Chuyên gia nói gì về bảng xếp hạng Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới?
Từ sáng ngày 26/9, ứng dụng quan trắc không khí AirVisual xếp hạng Hà Nội và TP.HCM thuộc nhóm ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo vào thời điểm 9h sáng tại Hà Nội là 204, thuộc nhóm rất xấu, cảnh báo sức khoẻ khẩn cấp, cao nhất thế giới.
- 26-09-2019Bác sĩ BV Xanh Pôn khẳng định: “Chườm khi sốt, dân mình toàn làm sai!”
- 26-09-2019Móng tay vàng là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng này
- 26-09-2019Ăn tỏi và hành theo cách này có thể làm giảm hơn 60% nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ
Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới?
Trong sáng 26/9, ứng dụng quan trắc không khí Air Visual và PamAir đồng loạt xếp hạng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo vào thời điểm 9h sáng tại Hà Nội là 204, thuộc nhóm rất xấu, cảnh báo sức khoẻ khẩn cấp.
Theo sau đó, TPHCM cũng có thời điểm đứng ở vị trí thứ 3, sau Hà Nội và Jakarta với chỉ số AQI trung bình là 173, thuộc nhóm xấu, nhạy cảm tránh ra ngoài.
Tại Hà Nội, hoạt động đốt rơm rạ, quá tải dân số, các đại công trường với hàng loạt các dự án xây dựng nhà ở, giao thông,... Ngoài ra, các nguồn thải bên ngoài theo hướng gió đặc biệt là từ các nhà máy nhiệt điện than, các khu công nghiệp hay ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ các nước láng giềng là nguyên nhân tạo nên một lớp bụi siêu mịn bao phủ toàn thành phố.
Những điểm ô nhiễm nhất ở ven đô và đồng bằng Bắc Bộ như tại Bát Tràng, chỉ số AQI lên tới 180, Long Biên có chỉ số AQI là 184...
Chỉ số AQI 9h sáng nay (26/9) cho biết Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh chụp màn hình.
Còn tại TPHCM, kết quả quan trắc ghi nhận từ ngày 3 - 23/9 tại 30 vị trí môi trường cho thấy chất lượng không khí có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... Đặc biệt, trong các ngày 18 đến 20/9, các chất ô nhiễm nặng và gây ra tình trạng "Sài Gòn mù mịt".
Về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, Trung tâm Quan trắc TN-MT cho rằng do hoạt động hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống khiến TP. HCM luôn nhiều mây, không có nắng. Đồng thời kết hợp với nền nhiệt độ thấp có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết, hơi nước bám vào tạo ra lớp mù.
Ngoài ra, do trời không có nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho không khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được, lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan.
Thời gian qua, Hà Nội liên tục rơi vào tình trạng bụi mù mịt cả ngày.
Landmark 81 mịt mờ dưới lớp "sương mù" vì ô nhiễm không khí tại TPHCM.
"Chưa thể khẳng định toàn Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới vì chỉ số có thể tăng giảm theo giờ"
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – Green ID (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho biết, những đánh giá và xếp hạng trên những ứng dụng đo chất lượng không khí như Air Visual hay PamAir chủ yếu mang tính thời điểm. Để có những đánh giá chính xác mang tính toàn diện, cần sử dụng chuỗi số liệu đủ dài về thời gian và rộng hơn về không gian. Nhưng việc xuất hiện những thời điểm ô nhiễm không khí xếp hạng cao này cho thấy vấn đề chất lượng không khí cần được quan tâm nhiều hơn và cần nhiều nỗ lực hơn để giải quyết triệt để.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho rằng, chỉ số trên chưa thể khẳng định toàn Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới vì chỉ số có thể tăng giảm theo giờ. Ngoài ra, với số liệu đo chỉ từ một điểm là Đại sứ quán Mỹ, có mật độ giao thông cao, nhiều công trình đang xây dựng, sẽ có thời điểm chất lượng không khí kém so với mặt bằng chung của thành phố.
Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – Green ID khuyến cáo, vào những thời điểm ô nhiễm không khí ở mức cao, người dân nên hạn chế những hoạt động ngoài trời khi không thực sự cần thiết, tránh những hoạt động mạnh ngoài trời khiến thở sâu, thở gấp. Nếu phải ra ngoài cần sử dụng khẩu trang đảm bảo để có thể ngăn chặn được các hạt bụi mịn PM2.5. Nếu có điều kiện thì nên sử dụng thêm máy lọc không khí trong nhà.
Hiện tại chưa đủ cơ sở để khẳng định Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Khẩu trang cần đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn. Với tiêu chuẩn Hoa Kỳ (NIOSH) cần kiểm tra đầy đủ các thông tin trên bao bì như: NIOSH, tên nhà sản xuất, loại tiêu chuẩn (N95, N99 hay N100); Đối với tiêu chuẩn châu Âu (CE) cần kiểm tra đầy đủ các thông tin trên bao bì như: dấu "CE", tên nhà sản xuất, chứng nhận EN149:2001 và loại tiêu chuẩn (FFP2, FFP3). Nếu bạn làm việc trong môi trường có nhiều khí độc hãy sử dụng khẩu trang N100 hoặc FFP#, có khả năng lọc cả bụi PM1 và khí gây hại.
Tại các công ty sản xuất khẩu trang hay lớp lọc, đối với mỗi loại sản phẩm đều có mẫu kiểm tra. Nếu công ty sản xuất cung cấp dữ liệu kiểm tra lớp lọc của họ, với đầy đủ thông tin sẽ đảm bảo hơn và tăng độ tin cậy về chất lượng khẩu trang.
"Hiện GreenID chưa có nghiên cứu và số liệu cụ thể để trả lời về thời điểm chấm dứt hoàn toàn ô nhiễm không khí. Đây là câu chuyện mà không thể một mình chúng tôi hay một vài tổ chức, hay cơ quan nhà nước có thể đưa ra đáp án được vì đây là nỗ lực tổng thể của xã hội. Là cá nhân, là hộ gia đình thông thường có thể tham khảo các giải pháp giảm nhẹ tác động dẫn đến ô nhiễm không khí. Ngoài ra hãy thay đổi thói quen sinh hoạt của mình như chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng hay hạn chế dùng bếp than, sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lương cũng như áp dụng các biện pháp để giảm thiểu giảm phát thải vào môi trường không khí.
Là các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu ô nhiễm không khí, làm rõ nguyên nhân chủ yếu, tăng khả năng dự báo ô nhiễm để có những bằng chứng đầu vào cho việc hoạch định chính sách.
Ngoài ra đối với chính quyền, cần xây dựng "Luật Không khí sạch" để đưa ra khung pháp lý và hướng dẫn cụ thể về quản lý chất lượng không khí ở Việt Nam; kiểm soát các nguồn phát thải, đặc biệt là các nguồn lớn như công nghiệp (nhiệt điện, xi măng, sắt thép, hóa chất), giao thông,…; thúc đẩy các ngành kinh tế phát thải thấp, đồng thời ban hành chính sách và cơ chế hỗ trợ ứng dụng các công nghệ xanh, đặc biệt trong các ngành năng lượng, giao thông và công nghiệp" - đại diện GreenID nói.
Trí thức trẻ