỉnh lớn - Ảnh 3.

Nguồn: Hội thảo chiều 21/10 do HSC tổ chức

Bên cạnh đó, bà Bùi Hoàng Minh – Chuyên gia phân tích cao cấp Khối Khách hàng Cá nhân HSC đưa thêm luận điểm về triển vọng nhóm ngành sản xuất. Theo đó, nhờ việc khống chế được dịch bệnh thì các doanh nghiệp sản xuất sẽ nhanh chóng phục hồi, qua đó các nhóm ngành liên quan trực tiếp như BĐS KCN, cảng biển hay các doanh nghiệp "xuất siêu" như dệt may, thủy sản, gỗ, cao su, sắt thép... sẽ được hưởng lợi.

Tiếp đó, nhu cầu người dân hồi phục sẽ kích thích việc mua sắm các sản phẩm không thiết yếu, vui chơi giải trí và BĐS nghỉ dưỡng sẽ là điểm sáng. Đồng thời, xu thế "bình thường mới" sẽ giúp Chính phủ duy trì các chính sách nới lỏng nhằm vực dậy nền kinh tế và Tài chính - Ngân hàng, BĐS vùng ven hay nhóm công nghệ - thông tin kỳ vọng sẽ được hưởng lợi.


Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên