MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia khuyến cáo: Cách ăn lẩu khiến thực phẩm dễ biến chất nhiều người Việt đang mắc

05-12-2020 - 18:56 PM | Sống

Theo chuyên gia dinh dưỡng, lẩu là một món ăn ngon và nhiều dưỡng chất. Tuy nhiên, không phải tất cả chúng ta biết ăn lẩu đúng cách.

Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, lẩu là món ăn đa dạng hội tụ nhiều loại thực phẩm như: thịt, cá, rau, nấm, củ, quả… Đây là món ăn ngon và có tính quây quần, ấm cúng.

Tuy nhiên vị chuyên gia này cũng lưu ý hiện nay, người Việt thường có thói quen để đồ ăn trong nồi lẩu quá lâu và thả rất nhiều thực phẩm vào cùng một lúc. Thói quen này sẽ khiến cho thực phẩm bị nấu sôi quá lâu mất đi rất nhiều chất dinh dưỡng.

Chuyên gia khuyến cáo: Cách ăn lẩu khiến thực phẩm dễ biến chất nhiều người Việt đang mắc - Ảnh 1.

ảnh minh hoạ.

"Nhiều chất dinh dưỡng sẽ bị mất khi đun nấu, ninh ở nhiệt độ cao, ví dụ như rau. Lượng vitamin trong rau sẽ giảm đi rất nhanh nếu như ngâm quá lâu trong nồi lẩu. Lúc này ăn rau chỉ còn là chất xơ không có các vitamin và khoáng chất.

Không chỉ có rau mà thịt, cá… đun, nấu trong nồi lẩu quá lâu protein bị chia cắt nhỏ. Khi ăn những thực phẩm này vào cơ thể hấp thu cũng thấp", bác sĩ Anh Đào lưu ý.

Để giữ trọn được dưỡng chất khi ăn lẩu bác sĩ Anh Đào gợi ý, đồ ăn chỉ nhúng một lượng vừa đủ ăn và ăn hết mới nhúng tiếp. Rau và thịt, cá nên để chín kỹ, không nên ăn tái để tránh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

Theo Lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội) lẩu là món ăn ấm, nóng tốt giúp nâng cao sức khoẻ. Đây là món ăn rất thích hợp ăn trong những ngày se lạnh. Tùy theo từng loại lẩu sẽ có những lợi ích khác nhau cho cơ thể.

Lẩu là món ăn kết hợp của nhiều nguyên liệu vì vậy cần lưu ý cách kết hợp các thực phẩm với nhau để tránh kiêng kỵ. Nên chọn cách loại rau lành tính như: rau muống, cải thìa, cải cúc… Rau nên làm sạch và nấu chín mới ăn để tránh giun sán.

"Cần chú ý thịt gà không nên ăn cùng rau kinh giới; Thịt lợn không ăn cùng với rau mùi vì rau mùi có tính tân tán còn thịt lợn có tính ngưng trệ. Hai thứ xung khắc nhau, khi kết hợp ăn cùng sẽ sinh đau quặn ở xung quanh rốn; Thịt dê khi kết hợp với thịt lợn sẽ sinh khí trệ sinh đờm…", Lương y Bùi Hồng Minh cho hay.

Vị Lương y này cũng khuyến cáo thêm, khi ăn lẩu không nên ăn quá nóng để tránh gây ra bỏng niêm mạc miệng và thực quản. Thời gian ăn lẩu cũng không nên kéo dài quá vì có thể khiến cho dịch mật phải tiết ra quá nhiều dễ bị rối loạn đường tiêu hóa gây đau bụng, khó tiêu.

Theo Ngọc Minh

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên